Asean cần đưa ra tuyên bố chung

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Asean cần đưa ra tuyên bố chung
    15/04/2013 10:01 (GMT + 7)

    TT - Trả lời Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng với Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia năm năm lần thứ 12, Trung Quốc hoàn toàn không có ý định nói suông hay hô hào khẩu hiệu ở biển Đông.


    * Trung Quốc nhắm vào điều gì khi ban bố quy hoạch vào thời điểm mà các ngoại trưởng của Asean và Trung Quốc chuẩn bị gặp nhau ở Brunei để thảo luận cách thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) và khi Asean chuẩn bị hội nghị cấp cao tại Brunei trong chưa đầy hai tuần nữa?

    - Trung Quốc hoàn toàn không nói suông hay hô hào khẩu hiệu về tuyên bố chủ quyền của họ ở biển Đông. Các hành động của Trung Quốc, mà mới đây nhất là việc ban bố Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia năm năm lần thứ 12, cho thấy mức độ hiện thực hóa chủ quyền của họ tại biển Đông ngày càng “ráo riết” và ở tầm “chiến lược” hơn.

    Chưa thể khẳng định đích xác Trung Quốc nhắm vào mục đích gì khi ban bố quy hoạch trong thời điểm này, nhưng có thể cảm nhận được một thông điệp là Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục giữ thái độ “cứng rắn” đối với vấn đề chủ quyền của họ ở biển Đông, kể cả trong các hoạt động liên quan đến việc đàm phán COC với Asean.

    * Bà có nhận định gì về các kế hoạch khai thác Hoàng Sa - Trường Sa của Trung Quốc trong quy hoạch này, nhất là khi Trung Quốc chưa bao giờ giải thích rõ ràng với thế giới về yêu sách đường lưỡi bò của họ?

    - Kế hoạch khai thác Hoàng Sa - Trường Sa của Trung Quốc trong quy hoạch này (như thử nghiệm công trình khử muối trong nước biển ở Hoàng Sa, xây dựng các cột mốc công cộng trên biển tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), mở rộng việc tuần tra an toàn đường biển đến khu đặc quyền kinh tế và các vùng biển khác, đặt mục tiêu đến năm 2015 thời gian lực lượng cứu hộ tuần tra có mặt tại một số khu vực ở Nam Hải (biển Đông), cụ thể là những nơi cách bờ 100 hải lý, sẽ không vượt quá 90 phút...) nếu thực thi, sẽ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

    * VN, Asean và cộng đồng quốc tế nói chung nên làm gì và phản ứng ra sao trước việc Trung Quốc liên tục thúc đẩy các kế hoạch hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ ở biển Đông?

    - Trong bối cảnh này, VN và các nước Asean cần thống nhất và sớm có tuyên bố chung về vấn đề trên. Trong đó yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động không phù hợp này và sớm tiến hành quá trình đàm phán COC.

    Riêng VN, trước hết cần phản đối mạnh mẽ quy hoạch này của Trung Quốc, tranh thủ dư luận quốc tế, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp, công cụ để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân cũng như tài sản của các tổ chức, cá nhân VN hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN. VN cũng cần xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý khẳng định và thực thi chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luật biển năm 2012 của VN là một ví dụ điển hình.

    HƯƠNG GIANG thực hiện



    Posted by tuoitre.vn on April 15, 2013 at 02:57:27:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]