Trung Quốc đe dọa nguồn thủy sản và ngư dân trên biển Đông Trung Quốc lại gây quan ngại cho dư luận với các động thái tung đội tàu cá lớn ra Trường Sa và áp đặt lệnh cấm đánh bắt đơn phương. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nước này sắp đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm trên biển Đông trong 2 tháng rưỡi, từ 16.5 đến 1.8. Trong thời gian này, giới chức sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những ngư dân “vi phạm”. Tuy nhiên, vào ngày 6.5, một đội 32 tàu cá Trung Quốc lại ngang nhiên bắt đầu chuyến đánh bắt trái phép kéo dài 40 ngày ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong đó có một tàu hậu cần tổng hợp 4.000 tấn, một tàu vận chuyển 1.500 tấn cùng 30 tàu cá cỡ 100 tấn trở lên, được lắp đặt thiết bị hiện đại. Báo điện tử Hải Nam còn nhấn mạnh đây là đội tàu đánh bắt lớn nhất của tỉnh Hải Nam đến Trường Sa từ đầu năm đến nay. Đội tàu cá Trung Quốc kéo xuống đánh bắt trái phép ở Trường Sa - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo Trao đổi với PV Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế cho rằng các động thái liên tục của Trung Quốc nhằm khẳng định “quyền muốn làm gì thì làm” ở biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy hải sản của các nước trong khu vực và gây quan ngại cho sự an toàn của ngư dân. “Thông điệp của Trung Quốc đã rõ: Vùng biển này là của chúng tôi và chúng tôi quyết tâm khẳng định (cái gọi là) chủ quyền”, tiến sĩ Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á -Thái Bình Dương (Mỹ) nói với PV Thanh Niên. Các chuyên gia cho rằng động thái xua tàu xuống Trường Sa của Trung Quốc là một phần trong cuộc chiến tranh pháp lý với các nước tranh chấp tại biển Đông, với vũ khí là sử dụng luật lệ của chính mình và diễn giải luật pháp quốc tế cũng theo cách của riêng mình. Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) chỉ rõ: “Trung Quốc còn muốn “nhắn gửi” với các nước tranh chấp rằng họ sẽ còn cho nhiều đội tàu đánh bắt lớn hơn nữa để tiếp tục khai thác nguồn thủy sản tại biển Đông. Đây là cơ hội rất tốt mà các nước tranh chấp cần nắm lấy để cho dư luận quốc tế thấy rõ: Nguồn thủy sản tại biển Đông đang bị tận diệt bởi đánh bắt quá mức và ô nhiễm do Trung Quốc gây ra”. Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore) phân tích: Hiện nay Trung Quốc đã cấp phép cho trên 500 tàu cá hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Năm ngoái, nước này cũng đưa vào khai thác con tàu công xưởng lớn nhất của mình với tải trọng 32.000 tấn có khả năng xử lý 2.000 tấn hải sản mỗi ngày và hoạt động liên tục 9 tháng. “Với những động thái như vậy, chắc chắn trữ lượng cá tại biển Đông sẽ ngày càng bị tận diệt và các nước Đông Nam Á cùng khai thác nguồn lợi này sẽ bị ảnh hưởng hết sức nặng nề”, ông Graham nói. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cảnh báo với việc lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc sắp có hiệu lực, an toàn của ngư dân là mối lo không thể làm ngơ. GS Thayer nói: “Rất có khả năng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc sẽ đụng độ với ngư dân Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa và ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough lẫn khu vực Trường Sa. Không loại trừ sẽ xảy ra sự cố do manh động”. Ông nhấn mạnh: “Cần nhớ là dự thảo Bộ quy tắc ứng xử (COC) của ASEAN có điều khoản bảo vệ ngư dân. Cả Việt Nam và Philippines cần yêu cầu Trung Quốc tuân thủ điều khoản này và kiềm chế”.
Ngày 9.5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 6.5 Trung Quốc cử đoàn 32 tàu cá đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề này. Ông Lương Thanh Nghị khẳng định mọi hoạt động của các bên ở khu vực biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan. “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”, ông Nghị nói. Ng.Phong Tờ The Philippine Daily Inquirer hôm qua dẫn lời phát ngôn viên hải quân Philippines là Edgardo Arevalo cho biết lực lượng nước này đang tăng cường hoạt động giám sát để theo dõi hoạt động của 32 tàu cá Trung Quốc. Phát ngôn viên Arevalo khẳng định Manila sẽ có hành động nếu tàu cá Trung Quốc đi vào đặc vùng kinh tế hay lãnh thổ Philippines. Bên cạnh đó, Đài ABS-CBN News dẫn lời giới chức Philippines cho biết ngư dân Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất (56%) trong số những vụ đánh bắt trộm bị phát hiện tại nước này trong giai đoạn tháng 3.1995-4.2013. Cũng trong ngày 9.5, hãng tin CNA dẫn lời giới chức Đài Loan đã yêu cầu quân đội Philippines điều tra vụ một ngư dân Đài Loan bị bắn chết trong vùng biển chồng lấn giữa 2 bên. Theo đó, tàu cá Đài Loan đang hoạt động ở vị trí cách đảo này khoảng 180 hải lý về phía đông nam thì bị một tàu vũ trang được cho là từ Philippines rượt đuổi và nổ súng. Tàu kịp chạy thoát nhưng ngư dân họ Hồng thiệt mạng do trúng đạn. Manila chưa có phản ứng về cáo buộc trên. Trong một diễn biến khác, Nhật Bản ngày 9.5 đã trao công hàm phản đối cho Trung Quốc về bài viết đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo cho rằng Trung Quốc có thể có “chủ quyền lịch sử” đối với đảo Okinawa và cần “xem lại” quyền sở hữu đảo này của Tokyo. AFP dẫn lời giới chức Nhật cho hay phía Trung Quốc trả lời rằng quan điểm trong bài báo chỉ là ý kiến của một số học giả. Lê Loan
|