Hai gọng kìm của Trung Quốc ASEAN, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thoả thuận tăng cường hợp tác tài chính vùng, mặc dù vắng mặt bộ trưởng Tài chính Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc họp ngày 3.4 tại New Delhi. Trong khi đó vấn đề Biển Đông vẫn không có dấu hiệu gì tốt hơn giữa ASEAN và Trung Quốc. Ảnh: japantimes.co.jp
Bịa ra câu chuyện “ASEAN khiêu khích nỗ lực của Bắc Kinh về Biển Đông”, học giả Trung Quốc cũng phụ hoạ theo để tân ngoại trưởng “lobby” các nước đến thăm. Trong hội đàm, Vương Nghị nêu ra các nguyên tắc nói là để giải quyết tranh chấp, nhưng những nguyên tắc đó hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đã/đang phô trương khiến Biển Đông “nổi sóng”. Ngày 4.5, nhằm bẻ “bó đũa” ASEAN, tờ China Daily lý giải: “Thái Lan có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Indonesia có vị trí quan trọng trong khối, Singapore là não bộ của ASEAN còn Brunei là chủ tịch đương nhiệm”. Tờ báo cho rằng “Việt Nam và Philippines tìm cách đe doạ quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc để thủ lợi thông qua việc gây sự trên Biển Đông”. Tờ báo cũng cáo buộc “Việt Nam và Philippines xâm chiếm các vùng biển và hải đảo của Trung Quốc và tìm cách sử dụng các thế lực ngoại bang, mà bài báo cho là đang “dây máu ăn phần”, để củng cố sự chiếm đóng bất hợp pháp của mình”(?) Vậy là chuyến công du của Vương Nghị đã tái khẳng định quan điểm Bắc Kinh, chia các nước khu vực làm “hai phe”: “thân thiện và bất hợp tác”(!) Và Vương ngoại trưởng khăng khăng đòi chỉ “đàm phán tay đôi” với từng nước có tuyên bố chủ quyền, một con bài chính trị nhằm làm suy yếu sức mạnh đoàn kết ASEAN. Đề xuất mở đàm phán bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở cấp vụ, nhưng ông Vương lại tuyên bố chỉ thảo luận khi “thời điểm chín muồi” và lảng tránh cam kết cụ thể. Phát ngôn của Vương Nghị tại các nước đến thăm cho thấy Trung Quốc thực sự lo lắng và lúng túng khi ASEAN dường như đang phục hồi sự thống nhất trong lập trường về Biển Đông. Đa phương thức, một mục tiêu Theo Thông tấn xã CNA (Đài Loan), chuyến thăm vừa qua là nỗ lực tiếp tục của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Cùng lúc, Trung Quốc siết chặt hai gọng kìm. Gọng thứ nhất, Bắc Kinh thông qua đòn chính trị – ngoại giao để phân hoá ASEAN và lái sự chú ý của khối, từ vấn đề Biển Đông sang quan hệ kinh tế, đối tác chiến lược và thương mại song phương. Thủ đoạn này từng tỏ ra hiệu quả khi năm ngoái, nhờ có Campuchia làm chủ tịch mà Trung Quốc thành công được một phần, còn năm nay thì tìm cách tác động tới bốn thành viên có vị thế nổi trội trong khối. Gọng thứ hai phối hợp với đòn chính trị – ngoại giao chính là hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông với hàng loạt hành động kể từ khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” phi pháp hồi tháng 6 năm ngoái. Mới nhất, ngày 28.4, Trung Quốc tổ chức tour du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt phi pháp năm 1974. Trước đó nữa, ngày 16.4, Trung Quốc ban hành sách trắng quốc phòng, thể hiện thái độ ngang ngạnh trong cái gọi là “bảo vệ chủ quyền” một cách phi lý và phi pháp. Bất chấp các diễn biến nói trên, sự hợp tác năm nay giữa các thành viên ASEAN, trong đó có Brunei và Indonesia đang thúc đẩy vai trò chủ động của tổ chức sau một năm “mất đà”. Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã đi đầu trong việc thiết kế một bộ COC được các bên chấp thuận. Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bokiah vừa tiết lộ, các thành viên ASEAN đã nhất trí cách tiếp cận gồm “hai bước lớn” để giải quyết tranh chấp. Đầu tiên, những tuyên bố chủ quyền chồng chéo là vấn đề thuộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải giải quyết với nhau. Sau đó, ASEAN và Trung Quốc cam kết xây dựng bầu không khí hoà bình để nhanh chóng hoàn tất COC. Một hình thức hợp tác khác cũng được Malaysia, Singapore và Indonesia khởi xướng, đó là thoả thuận hợp tác chiến lược giữa hải quân ba nước, gọi tắt là MALSINDO để cùng tuần tra xung quanh eo biển Malacca. Mặc dầu chưa có quốc gia nào đưa ra được một đề xuất tương tự để thực thi tuần tra đa phương trên Biển Đông, song rõ ràng các nước có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này như Philippines và Việt Nam hiện có tranh chấp với Trung Quốc đang mong muốn ASEAN đóng vai trò ngày càng quyết định hơn trong nỗ lực hiện thực hoá tiến trình COC. Theo giới phân tích, có ba lý do cần sớm thúc đẩy COC. Một là, chưa đến lúc Trung Quốc muốn công khai hoá các xung đột tiềm tàng trong khu vực, vì ngại tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của mình. Hai là, bất cứ một sự xói mòn nào về hoà bình/ổn định trên Biển Đông sẽ là cơ hội để các cường quốc cạnh tranh gia tăng ảnh hưởng cấp vùng, làm tổn hại đến vị thế của Bắc Kinh trong cán cân quyền lực. Ba là, tới đây cần đẩy mạnh tiến trình giải quyết tranh chấp trước khi “cơn khát năng lượng” của Trung Quốc bùng phát hơn nữa và giấc mộng “cường quốc biển” của nước này sẽ vô hiệu hoá bất kỳ một giải pháp hoà bình nào. Trần Hiếu Chân
|