Đi tìm ưu thế thương lượng COC của ASEAN

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Sáu, 10/05/2013 - 14:32
    Đi tìm ưu thế thương lượng COC của ASEAN

    Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế thương lượng của ASEAN: (i) tính đoàn kết của các thành viên, (ii) những giải pháp dự phòng và (iii) bối cảnh khu vực và quốc tế về vấn đề COC.
    Binh pháp Tôn Tử có câu: "Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng". Trong bối cảnh Trung Quốc đề nghị cùng ASEAN thúc đẩy tiến trình đàm phán COC thì việc làm rõ các ưu thế thương lượng của ASEAN là vô cùng cấp thiết. Đây sẽ là tiền đề để ASEAN xem xét các khả năng của mình trước một Trung Quốc "lắm mưu nhiều chước". Về cơ bản, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế thương lượng của ASEAN: (i) tính đoàn kết của các thành viên, (ii) những giải pháp dự phòng -BATNA (best alternative to the non-negotiable agreement), (iii) bối cảnh khu vực và quốc tế về vấn đề COC.

    Câu chuyện bó đũa

    Hơn bất kì tổ chức nào trên thế giới, ASEAN có lẽ đã học được rất nhiều từ sự chia rẽ của các thành viên năm 2012. Tuy nhiên, hội nghị cấp cao ASEAN 22 tại Brunei vào tháng 4/2013 đã có những tiến triển đáng kể. Uy tín ASEAN đang được phục hồi khi các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết tâm và đoàn kết về các nguyên tắc chung của ASEAN như đảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Ngoài ra, các Bộ trưởng đã cùng đề ra nhiều mục tiêu quan trọng: sớm kết thúc đàm phán COC gữa ASEAN với Trung Quốc vào cuối năm nay; phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực...

    Trước đề nghị của Trung Quốc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố: "ASEAN đã sẵn sàng, chúng tôi đang đợi phía Trung Quốc". Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng khẳng định ASEAN đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông.


    Thế nhưng sau khi tính đoàn kết của ASEAN được phục hồi thì chuyến đi của Bộ trưởng Trung Quốc vừa qua lại đưa ra những chỉ dấu khác. Cùng thời điểm chuyến thăm 4 nước ASEAN Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei từ 1-4/5 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tờ China Dailyđã đăng bài bình luận của ông Nguyễn Tông Trạch - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc kêu gọi ASEAN "nỗ lực chung ngăn chặn một số thành viên của mình" và không để các nước này gây ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc. Bài xã luận có đoạn: "Thái Lan có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Indonesia có vị trí quan trọng trong khối ASEAN, Singapore là bộ não của ASEAN, Brunei là chủ tịch đương nhiệm". Trong lúc đó Việt Nam và Philippines lại "đe dọa quan hệ ASEAN -Trung Quốc để thủ lợi riêng bằng cách gây bất ổn tại Biển Đông". Rõ ràng, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiêu bài "chia để trị". Lúc này, bài học từ "câu chuyện bó đũa" thật sự là thử thách cho tinh thần đoàn kết của ASEAN.


    Vấn đề đoàn kết ASEAN là sống còn

    Ai cần COC hơn?

    Dưới góc nhìn những giải pháp dự phòng, ASEAN và Trung Quốc sỡ hữu mức độ ưu thế thương lượng khác nhau. Trong khi ASEAN luôn bày tỏ quyết tâm thúc đẩy việc ký kết COC nhằm tạo điều kiện giúp vấn đề Biển Đông sớm đạt được những triển vọng hòa bình thì thái độ của Trung Quốc lại không gây được niềm tin.

    Trong năm 2012, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối thảo luận COC và gia tăng các hành động cứng rắn tại Biển Đông. Từng nhiều lần từ chối tham gia các cuộc thảo luận chính thức về COC trên bàn đám phán đa phương, Trung Quốc lo ngại rằng đây chính là "vòng kim cô" mà ASEAN dùng để kiềm chế Trung Quốc. Thỏa thuận đàm phán COC của Trung Quốc với ASEAN vào tháng 9 năm nay thật ra chỉ là "giải pháp tình huống" để Trung Quốc "giảm nhiệt" Philippines, Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc.

    Việc Philippines tuyên bố đã kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển (ITLOS) vào tháng 1/2013 và Liên minh Châu Âu ra nghị quyết ủng hộ sáng kiến của Philippines đã khiến Bắc Kinh phải thận trọng hơn. Nhìn chung, mức độ cấp thiết của kết quả đàm phán chỉ thật sự quan trọng đối với ASEAN vì với Trung Quốc thì COC chỉ là "kế hoãn binh".

    Điều này được thể hiện cụ thể hơn khi Trung Quốc đã tuyên bố "COC không đóng vai trò giải quyết vấn đề Biển Đông mà chỉ là biện pháp xây dựng lòng tin". Né tránh các cơ sở pháp lý, dùng COC như là "con bài mặc cả" với ASEAN, "kiểm chứng" sự đoàn kết của ASEAN hay xa hơn là thăm dò phản ứng của các cường quốc là những gì Trung Quốc rất có thể đang toan tính. Trung Quốc vẫn có thể lựa chọn không tham gia hoặc rút khỏi đàm phán vào giai đoạn cuối. Nhìn từ góc độ này thì ASEAN cần COC hơn là Trung Quốc. Hay nói cách khác, bên thật sự thiện chí và mong mỏi một kết quả tích cực từ việc đàm phán COC chỉ có ASEAN.

    Vì vậy, trong tình huống cần COC hơn để trung hòa ưu thế sức mạnh đang chiếm ưu thế tại biển Đông, ASEAN có ít giải pháp dự phòng hơn phía Trung Quốc không đưa mục tiêu COC là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách biển Đông của mình.

    Đòn bẩy hỗ trợ quốc tế

    Hiện nay ASEAN đang được sự ủng hộ và động viên rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ đều mong muốn Biển Đông sẽ "giảm nhiệt", tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế và giao thương của các quốc gia này. So với Trung Quốc, đây là ưu thế khá rõ ràng và vượt trội. Những tác động từ chính sách "trỗi dậy hòa bình" gắn với "tham vọng độc chiếm Biển Đông" đã khiến Trung Quốc mất đi "nhân hòa".

    Tại cuộc đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 22 tại Washington D.C đầu tháng 5, Mỹ đã chính thức đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán COC và khẳng định tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Tờ Economist(Anh) cũng phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc. Ngoài ra, tờ Globe and Mail(Canada) nhận định "những cú ra đòn lắt léo về ngoại giao của Trung Quốc đang gây ra phản ứng và quan ngại tại phần lớn các nước châu Á".

    Tuy nhiên, đáng lưu ý là sự ủng hộ của các quốc gia cho ASEAN chỉ mới dừng lại ở sự ủng hộ bình thường trên các diễn đàn, báo chí chứ chưa thấy một sức ép rõ ràng nào về mặt ngoại giao. Tâm lý e ngại và quan hệ lợi ích với Trung Quốc vẫn cản trở các quốc gia này có những hành động phản đối cụ thể đối với Trung Quốc hay ủng hộ cho ASEAN. Chính vì vậy, mặc dù đây được xem là ưu thế nhưng vẫn chưa tạo được khoảng cách rõ ràng về chiến tuyến giữa ASEAN với Trung Quốc. Mặc dù ASEAN đang có ưu thế khá rõ về tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhưng ưu thế này vẫn chưa chắc chắn bởi Trung Quốc luôn áp dụng chiêu bài "trì hoãn" và "ngoại giao đô la" hòng làm nản lòng và gây chia rẽ ASEAN. Sau đó Trung Quốc sẽ chơi trò "đổ lỗi" (blame game) và cáo buộc ASEAN ảnh hướng kết quả đàm phán COC.

    Vấn đề đoàn kết ASEAN là sống còn. Trong bối cảnh này, ASEAN lại đứng trước thử thách về "cơ chế đồng thuận" và sự đoàn kết mà bấy lâu nay tổ chức này luôn hướng tới. Một ASEAN "thống nhất trong đa dạng" hay là một Trung Quốc "nói một đằng làm một nẻo" là câu hỏi quyết định.

    Theo Huỳnh Tâm Sáng
    Tuần Việt Nam/Irys


    Posted by dantri.com.vn on May 10, 2013 at 09:56:26:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]