Hà Nội gửi thông điệp Lý Sơn cho 'nước lạ' Trân Văn/Người Việt QUẢNG NGÃI - Trong vài ngày qua, báo chí Việt Nam liên tục đưa tin về “Lễ khao lề thế lính” tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi mà theo dự tính, sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng 4, với quy mô được nhấn mạnh là “chưa từng có”. Chuẩn bị thả thuyền tế những tiền nhân từng ra khơi giữ Hoàng Sa trong “Lễ khao lề thế lính” tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.(Hình: Internet)
Theo nhiều cổ thư (Quốc triều Chính biên toát yếu, Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam Nhất thống chí, Đại Nam Thực lục, Phủ biên Tạp lục, Hoàng Việt Địa dư chí,…), trong nhiều thế kỷ (khởi đầu từ khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17), huyện đảo Lý Sơn là nơi cung cấp dân binh để thực hiện các đợt tuần tra trên biển Đông (thường bắt đầu vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch cho đến tháng 8 âm lịch hàng năm), với đích đến là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Mục đích là vừa để xác lập chủ quyền của người Việt trên hai quần đảo này, vừa nhằm thu thập các thứ sản vật, nộp cho các chúa Nguyễn (về sau là cho triều đình nhà Nguyễn). Vì tàu thuyền thô sơ, hải trình dài, nhiều rủi ro, không ít dân binh bỏ mạng hay mất tích, nên cư dân Lý Sơn thường tổ chức “Lễ khao lề thế lính” trước các đợt tuần tra, vừa nhằm chia tay những người được chọn, cầu chúc họ lên đường may mắn, bình an, vừa giống như một hình thức tế sống họ.
Hồi thượng tuần tháng này, ông Phạm Bình Minh – Ngoại trưởng Việt Nam, cũng vừa đến huyện đảo Lý Sơn để kêu gọi ngư dân Việt Nam bám biển, bám ngư trường, nhằm phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tại sao Ngoại trưởng Việt Nam phải ra tận huyện đảo Lý Sơn để phát lời kêu gọi? Có thể vì huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là nơi dẫn đầu về số lượng tàu đánh cá bị Trung Quốc rượt đuổi, tạm giữ, tịch thu, ngư dân bị chết, bị mất tích, bị Trung Quốc bắt – đòi nộp tiền chuộc… Ông Sang khẳng định, phát triển nghề đánh cá nằm trong chiến lược biển của Việt Nam và hứa sẽ hỗ trợ ngư dân về mọi mặt. Ông yêu cầu chính quyền địa phương xem xét và báo cáo kịp thời những trường hợp mà ông gọi là “nhân tai”, xảy đến với ngư dân trên biển, để Việt Nam lấy đó làm cơ sở cho việc can thiệp, bảo vệ ngư dân. Tại sao ông Sang cũng chọn Lý Sơn? Kể từ khi Trung Quốc công khai bày tỏ tham vọng độc chiếm biển Đông, huyện đảo Lý Sơn, nổi tiếng vì có nhiều đứa con mất cha, nhiều người vợ mất chồng, nhiều người mẹ mất con, thân nhân mất anh em, nhiều gia đình phá sản bởi “nhân tai” được cầu chứng bởi “tinh thần 4 tốt” và “16 chữ vàng”… Dẫu cho “Thông điệp Lý Sơn” đi kèm việc loan báo rộng rãi tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Ðại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để phản đối việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, rồi tin đại diện Việt Nam mới gặp đại diện Lực lượng Phòng vệ duyên hải Hoa Kỳ, để tìm kiếm sự hỗ trợ phát triển lực lượng cảnh sát biển, và tin lần đầu tiên Việt Nam sẽ gặp Nhật tại Hà Nội vào tháng tới, để thảo luận về việc hợp tác bảo vệ an ninh trên biển,… vẫn không tạo được hứng khởi và sự quan tâm từ công chúng. Có thể vì “Thông điệp Lý Sơn” được gửi quá muộn! Vô số sự kiện liên quan đến lối ứng xử của chính quyền Việt Nam với Trung Quốc và cách hành xử của chính quyền Việt Nam với đồng bào của mình đã bào mòn cả niềm tin lẫn hy vọng của mọi người.
|