Mỹ tăng cường hiện diện hải quân tại châu Á-Thái Bình Dương

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Tư, 08/05/2013 - 09:17
    Mỹ tăng cường hiện diện hải quân tại châu Á-Thái Bình Dương

    (Dân trí) - Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện hải quân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với các tàu chiến mới và vũ khí công nghệ cao, bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.

    Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.

    Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, đã đưa ra những bình luận trên trước một chuyến công du quan trọng đến khu vực.

    Ông Greenert nói ông sẽ tìm cách tái khẳng định với các đồng minh trong chuyến thăm kéo dài 9 ngày tới Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc rằng dù sức ép lên ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, Mỹ sẽ không thay đổi trong chính sách “xoay trục” sang châu Á.

    Trong hạm đội 283 tàu của hải quân Mỹ hiện thời, 101 tàu đã được điều động thường trực và 52 tàu hiện đang có mặt tại vùng biển Thái Bình Dương. Mỹ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong khu vực với 62 tàu vào năm 2020.

    “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục. Không có gì thay đổi trong 7-8 năm tới”, ông Greenert cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP 2 ngày trước khi lên đường công du châu Á vào hôm nay.

    Ông Greenert, dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp tại hội nghị an ninh hàng hải IMDEX ở Singapore, nói ông sẽ đưa ra kế hoạch mở rộng sự hiện diện hải quân của Mỹ trong khu vực, đặc biệt tại Đông Nam Á.

    “Tôi sẽ nói với họ về các kế hoạch triển khai và cách chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện tại đó trong giai đoạn 2013-1014”, Đô đốc Greenert cho biết.

    Bộ quốc phòng Mỹ đang đối mặt với khoản cắt giảm ngân sách trị giá 41 tỷ USD trong năm tài khóa này và có thể lên tới 500 tỷ USD trong vòng 9 năm tới.

    Các lãnh đạo quân đội đã cảnh báo rằng một số cuộc tập trận, việc bảo dưỡng tàu và các giờ bay sẽ bị cắt giảm do việc cắt giảm ngân sách, trong khi Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác tăng cường quân đội.

    Ông Greenert thừ nhận rằng việc cắt giảm ngân sách có thể làm chậm việc bàn giao một số vũ khí mới, và nếu ngân sách tiếp tục bị giảm trong vài năm, các kế hoạch đóng tàu mới sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng ông Greenert khẳng định 47 tàu đang được đóng hoặc được đặt hàng sẽ không bị tác động.

    Điều các vũ khí hiện đại nhất tới châu Á

    Mỹ thường xuyên điều các tàu sân bay tới châu Á để tập trận.
    Với Thái Bình Dương, ông Greenert đã ca ngợi các nỗ lực nhằm đẩy mạnh vai trò của hải quân Mỹ trong khu vực, từ nhiều cuộc tập trận hơn cho tới nhiều tàu chiến hơn tại tây Thái Bình Dương.

    Ông Greenert cho hay sự tái cân bằng chiến lược vẫn đang tiến triển, với 42 trong số 52 tàu chiến đang tuần tra thường xuyên tại Thái Bình Dương đồn trú tại các cảng trong khu vực.

    Biện pháp trên tỏ ra hiệu quả trong bối cảnh có những căng thẳng gần đây với Triều Tiên, khi 2 tàu khu trục Mỹ được điều động tới bờ biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

    Các tàu chiến này được triển khai từ một căn cứ hải quân ở Yokosuda (Nhật Bản), thay vì phải đi một đoạn đường dài từ bờ biển phía tây của Mỹ. “Chúng có mặt đúng nơi và đúng thời điểm”, ông Greenert nói.

    Quân đội Mỹ cũng lên kế hoạch điều các vũ khí hiện đại nhất tới châu Á, với phi đội máy bay F-8 mới sẽ tới Nhật Bản vào cuối năm nay.

    Trong khi đó, Tàu tác chiến tuần duyên (LCS) sẽ đóng vai trò quan trọng tại Thái Bình Dương và điều này sẽ mở ra việc triển khai các tàu khu trục và các tàu đổ bộ lớn hơn trong các sứ mệnh ở những nơi khác.

    Tàu LCS đầu tiên, Freedom, đã tới Singapore hồi tháng trước trong sứ mệnh đầu tiên, với 4 tàu tương tự dự kiến sẽ hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á đến năm 2017.

    Lầu Năm Góc tin rằng các tàu LCS cỡ nhỏ phù hợp với các tàu chiến cùng kích cỡ mà hải quân của các nước khác trong khu vực sử dụng, và thích hợp hơn đối với một khu vực vốn vướng phải các tranh chấp lãnh thổ.

    Trong bối cảnh có những căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và các nơi khác, Đô đốc Greenert cho hay ông sẽ thảo luận “các quy tắc” trên biển với các đối tác để ngăn chặn khủng hoảng trong chuyến thăm này

    “Chúng tôi sẽ nói về các quy tắc - như muốn phối hợp cùng nhau trên biển ra sao, khi nào cần phối hợp, hành động và cư xử như thế nào nếu có thay đổi ở Biển Đông cũng như Hoa Đông”, ông Greenert nói.

    Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng và một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố hôm 6/5 đã cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

    Về quan hệ với Trung Quốc, ông Greenert cho hay Washington tập trung vào việc “làm thế nào để hiểu nhau và tìm kiếm một cuộc đối thoại hữu ích”.

    Vị tướng 4 sao, người sẽ tới Seoul sau điểm dừng chân tại Singapore, cho hay Triều Tiên vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực, nhưng căng thẳng đã giảm bớt sau khi Bình Nhưỡng hạ giọng điệu cứng rắn trong những tuần gần đây.

    An Bình
    Theo AFP



    Posted by dantri.com.vn on May 08, 2013 at 09:32:46:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]