ASEAN quyết liệt trong vấn đề biển Đông Trước những hành động gây lo ngại gần đây của Trung Quốc, ASEAN đang chuẩn bị những bước đi buộc nước này hợp tác trong vấn đề biển Đông. Tổng thư ký Lê Lương Minh (trái) gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã chuẩn bị một tuyên bố chung về vấn đề biển Đông, Kyodo News dẫn lời giới chức ASEAN cho hay. Bản thảo tuyên bố này thể hiện quyết tâm hoàn thiện sớm COC dự kiến sẽ được chính thức đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào ngày 24-25.4. Đây sẽ là tuyên bố chung đầu tiên của ASEAN về vấn đề gai góc với Trung Quốc kể từ khi căng thẳng trên biển Đông gia tăng trong vài năm qua. Bản thảo cho thấy “sự đoàn kết, thống nhất, tập trung nhằm duy trì hòa bình, tăng cường an ninh biển và bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông”, theo giới chức. Ngay khi đến Brunei để dự họp ngày 10.4, Ngoại trưởng Natalegawa đã phát biểu với báo chí: “Cách đây vài ngày, tôi đọc báo thấy Trung Quốc có kế hoạch đưa tàu du lịch đến một số hòn đảo trong vùng tranh chấp. Vậy chúng ta phải làm gì trước hành động này?”. Trước đó, Tân Hoa xã ngày 7.4 ngang nhiên đưa tin Trung Quốc sẽ đưa tàu du lịch với khoảng 2.000 khách đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong dịp lễ Quốc tế Lao động. Ông Natalegawa cho rằng cam kết kiềm chế căng thẳng của ASEAN đã “bị thách thức bởi hành động khiêu khích” của Trung Quốc, theo báo Brunei Times. Và “hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tranh chấp” của Trung Quốc là “vi phạm những nguyên tắc căn bản” của Tuyên bố các bên về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC). Hành động của Trung Quốc cũng khiến Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh quan ngại sâu sắc. Trong cuộc gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 8.4, ông Lê Lương Minh đã kêu gọi các quốc gia thành viên, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia, góp phần làm giảm căng thẳng trên biển Đông, theo báo Jakarta Post. “Để đạt được Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và tiến lên, chúng ta cần môi trường hòa bình và ổn định, và một bộ quy tắc ứng xử là hết sức quan trọng trong bối cảnh này. Chúng tôi mong sự hợp tác của các thành viên, đặc biệt là Indonesia”, Tổng thư ký Lê Lương Minh nói.
Ngày 11.4, tại ĐH Thammasat (Thái Lan) diễn ra hội thảo về biển Đông giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Thái Lan. Trong đó, đại diện Học viện Ngoại giao Việt Nam chia sẻ thông tin cập nhật về biển Đông với các giáo sư của Học viện Nghiên cứu Đông Á, nhà nghiên cứu và chuyên gia quốc phòng của nước chủ nhà. Hội thảo đánh giá vấn đề biển Đông ngày càng phức tạp, căng thẳng chưa có dấu hiệu giảm với những vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam hoặc tàu chiến nước này tiến sát bờ biển Malaysia... Phía Thái Lan nhận định rằng tình hình tranh chấp ở biển Đông không dễ giải quyết trong một sớm một chiều và các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Đại diện nước chủ nhà cũng nói với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm nay, nước này sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa bình và tôn trọng luật quốc tế. Minh Quang Philippines truy tố ngư dân Trung Quốc Theo tờ Inquirer ngày 11.4, Philippines đã truy tố 12 ngư dân Trung Quốc về nhiều tội danh sau khi tàu của họ mắc cạn tại bãi san hô Tubbataha trong vùng biển Sulu. Nhóm người này có thể lãnh án tù 6-12 năm cùng 100.000 USD tiền phạt cũng như bị tịch thu hải sản, tàu và ngư cụ vì các hành vi xâm nhập và đánh bắt trái phép, gây hư hại cho bãi san hô và đưa hối lộ. Tàu cá Trung Quốc mắc cạn tại khu vực trên từ đêm 8.4 và các nhân viên bảo vệ công viên thiên nhiên bãi san hô Tubbataha cáo buộc nhóm ngư dân định hối lộ họ 2.400 USD. Theo truyền thông Philippines, đây là lần đầu tiên tàu cá Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Sulu đến như vậy và giới chức đang nghiên cứu mức độ tổn hại của bãi san hô Tubbataha, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trung Quốc chưa có phản ứng về vụ việc. Lê Loan
|