01/06/2013 02:00 GMT+7 Ngăn ngừa xung đột và hợp tác phát triển cần sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Shangri-La tạo một nơi để các bên làm điều này. Theo ý kiến của một số chuyên gia, thì Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn quan trọng và cần thiết trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường, bởi ba lý do chính. Thứ nhất, Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn quan trọng nhấn mạnh về sự cần thiết của những nỗ lực lớn hơn trong việc xây dựng các quan hệ ngoại giao quốc phòng và đối thoại giữa các quốc gia. Thậm chí, nó còn được xem là nhân tố thúc đẩy sự ra đời của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Thứ hai, đối thoại Shangri-La là một diễn đàn mở với sự tham gia của rất nhiều quốc gia để thảo luận về các vấn đề an ninh của toàn khu vực, là nơi các Bộ trưởng Quốc phòng có thể ngồi lại với nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại an ninh một cách thực chất và hiệu quả. Thứ ba, Đối thoại Shangri-La là do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức. Không chỉ có uy tín và thế mạnh trong nghiên cứu, mà IISS còn có một thế mạnh rất lớn khi là một tổ chức phi chính phủ nằm ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vì vậy không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực. Vai trò của Shangri-La trong vấn đề biển Đông có thể được nhận thấy khá rõ vào năm 2012, khi tất cả các diễn giả đều nhấn mạnh tranh chấp biển Đông khi đề cập tới các vấn đề trong ba buổi thảo luận riêng biệt về (1) sự mất ổn định do việc tăng số lượng tàu ngầm, (2) bảo vệ tự do hàng hải hay (3) chống hải tặc, như là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tự do và an ninh hàng hải tại biển Đông, mặc cho phản đối "quốc tế hóa" tranh chấp biển Đông từ phía Trung Quốc. Trong Đối thoại Shangri-La năm nay, có thể chắc chắn rằng biển Đông vẫn sẽ là một trong những vấn đề trọng điểm khi nói về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi vì từ Shangri La 2012 đến Shangri-La 2013 là giai đoạn đầy biến cố với sự gia tăng căng thẳng nhanh chóng trong tranh chấp biển Đông, bắt nguồn từ các hành động gây hấn liên tục từ phía Trung Quốc. Sau khi phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines vào tháng 4/2012 và bị dư luận quốc tế chỉ trích gay gắt, Trung Quốc không những không giảm các hành động gây hấn của mình mà sau đó, nước này còn tuyên bố thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, cấm tàu đánh bắt cá trên biển Đông, liên tục cho tàu hải giám và các đội "tàu cá vũ trang" xâm phạm vào vùng biển của các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Malaysia,... đồng thời gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự của hạm đội Nam Hải với tàu chiến và tàu sân bay. Sau khoảng lặng khi diễn ra đại hội Đảng Trung Quốc và bầu cử tổng thống Mỹ, căng thẳng lại tiếp tục leo thang khi Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào hộ chiếu, rồi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế, nhưng sự kiện đặc biệt bất ngờ nhất lại chính là việc Trung Quốc đề nghị ASEAN đàm phán về COC vào giữa tháng 4 vừa qua,... Trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối, đặc biệt là Mỹ đã liên tục đưa ra các tuyên bố ngoại giao như cảnh báo về "Những nỗ lực gây chia rẽ và chế ngự, kết thúc bằng tranh chấp giữa các bên, sẽ không đi đến kết quả nào" sau những hành động lợi dụng quan hệ song phương của Trung Quốc, hay bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông sau khi Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa", và gần đây là "phản đối bất kì hành động vũ lực hay đe dọa ở biển Đông" sau sự kiện Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam, .... Trong khi đó, những nhà nghiên cứu và các học giả trên toàn thế giới lại đang nhìn nhận về sự trỗi dậy của Trung Quốc như tham vọng bành trướng đáng lo ngại khi dường như Trung Quốc không hề "thỏa mãn" với việc phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines mà còn nhanh chóng gia tăng gây hấn với các bên ở biển Đông, xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, thậm chí còn có các hành động phô trương quân sự và ngăn cản tự do hàng hải đáng lo ngại. Chưa kể đến tranh chấp leo thang từ phía Trung Quốc đối với Nhật Bản về vấn đề Senkaku. Tất cả những động thái này đều đe dọa đến hòa bình và ổn định của toàn khu vực trong bối cảnh quốc tế cần sự hợp tác và những nỗ lực để duy trì an ninh và sự phát triển chung cho tất cả các quốc gia. Trong năm chủ đề chính của Shangri-La 2013: (1) tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực; (2) bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn xung đột; (3) hiện đại hóa quân đội và minh bạch chiến lược; (4) các xu hướng mới trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương; (5) thúc đẩy hợp tác phòng thủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sáu chủ đề đặc biệt của Shangri La năm nay, thì không có một chủ đề nào trực tiếp nói về vấn đề biển Đông, tuy nhiên quá trình hiện đại hóa quân sự đầy lo ngại của Trung Quốc, hay tranh chấp của nước này với các nước trong khu vực biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập đến trong ba chủ đề chính đầu tiên và ba chủ đề đặc biệt về sự tiếp cận của Mỹ, vấn đề phát triển quân sự và né tránh xung đột. Vì các vấn đề này đều được xem là những thách thức đối với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như vai trò người bảo vệ hòa bình của nước Mỹ. Trương Minh Huy Vũ(giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, nghiên cứu sinh tại đại học Bonn, CHLB Đức) trao đổi về vai trò của đối thoại Shangri-La và thông điệp của Việt Nam tại diễn đàn quan trọng này: Luôn có hai cách nhìn về những diễn đàn an ninh như kiểu đối thoại Shangri-La. Các nhà hiện thực thì coi đây chỉ một nơi để nói và được nói, không có tác động hay tác động giới hạn đến chính trị thực tế. Trường phái đề cao thang giá trị hay chuẩn tắc ngược lại quan niệm rằng nếu không có những diễn đàn như thế này thì đâu sẽ là cầu nối giao lưu về ý tưởng để các bên hiểu nhau hơn, cũng như thúc đẩy các biện pháp hiệu quả để giữ gìn hòa bình. Có thể dung hòa giữa hai góc nhìn trên bằng một cách tiếp cận thực tiễn: ngăn ngừa xung đột và hợp tác phát triển cần sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Shangri-La tạo một nơi để các bên làm điều này. Sự kỳ vọng vào một kết quả mang tính đột phá có thể không xảy ra. Nhưng để người ta hiểu thêm về mình, hoặc để mình hiểu thêm về người là mục tiêu có thể đạt được. Vì đây là một hội nghị mở với sự tham gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực khác nhau, thông điệp của Việt Nam phải dẫn giải được hai phạm trù cùng một lúc. Một mặt là lợi ích của ta trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo. Mặt khác là lợi ích của số đông trong việc tham gia hay ủng hộ một giải pháp nào đó tại biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia đề nghị tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải, khi sự tự do di chuyển trong vùng bị đe dọa bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc thể hiện cả về mặt pháp lý lẫn thực địa. Đây có thể xem là một lựa chọn mang tính số đông liên quan đến nhiều quốc gia xung quanh (nếu chỉ nhắc đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì dù có đưa ra chứng cứ pháp lý-lịch sử đầy đủ thì chắc cũng ít nước bên ngoài quan tâm, vì điều này không ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ). Một tập trung khác mà Việt Nam nên ưu tiên là thúc đẩy việc "thể chế hóa" tranh chấp tại biển Đông thông qua quá trình đàm phán COC. Hiện này COC đang được Trung Quốc đưa ra "cù cưa" với các nước ASEAN. Vì thế, rất cần nhiều sức ép cùng một lúc để đẩy nhanh quá trình này. Những điểm mang tính tranh cãi như cơ chế trách nhiệm (phải bồi thường, chế tài hoặc có các hành vi khắc phục tương ứng), cơ chế tòa án hay trọng tài để giải quyết tranh chấp xảy ra giữa hai bến nếu có và những quy định và liên kết giữa COC và UNCLOS, trong đó COC sẽ có một bản thống nhất về UNCLOS giữa các nước như cách xác định đảo, đá, vùng đặc quyền kinh tế (và đụng chạm bản đồ chữ U) cũng có thể đưa ra làm tâm điểm tranh luận.
Vũ Thành Công - Lê Thành (Irys) Posted by vietnamnet.vn on May 31, 2013 at 20:03:23:
|