Nực cười với "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    hứ Tư, 15/05/2013 - 15:08
    Nực cười với "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc

    Căng thẳng tại khu vực biên giới Ấn – Trung đã tạm thời được hạ nhiệt sau khi cả 2 bên cùng đồng ý rút quân về vị trí cũ nhưng theo tờ Thời báo Ấn Độ (India Times), đây chỉ là một trong những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố tình gây sự để ‘loan báo’ với thế giới về sự phình to của cái gọi là “lợi ích cốt lõi” do họ tự nghĩ ra.



    Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối hành động xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc.

    Thời báo Ấn Độ cho rằng, không phải ngẫu nhiên hay vô tình mà một toán quân Trung Quốc lại kéo nhau sang cắm trại bên phần lãnh thổ của Ấn Độ và quyết tâm bám trụ ở đó nhiều ngày. Cho đến khi sự việc trở nên nóng bỏng và được giới truyền thông quốc tế đưa tin ồn ào, Trung Quốc mới chịu tiến hành đàm phán với Ấn Độ để sau đó lại tạm thời rút quân về. Và cũng không ai có thể chắc chắn là một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ không tái diễn hành động này.

    Nhưng sự cố “cắm trại ở biên giới” cần phải được hiểu theo một hoàn cảnh rộng hơn, đặc biệt là trong thời gian gần đây Trung Quốc liên tục nhấn mạnh đến cái gọi là “lợi ích cốt lõi” hay như ông tân chủ tịch Tập Cận Bình gọi đó là “Giấc mơ Trung Hoa”.

    Quay ngược trở về quá khứ người ta sẽ nhận ra rằng, một thời gian dài trước kia Trung Quốc chỉ coi các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là “lợi ích cốt lõi” của họ và tuyên bố sẵn sàng sử đụng đến chiến tranh để bảo vệ những lợi ích này. Năm 2009, Trung Quốc đột ngột mở rộng khái niệm lợi ích cốt lõi của mình thông qua tuyên bố của Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc: Duy trì hệ thống chính trị do đảng cộng sản Trung Quốc dẫn đầu; bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia; phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc.

    Tất nhiên là cùng với sự tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân đội được cải thiện, ngay trong năm sau đó (năm 2010), các quan chức lãnh đạo Trung Quốc lập tức mở rộng “lợi ích cốt lõi” của mình bằng việc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, bao gồm cả các đảo và bãi san hô (trong đó có cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam) với diện tích lên tới 3,5 triệu km2 bất chấp luật pháp quốc tế . Bước sang năm 2011, cái gọi là “lợi ích cốt lõi” này đã bao gồm thêm cả quần đảo Senkaku do Nhật Bản đang nắm quyền quản lý.

    Có thể nhận thấy, khái niệm “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc vẫn rêu rao không hề có một giới hạn nào và chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục được “phình to” hơn nữa theo ý muốn của các nhà lãnh đạo nước này và đi kèm với năng lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của mình.


    Có thể thấy, khái niệm “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc vẫn rêu rao không hề có một giới hạn nào và chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục được “phình to” kèm với năng lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của mình.

    Ngay từ khi vừa tiếp quản vị trí Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương, ông Tập Cận Bình đã lập tức hun nóng dư luận Trung Quốc và thế giới bằng slogan: Giấc mơ Trung Hoa hay “Cuộc đại phục hưng của dân tộc Trung Quốc”.

    Theo kế hoạch của ông Tập, việc xây dựng lực lượng quân đội Trung Quốc là một phần quan trọng nhất giúp khôi phục lại danh tiếng và sức mạnh trước kia của đất nước Trung Quốc. Trong xây dựng quân đội, hải quân được giao nhiệm vụ tiên phong với yêu cầu “phải chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh nhỏ trong khu vực”.

    Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã có không ít hành động thể hiện sự “nghiêm túc” của họ trong quá trình xây dựng cái gọi là “Giấc mơ Trung Hoa” thông qua việc liên tục gia tăng những hành động quân sự nguy hiểm trên cả 2 vùng biển là Biển Đông và biển Hoa Đông. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận trên Biển Đông với sự tham gia của tàu đổ bộ cỡ lớn, hành quân 1.800 km từ đất liền của họ để thả neo thực hiện kịch bản đánh chiếm đảo tại một hòn đảo thuộc bãi James nằm cách bờ biển Malaysia có… 80 km.

    Không chỉ tăng cường cơ bắp cho lực lượng hải quân, Trung Quốc còn đưa vào hoạt động trên vùng biển này rất nhiều lực lượng khác nhau với một mục tiêu là “tuần tra và quấy rối” với thái độ rất hung hăng hiếu chiến. Đại úy James Fanell, một sỹ quan tình báo cao cấp của hải quân Hoa Kỳ, mới đây đã phát biểu tại một hội nghị ở thành phố San Diego rằng: "Theo thông tin tình báo mà chúng tôi thu lượm được, các tàu hải giám của Trung Quốc chẳng có nhiệm vụ gì khác ngoài việc quấy rối và phá hoại phương tiện của các quốc gia khác hoạt động trên Biển Đông để qua đó hỗ trợ cho việc mở rộng khu vực tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng Cơ quan hải giám của Trung Quốc chỉ là một tổ chức quấy rối chuyên nghiệp trên biển”.

    India Times bình luận thêm, dường như quấy phá là chưa đủ, mới đây Trung Quốc còn đưa một tàu du lịch với 300 khách đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam đã có chủ quyền từ rất lâu trong lịch sử) để hỗ trợ cho những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bằng việc triển khai tàu chiến, tàu tuần tra, tàu đánh cá và cả tàu du lịch cùng với sự yếu ớt của một số quốc gia láng giềng, Trung Quốc đang dần dần chiếm được những lợi thế nhất định ở khu vực Đông Á.




    Tàu đổ bộ và tàu chiến Trung Quốc tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông.

    Với đường biên giới trên đất liền, Trung Quốc cũng cho thấy họ không từ bỏ biện pháp nào miễn là chiếm được “thế thượng phong”. Quốc gia này vẫn âm thầm viện trợ và nuôi dưỡng cho chính quyền Triều Tiên với ý đồ biến nước này thành tấm bình phong và kẻ đối đầu bất trị với Mỹ, tạo điều kiện cho Trung Quốc “yên ổn” đi bành trướng ở những nơi khác, bất chấp người dân Triều Tiên đang cùng cực trong đói khổ. “Khó chịu” vì chính quyền dân sự Myanmar đang có xu hướng nghiêng theo Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã gửi đến một “thông điệp” rất rõ ràng bằng việc cung cấp vũ khí, trong đó có cả xe bọc thép chở quân cho nhóm phiến quân nổi loạn.

    Để kết thúc bài báo của mình, Thời báo Ấn Độ cho rằng, nếu so sánh với những hành động mạnh mẽ mà Trung Quốc đã và đang thực hiện ở Senkaku hay ở Biển Đông, rõ ràng sự cố ở Ladakh vẫn còn là “hiền lành” nhưng chí ít nó cũng đã nhắc nhở Ấn Độ rằng với sự đầu tư khủng cho quân đội, chắc chắn Trung Quốc sẽ không còn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với New Delhi được lâu nữa. Trong khi vẫn đang tập trung giành giật vùng biển giàu tiềm năng khí đốt, Trung Quốc vẫn không bỏ quên biên giới phía Tây (giáp Ấn Độ) của mình. Nhiệm vụ của Ấn Độ là phải tiếp tục duy trì được mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia châu Á khác cũng làm như vậy để đảm bảo an ninh cho mình trước lòng tham ngày càng lớn của Trung Quốc.

    “Các tranh chấp biên giới Trung - Ấn đã xảy ra hàng trăm lần và sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Trong khi tìm kiếm một giải pháp thông qua ngoại giao, quân đội Ấn Độ cần phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và xây dựng lực lượng cũng như thắt chặt mối quan hệ chiến lược với Mỹ, Nhật, Việt Nam và những nước khác có cùng mối lo ngại về sự phình to ngày càng ngang ngược của cái gọi là ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc”, tờ Thời báo Ấn Độ kết luận.

    Theo Lương Minh
    Infonet



    Posted by dantri.com.vn on May 15, 2013 at 20:43:14:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]