TQ vận động về Biển Đông ở Bác Ngao Diễn đàn Bác Ngao ra đời để cạnh tranh với Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013 khai mạc hôm Chủ Nhật 7/4 dưới sự chủ trì của Trung Quốc với các vấn đề an ninh khu vực được đặt cao trên nghị trình. Đặc biệt chủ đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) đã được lãnh đạo Trung Quốc mang ra thảo luận với lãnh đạo các quốc gia có mặt tại diễn đàn trên đảo Hải Nam. Trong khi đó, không rõ vì lý do gì, Việt Nam không tham gia Diễn đàn Bác Ngao năm nay cho dù là một trong các thành viên sáng lập và hội nghị lần này được nói là lớn nhất từ trước tới nay. Không chỉ Việt Nam, lãnh đạo các nước đang có tranh chấp biển với Trung Quốc như Philippines, Malaysia và Nhật Bản cũng vắng mặt. ‘Lựa chọn chính trị’Hôm Chủ Nhật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn Bác Ngao với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Sau khi dự Bác Ngao, ông Hun Sen sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Trong cuộc gặp hôm 7/4, ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời ca ngợi nỗ lực của Campuchia trong quá trình hợp tác Trung Quốc-Asean và nói Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Campuchia để thúc đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh với khối Đông Nam Á. Campuchia là nước chủ tịch Asean năm 2012 và đã bị một số nước chỉ trích là quá ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong chủ đề Biển Đông. "Không quốc gia nào được phép đưa cả khu vực, thậm chí cả thế giới, vào tình trạng hỗn loạn vì lợi ích riêng của mình." Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thủ tướng Campuchia nói thêm rằng Phnom Penh sẽ tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh trong “các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi” và các quan ngại lớn khác của Trung Quốc. ‘Lợi ích cốt lõi’ là cụm từ Bắc Kinh dùng để chỉ các vấn đề liên quan chủ quyền như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương; sau này có thêm Biển Đông cho dù giới chức Trung Quốc chưa chính thức xác lập. Về phần mình, Chủ tịch Tập ca ngợi quan hệ Trung Quốc-Campuchia là “hình mẫu cho sự cùng tồn tại hữu nghị và hợp tác chặt chẽ giữa các nước”, đồng thời sẽ tiếp tục giúp Campuchia trong các dự án hạ tầng và phát triển. ‘Không được gây hỗn loạn’Trước đó, hôm 5/4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp Sultan Hassanal Bolkiah của Brunei, người cũng tham dự Diễn đàn Bác Ngao. Brunei là nước hiện đang làm chủ tịch luân lưu khối Asean và tuần tới sẽ chủ trì một hội nghị bộ trưởng bàn về Biển Đông, mà giới chuyên gia cho là sẽ không mang lại đột phá gì đáng kể.
Ông nói Trung Quốc sẽ tích cực làm việc với Brunei để định hướng quan hệ Trung Quốc-Asean, tập trung vào các chủ đề hòa bình và hợp tác. Hòa bình cũng là một trong những thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc Diễn đàn Bác Ngao năm nay, có lẽ do bối cảnh căng thẳng liên Triều. Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình hôm 7/4 nói: “Không quốc gia nào được phép đưa cả khu vực, thậm chí cả thế giới, vào tình trạng hỗn loạn vì lợi ích riêng của mình”. Diễn đàn châu Á là nơi thảo luận các vấn đề quan tâm chung của cả khu vực. Được khởi xướng từ năm 1998, diễn đàn này do Trung Quốc đứng ra chủ trì tại thị trấn Bác Ngao trên đảo Hải Nam từ 2001. Diễn đàn Bác Ngao bắt đầu được tiến hành thường niên từ 2012. Năm nay lãnh đạo cao nhất của 13 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Sultan Brunei, T̉ông thống Kazakhstan, Miến Điện, Mexico, Thủ tướng Campuchia, Úc và New Zealand; cùng 2.000 đại diện các công ty trong khu vực tham gia diễn đàn trong ba ngày. Việt Nam không có đoàn cấp cao tham dự Bác Ngao 2013. Năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia và có bài diễn văn quan trọng tại hội nghị. Năm 2012. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại Bác Ngao.
|