[Tintuc-hoangsatruongsa]
Thứ Tư, 08/05/2013 - 18:04
Đài Loan, Nhật Bản tăng cường năng lực tấn công đề phòng Trung Quốc
(Dân trí) - Nhật Bản và Đài Loan đang tăng cường các khả năng tấn công nhằm đề phòng Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có các hành động gây hấn trên biển.
Tên lửa hành trình chống hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan.
Các động thái chính của Nhật Bản liên quan tới khả năng tấn công chính xác bao gồm việc nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu Mitsubishi F-2 với Vũ khí tấn công trực tiếp phối hợp (JDAM) và chế tạo một tên lửa đất đối đất chính xác hơn.
Nhật Bản đang tập trung vào sự răn đe và phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bất ngờ của các nhóm nước ngoài và các lực lượng tác chiến đặc biệt, và JDAM được xem là một công cụ hữu ích chống lại các lực lượng như vậy.
Kể từ năm 2011, Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật Bản đã bổ sung khả năng JDAM vào máy bay chiến đấu F-2. ASDF đã chi 21,4 triệu USD để trang bị các bộ JDAM cho 12 máy bay chiến đấu F-2 vào năm 2011, 28,2 triệu USD trang bị JDAM cho 20 máy bay F-2 vào năm 2012 và 13 triệu USD để trang bị JDAM cho một số máy bay chiến đấu F-2.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật Bản Takaaki Ohno xác nhận rằng bộ quốc phòng nước này có kế hoạch trang bị “khả năng JDAM” cho tất cả máy bay chiến đấu F-2.
Các nguồn tin chưa được xác nhận trên báo chí Nhật cho biết các bộ JDAM là bom Mk-82 nặng 225kg. Các chiến đấu cơ F-2 của Nhật Bản cũng có khả năng mang các loại bom khác. Phi đội của ASDF gồm 63 máy bay F-2, khoảng 150 chiếc Mitsubishi F-15J, 45 chiếc F-15DJ Eagles và khoảng 80 máy bay Phantom F-4 đã cũ.
Ngoài ra, Bộ quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ chi 13 triệu USD để phát triển một tên lửa đất đối đất với hệ thống dẫn đường cải tiến và tầm xa rộng hơn để thay thế tên lửa đất đối đất Type-90.
Để giảm chi phí, tên lửa sẽ được phát triển lựa trên tên lửa đất đối hạm Type-12 của Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF). Tên lửa có thể được dẫn đường bởi thông tin mục tiêu từ trực thăng. Tên lửa Type 90, có đầu đạn nặng 260 kg, là một biến thể của tên lửa SSM-1 tầm xa từ 150-200km.
Đài Loan phát triển các loại tên lửa
Trong khi đó, Đài Loan cũng đang đẩy mạnh một loạt các chương trình tên lửa bí mật nhằm đề phòng Trung Quốc tràn qua eo biển. Các chương trình bao gồm một tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới, một tên lửa đạn đạo tầm trung và 2 tên lửa chống hạm mới phóng từ máy bay phản lực.
Một nhà phân tích quốc phòng Đài Loan cho hay hòn đảo này đang phát triển một hệ thống tên lửa chống hạm, siêu thanh tên gọi Cloud Peak. Nhưng thông tin này lại mâu thuẫn với các nguồn tin báo chí trước đó nói rằng Cloud Peak là một chương trình tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới (LACM).
Bộ quốc phòng Đài loan không tiết lộ các thông tin chi tiết. Còn nhà phân tích quốc phòng trên cho biết có dự án MRBM nhưng là một chương trình khác.
Cloud Peak là một tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh với tầm xa mở rộng, dựa trên phiên bản tên lửa chống hạm Hùng Phong-3, nhằm đề phòng các hạm đội tấn công từ bờ biển đông nam của Trung Quốc, nhà phân tích cho hay.
Nhưng bất chấp các nỗ lực của Đài Loan nhằm phát triển các vũ khí tấn công chính xác, một nguồn tin cho biết Đài Loan có thể không chống lại được một cuộc tấn công tổng lực của Trung Quốc.
Trung Quốc có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Đông Phong-11/15 chĩa vào Đài Loan và một số lượng chưa rõ con số cụ thể các tên lửa hành trình tấn công mặt đất mới (LACM), theo các ước tính của Bộ quốc phòng Mỹ.
Đài Loan cũng đã bắt đầu sử dụng LACM đầu tiên, Hùng Phong-2E. Tổ hợp 601 của Bộ chỉ huy tên lửa Đài Loan có 3 phi đội tên lửa Hùng Phong-2E được triển khai trên các bệ phóng di động.
Hải quân Đài Loan cũng đã bắt đầu sử dụng tên lửa chống hạm siêu thanh đầu tiên, Hùng Phong-3, trên các tàu khu trục lớp Oliver Hazard Perry, và cũng có thể triển khai nó trên các tàu lớp Lafayette và Knox. Được gọi với biệt danh “sát thủ tàu sân bay”, Hùng Phong-3 có tầm bắn từ 150-200km.
An Bình
Tổng hợp
Posted by dantri.com.vn
on May 08, 2013 at 09:27:57:
[Tintuc-hoangsatruongsa]