Quốc tế Ngày 31.03.2013, 22:39 (GMT+7) SGTT.VN - Biển Đông sẽ là ưu tiên trong nghị trình Cấp cao ASEAN từ 24-25.4. Thông điệp Trung Quốc đưa ra dịp này nhằm khẳng định chủ quyền và trắc nghiệm khả năng bảo vệ các tham vọng phi pháp của họ tại các vùng biển tranh chấp. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo thường lệ tại bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối tuần qua (29.3), người phát ngôn bộ Ngoại giao Victoria Nuland nhắc lại các quan ngại của Washington về vụ việc xảy ra hôm 20.3. Mỹ, Nhật đều phản đối mạnh mẽ Bà Nuland nói, rõ ràng có sự khác biệt trong câu chuyện do hai bên thuật lại và Washington đã yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ những gì đã xảy ra: “Quý vị đã biết chúng tôi phản đối mạnh mẽ như thế nào đối với mọi sự đe dọa, hoặc hành động dùng vũ lực hay hiếp đáp của bất cứ nước nào đòi chủ quyền trên Biển Đông. Chúng tôi đang đảm bảo cho tất cả các nước phải được an toàn về hàng hải và yêu cầu các bên hãy tự kềm chế, không được đưa ra bất cứ hành động nào có thể phương hại tới cơ may có thể giải quyết các vấn đề qua đường lối ngoại giao”. Bãi đá James Shoal nơi Hải quân Trung Quốc tràn xuống tập trận đổ bộ chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia 80 km.
Cuối tuần qua, đại tướng Shiregu Iwasaki, chủ tịch ban tham mưu liên quân của Phòng vệ Nhật Bản đã họp với đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu bộ Tư lệnh Thái bình dương của quân đội Hoa Kỳ, để bàn về một kế hoạch nhằm chiếm lại quần đảo Senkaku, trong trường hợp các đảo này bị Trung Quốc xâm lấn. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới đây cho biết họ đang làm việc chung với Nhật Bản để chống lại bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm chiếm cứ quần đảo có tranh chấp trên biển Hoa Đông. Các nhà phân tích cho rằng thông cáo này là một lời cảnh báo mạnh mẽ và bất ngờ đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thông điệp tới cấp cao ASEAN Theo tường thuật của các phóng viên quốc tế, tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, hải quân Trung Quốc đã tiến sâu xuống phía nam, cách bờ biển Malaysia 80 km. Đoàn tàu 4 chiếc đã đi qua quần đảo Trường Sa và tiến sâu vào bãi đá ngầm James để tiến hành các cuộc diễn tập. Hạm đội này bao gồm các tàu hộ tống hạm và khu trục hạm có phi đạn điều hướng. Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói khơi khơi: “Trung Quốc đang hành xử các quyền hợp pháp của mình qua việc thực hiện những cuộc thao dượt này”. Theo GS Ian Storey của viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, con số các chiến hạm tham gia cuộc diễn tập không phải là yếu tố quan trọng. Cuộc thao dượt này được thiết kế để đánh đi một thông điệp là “Trung Quốc có khả năng hoạt động ở những nơi cách xa lục địa, có thể đổ bộ lên các hòn đảo và chiếm các hòn đảo để giải quyết các tranh chấp”. Rõ ràng những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đang trở thành mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế. Hòa bình ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế là không thể đảo ngược được. Việc Trung Quốc từ chối đàm phán về COC cho thấy rõ Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí cùng các nước liên quan giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp. Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang thi hành một chính sách cứng rắn với các nước láng giềng nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển” mà đại hội 18 đảng Cộng sản đã đề ra. ASEAN cần nhận thức rằng nếu tiếp tục im lặng Trung Quốc sẽ lấn tới, do vậy cần có tiếng nói chung trên vấn đề Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. GS Storey cho rằng không phải tình cờ mà tàu của hải quân Trung Quốc tiến tới sát Brunei, là nước giữ chức chủ tịch của tất cả các hội nghị trong năm nay của ASEAN. Ông Romney Banlaoi, giám đốc viện Nghiên cứu hòa bình, bạo động và khủng bố ở Philippines, đã nêu lên vai trò quan trọng mà Brunei sẽ nắm giữ tại diễn đàn ASEAN cuối tháng này. Ông Banlaoi nói: “Tôi nghĩ là Trung Quốc đang gửi tới ASEAN một thông điệp là Trung Quốc không những chỉ muốn khẳng định đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông mà còn muốn trắc nghiệm khả năng bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ của mình”. Ông Banlaoi cho biết tranh chấp Biển Đông sẽ có vị trí cao trong nghị trình thảo luận của hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ 24-25 tháng tư này. Trần Hiếu Chân
|