Hội nghị ASEAN: "Đồng sàng" nhằm tránh “giậm chân tại chỗ” về Biển Đông (Dân trí) - Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 sẽ nhóm họp ở Brunei trong nỗ lực tái thiết mặt trận đoàn kết trước những rạn nứt chưa từng có tiền lệ về ứng xử đối với những tranh chấp lãnh thổ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn ở Biển Đông.
Cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra nhằm độc chiếm Biển Đông ăn vào vùng biển của 4 thành viên ASEAN gồm nước chủ nhà ASEAN năm nay Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng nỗ lực thúc đẩy một lực lượng thống nhất trong ASEAN của Philippines và Việt Nam trước Trung Quốc đã gặp trở ngại vào năm ngoái, năm Campuchia làm chủ tịch ASEAN. Trước hội nghị Thượng đỉnh 2 ngày, bắt đầu từ thứ tư tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh ASEAN cần phải xây dựng được một mặt trận thống nhất về Biển Đông. “ASEAN không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển nếu chúng ta mạnh mẽ…chúng ta cần phải “đồng sàng””, ông Natalegawa cho biết với hãng thông tấn Pháp AFP. Brunei đã nêu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm chủ tịch ASEAN của nước này là cho đến cuối năm nay xem xét một bộ quy tắc ứng xử trên biển có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc (COC). Bộ quy tắc này lần đầu tiên được đề xuất là cách đây hơn một thập niên. Trong khi đó tại hội nghị Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thúc đẩy một “kết luận sớm” về bộ quy tắc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Raul Hernandez, cho biết với các phóng viên tại Manila và tuần trước. Và vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho hay các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc có cuộc họp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên chi tiết về cuộc họp không được công bố. “Quan điểm của Trung Quốc cho thấy họ chưa sẵn sàng đàm phán với ASEAN về Biển Đông… Nếu Trung Quốc không muốn tiến lên, bộ quy tắc ứng xử sẽ không có gì”, ông nhận định. Căng thẳng trong cách ứng xử với Trung Quốc đã phủ bóng xuống các hội nghị cấp cao của ASEAN vào năm ngoái. Đỉnh điểm là hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vào tháng 7, với kết thúc mà lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này không đưa ra được thông cáo chung. Điểm thứ hai là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi nội bộ ASEAN không hề thay đổi, mặc dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez tỏ ra tin tưởng là ASEAN gạt các bất đồng sang một bên. “Vết thương từ năm ngoái vẫn chưa hoàn toàn lành”, một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho hay. Hơn nữa, do phải vận động tranh cử, Thủ tướng của Malaysia, một trong các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ không tham dự Thượng đỉnh lần nàyở Brunei, mà chỉ cử đại diện đi thay. Do vậy, giới chuyên gia dự đoán là việc xây dựng COC nhiều khả năng tiếp tục “giậm chân tại chỗ” ở Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei lần này. Vũ Quý
|