Thứ Sáu, 10/05/2013 - 09:48 Với những tuyên bố gần đây của học giả, giới chuyên môn cùng hoạt động quân sự và quan chức Trung Quốc khiến giới bình luận cho rằng, Bắc Kinh đang chuẩn bị dư luận để động thủ có giới hạn với một số nước đang có tranh chấp biển đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm thực hiện cái gọi là “lợi ích cốt lõi”. Bình luận của Hàn Thi Huyên diễn ra sau tuyên bố của tân Ngoại trưởng Trung Quốc nhân chuyến công du 4 nước Đông Nam Á (từ 1 đến 6/5) khi ông Vương Nghị cảnh báo “một số thế lực, quốc gia cá biệt chớ gây chuyện, khuấy căng thẳng Biển Đông". Theo nhận định của Tiến sĩ Từ Lập Bình ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, chuyến công du là động thái “vận động” Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei giữ vai trò trung lập trong vấn đề Biển Đông, trước khi các nước ASEAN nhóm họp ở cấp ngoại trưởng vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thống nhất lập trường chung về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trước cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc dự kiến diễn ra trong tháng 8. Phó thủ tướng Nhật Taro Aso Ngày 2/5, khi phát biểu trên đài Phượng Hoàng, Hongkong, ông Thạch Tề Bình, một nhà phân tích và bình luận thời sự đã bình luận về tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, theo đó Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" (phi lý và phi pháp) ở Biển Đông. Bởi Trung Quốc đã và đang “diễn cả văn lẫn võ” tại Biển Đông - trong tháng 3, Hạm đội Nam Hải tập trận tại Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), chào cờ tại bãi James chỉ cách bờ biển Malaysia 80km vì coi đây là “cực nam của đường lưỡi bò”, bà Hoa Xuân Doanh (Oánh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố ngang ngược, phi pháp như yêu cầu Philippines rút khỏi 8 điểm đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam)… Ông Thạch Tề Bình còn coi việc Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài quốc tế xung quanh “đường lưỡi bò” là “vi phạm những cam kết ngầm mặc định ban đầu” - Trung Quốc chỉ đàm phán tay đôi về Biển Đông. Từ những nhận định kể trên, nhà phân tích Thạch Tề Bình kết luận, Trung Quốc đang vận hành theo đúng kế hoạch đã vạch ra từ trước - từ xâm lấn, xâm chiếm đến động thủ, hòng thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Nhận định của ông Thạch Tề Bình phù hợp với tuyên bố trước đó của Thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Quân sự quân đội Trung Quốc - kêu gọi Bắc Kinh triển khai lực lượng có vũ trang trên các tàu thuyền đánh cá ở Biển Đông. Nhận định kể trên được 9 chuyên gia hàng đầu thuộc Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, có trụ sở tại Mỹ đồng tình. Và họ đã thể hiện quan điểm của mình qua bản nghiên cứu “Quân sự Trung Quốc và Liên minh Mỹ - Nhật Bản vào năm 2030”. Đây được coi là một nghiên cứu công khai toàn diện nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động đối với liên minh Mỹ - Nhật trong những năm tới. Theo các chuyên gia Mỹ, chủ trương của Trung Quốc vẫn là chỉ dùng vũ lực như một phương cách tối hậu trong vấn đề đối ngoại, nhưng hiện Bắc Kinh có thể thấy có lợi trong việc xử lý vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như là một trường hợp đặc biệt - dùng sức mạnh để đạt chủ quyền. Bởi tiềm lực quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh có thể cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng hoặc tìm cách giải quyết tranh chấp với Tokyo theo chiều hướng có lợi nhất. Vấn đề càng trở nên căng thẳng sau khi ông Shinzo Abe, người có quan điểm bảo thủ trở thành Thủ tướng Nhật Bản (từ tháng 12/2012). Ngày 5/5, khi đang công du Ấn Độ, Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố, Tokyo chưa bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp, suôn sẻ với Bắc Kinh trong suốt 1.500 năm qua. Quan điểm của Bắc Kinh Tờ Hoàn Cầu vừa phỏng vấn Thiếu tướng La Viện, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Quân sự quân đội Trung Quốc về tình hình khu vực, dư luận mạng, hiện tượng tiêu cực trong quân đội... và nhận định của “học giả diều hâu” này khiến dư luận quan tâm. Bởi ông La Viện cho rằng, Bắc Kinh cần đáp ứng “nguyện vọng” của người dân Trung Quốc - dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển đảo! Ông La Viện cho rằng, các lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sau khi hợp nhất đã trở thành “quả đấm chiến lược” để thực thi chủ trương chủ quyền (bất hợp pháp ở Biển Đông), tăng hiệu quả “chấp pháp trên biển”. Tướng La Viện cũng cho rằng, việc Nhật Bản cương quyết giữ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho thấy khu vực này có lợi ích kinh tế và địa - chiến lược lớn tới mức nào (chưa kể tới giá trị quân sự). Ngoài ra, vấn đề tài nguyên biển không thể chờ đợi, vì người ta khai thác bao nhiêu, Trung Quốc sẽ mất bấy nhiêu. Hơn nữa, Trung Quốc cần “phát triển bền vững vì con cháu sau này”. Do đó, Trung Quốc phải nâng cao sức mạnh tổng hợp, tăng cường xây dựng hải - không quân và xây dựng khả năng điều động tầm xa. Đồng thời, phải thực hiện chính sách “chia rẽ và lôi kéo”, quan hệ rộng rãi, mượn đường vươn ra biển, cũng như vượt qua sự phong tỏa của Mỹ để tìm kiếm con đường chiến lược mới. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, ngày 2/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất thành lập một nhóm các nhân vật nổi bật để tham gia vào tiến trình đàm phán giữa các chính phủ về COC. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Marty Natalegawa, ông Vương Nghị nhấn mạnh, Bắc Kinh luôn để ngỏ khả năng thảo luận về COC dựa trên sự đồng thuận. Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho biết, Indonesia - Trung Quốc đã đồng ý lập đường dây nóng về Biển Đông để Ngoại trưởng song phương liên lạc nhanh chóng khi có diễn biến đáng chú ý ở khu vực này. Cũng tại Indonesia, Ngoại trưởng Vương Nghị có cuộc gặp với Tổng thư ký ASEAN và ông Lê Lương Minh đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc ASEAN và Trung Quốc sớm tiến tới việc ký COC. Nhưng trước đó (1/5), trong cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, ông Vương Nghị lại tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo: chỉ muốn thương lượng tay đôi với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông thay vì đưa vấn đề này ra ASEAN. Cũng trong ngày 2/5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong cho rằng, Ngoại trưởng Vương Nghị đã lobby Thái Lan hỗ trợ Bắc Kinh xung quanh vấn đề Biển Đông sau khi tới Bangkok Giới học giả Đài Loan cho rằng, chuyến công du tới 4 nước Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm khẳng định cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông. Bởi Biển Đông có giá trị chiến lược trọng yếu về địa - chính trị và địa - kinh tế, cùng nguồn dầu khí lớn tại khu vực này. Theo chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đài Loan Tống Yến Huy, ông Vương Nghị tới 4 quốc gia kể trên nhằm phân hóa ASEAN và gia tăng áp lực đối với Philippines - muốn Manila phải rút đơn kiện đối với “đường lưỡi bò” phi pháp và các hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà bình luận thời sự Hongkong Hà Lượng Lượng cũng đồng tình với nhận định này - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị sau khi nhậm chức Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm phân hóa ASEAN trong vấn đề Biển Đông, cũng như chống lại những nỗ lực của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp tại khu vực này thông qua con đường hòa bình, đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc. Tới nhận định của các nước hữu quan Tờ The Economist của Anh số ra hôm 4/5 bình luận, Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng trở nên hung hăng hơn và điều này sẽ khiến cho khả năng đụng độ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng gia tăng. Dư luận quan tâm tới bình luận của bài viết khi cho rằng, tuy Trung Quốc đang có tranh chấp đa phương, nhưng chỉ muốn đàm phán song phương với những quốc gia hữu quan. Tờ The Economist nhận định, nếu nhìn một cách đơn lẻ, mọi hành động của Trung Quốc chỉ là những phản ứng trước các áp lực khác nhau, nhưng sau khi kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên hai mối nguy đáng quan ngại. Thứ nhất, Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch nhằm xác lập "thực tế mới trên thực địa và trên biển” nhằm củng cố vị trí của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán hoặc xung đột sau này. Thứ hai, nguy cơ xảy ra xung đột. Tuy cả Trung Quốc lẫn các nước hữu quan đều không muốn các cuộc tranh cãi dẫn tới bạo lực, nhưng luôn có nguy cơ “vượt kiểm soát”, dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa ở Jakarta ngày 2/5 Ngày 2/5, tờ Thời báo Tài chính Anh cho rằng, Đông Á hiện là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa phá vỡ trạng thái cân bằng tương đối của một trật tự ổn định và bền vững. Và quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn, chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ ở châu Á và sự phục hưng của chủ nghĩa dân tộc là 3 nhân tố chính tác động trực tiếp tới cấu trúc trật tự Đông Á trong tương lai. Ngày 1/5, trang mạng tạp chí “Quan chức ngoại giao” Nhật Bản đăng bài viết cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là một lực lượng trên biển tương đối hoàn thiện, nhưng số lượng của họ có khoảng cách rõ rệt so với Hải quân Trung Quốc. Nhưng vấn đề này cũng dễ được giải quyết bởi Nhật Bản là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cảng chính của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Do đó, nếu Trung - Nhật xung đột trên biển, Bắc Kinh phải đối phó với Tokyo - Washington bởi nằm trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Mỹ sẽ tiếp tục chính sách gắn kết với Châu Á - Thái Bình dương nói chung và ASEAN nói riêng và quyết tâm đưa mối quan hệ này lên mức đối tác chiến lược.Đây là tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 26 diễn ra tại Washington (từ 2 đến 3/5). Trước đó (2/5), Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng sau phát ngôn của tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải xung quanh tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Theo đó, Mỹ mong các bên hữu quan tránh áp dụng những hành động làm cho tình hình căng thẳng. Bởi trước đó (chiều 30/4), ông Thôi Thiên Khải đã phản ứng trước phát biểu hôm 29/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ông Chuck Hagel nhấn mạnh: tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thách thức an ninh lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình dương nên cần giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan và Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, do đó Washington sẽ can thiệp nếu ai đó đơn phương làm suy yếu quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo này. Được biết, Mỹ - Nhật đã nhất trí triển khai các loại vũ khí chiến lược đến Nhật Bản trong một nỗ lực nhằm thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Ngày 2/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) kêu gọi Nhật Bản chú ý đến những "quan ngại của các quốc gia trong khu vực" cũng như nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Giới chuyên môn cho rằng, sự gia tăng gây hấn thời gian gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đều xuất phát từ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” mà Bắc Kinh đã và đang rao giảng. Mặc dù cái gọi là “lợi ích cốt lõi”được Trung Quốc đưa ra từ năm 2009 khi đề cập tới tranh chấp tại Biển Đông, nhưng sau khi ban lãnh đạo mới được định hình do Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình là hạt nhân, vấn đề được đẩy lên với tốc độ “chóng mặt”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc tạm gác câu châm ngôn “giấu mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình đưa ra khi nhà lãnh đạo này phát động cuộc cải cách mở cửa cuối năm 1978. Mục đích của Trung Quốc trong những hành động gây hấn đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, quyết liệt hơn, thậm chí sẵn sàng sử dụng mọi cớ để tìm cách thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Đương nhiên, động thái của Trung Quốc đã và đang gặp phải sự “ngáng chân” của Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, quyết định chuyển trọng tâm chiến lược về Châu Á - Thái Bình dương. Posted by dantri.com.vn on May 10, 2013 at 10:05:14:
|