Sự kiệnThứ Hai, 06/05/2013 - 09:25 Thời gian gần đây, các lực lượng của Bắc Kinh ngày càng tích cực tiến hành những hành vi xâm lấn đối với Nhật Bản, Ấn Độ và Biển Đông để bảo vệ cái mà họ gọi là "lợi ích cốt lõi" của mình. Trong mấy ngày qua, nhiều lực lượng thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tích cực xâm nhập vào lãnh thổ của Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không ngừng lớn giọng với Việt Nam và Philippine khi hai nước có những nỗ lực khẳng định chủ quyền đối với phần biển đảo của mình trên Biển Đông. Trong số 3 điểm nóng trên, cho tới nay, mối đe dọa lớn nhất là cuộc chơi hung hăng của "con gà chọi" quân đội Bắc Kinh đang tham gia ở trên không phận và xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc Hoa Đông. Hôm 23/4, máy bay quân sự Trung Quốc, chủ yếu là máy bay chiến đấu, đã bay áp sát nhóm 5 hòn đảo hoang này, buộc Nhật Bản phải tức tốc điều một số máy bay chiến đấu F15 từ căn cứ không quân trên đảo Okinawa để cảnh báo. Cùng thời điểm, 8 tàu khảo sát biển của Trung Quốc cũng tiến vào khu vực 12 hải lý quanh nhóm đảo thuộc vùng lãnh hải của Nhật Bản. Báo chí Nhật dẫn lời một quan chức chính quyền Tokyo miêu tả hành động của các lực lượng Trung Quốc là "mối đe dọa chưa từng có. Nếu sự phô trương sức mạnh như vậy tiếp tục diễn ra, nhiều người lo ngại nó sẽ dẫn tới tình huống mà lực lượng phòng không Nhật Bản khó có thể xử lý kịp". Một trong những hành động hung hăng nhất là vào ngày 30/1 khi một tàu khu trục Trung Quốc chĩa thẳng ra đa kiểm soát tên lửa của mình vào một tàu hải quân và sau đó là cả máy bay Nhật Bản. Chỉnh hướng ra đa vào mục tiêu chính là bước cuối cùng trước khi bắn tên lửa, là hành động để cảnh báo đối thủ rằng, việc tấn công sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài giây. Trong một tình huống như vậy, những đánh giá sai lầm sẽ rất dễ xảy ra và dẫn tới xung đột. Nhưng Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó để đòi yêu sách chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku. Hôm 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trước báo giới, Điếu Ngư là một trong những "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, một cụm từ thường được nước này dành cho các vấn đề mà Bắc Kinh coi là miễn đàm phán và sẵn sàng đi tới chiến tranh vì nó. Cụm từ "lợi ích cốt lõi" cũng được Bắc Kinh sử dụng đối với vấn đề Đài Loan, và gần như toàn bộ Biển Đông trải rộng xuống phía Nam. Tranh chấp biên giới kéo dài của Bắc Kinh với Ấn Độ ở Himalaya, nơi từng diễn ra cuộc chiến chớp nhoáng nhưng căng thẳng 1962, bắt đầu sau khi Trung Quốc tấn công vào khu vực biên giới phía bắc giáp Ấn Độ, Tây Tạng. Những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biên giới này, và mặc dù đã có nhiều cơ chế giảm thiểu xung đột, nhưng những vụ đụng độ nhỏ vẫn diễn ra khá thường xuyên. Ngày 15/4, Trung Quốc di chuyển một trung đội đi sâu 20km vào vùng lãnh thổ đang thuộc kiểm soát của Ấn Độ và thậm chí đóng trại tại đây. Trại này đóng tại Ladakh, gần khu vực đèo Karakoram chiến lược. Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc rút quân, nhưng sau vài cuộc trao đổi giữa chỉ huy quân đội địa phương với các nhà ngoại giao, tranh cãi vẫn không thể được giải quyết. Việc Trung Quốc đưa quân qua bên kia biên giới bị người dân Ấn Độ phản đối dữ dội, khi nhiều nhà bình luận cáo buộc Bắc Kinh đã lợi dụng thời điểm khó khăn của chính phủ Thủ tướng Manmohan Singh, người nhiều khả năng sẽ nghỉ hưu trước khi diễn cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới. Thậm chí có người còn lên tiếng yêu cầu chính phủ sử dụng sức mạnh vũ trang nếu cần thiết để buộc Trung Quốc rút quân, bằng không, Bắc Kinh sẽ càng được nước lấn tới, càng hung hăng trong việc thay đổi nguyên trạng. Nguyên trạng cũng đang bị thay đổi nhanh chóng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc có những động thái mạnh mẽ nhằm thiết lập sự hiện diện và sau đó khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.... Trung Quốc đang hành động với sự hung hăng hiếu chiến để bảo vệ một "lợi ích cốt lõi" vô căn cứ khi liên tiếp đối đầu với tàu cảnh sát biển của Philippine và phá hoại tàu khảo sát Việt Nam ở các vùng biển tranh chấp. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đe dọa tiến hành chiến tranh đối với Việt Nam và Philippine, và hôm 26/4, Bắc Kinh cũng lên án việc Chính quyền Malina đưa tranh chấp ra Liên hợp quốc.... Theo Trâm Anh
|