01/06/2013 02:00 GMT+7 Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á âm ỉ nhiều thập niên qua, đặc biệt từ năm 2008-2009 và sau khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, từ đó Trung Quốc sẵn sàng gây chiến để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ. Cộng đồng quốc tế không có gì ngạc nhiên trước sự quyết đoán như vậy của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc âm mưu sử dụng xung đột chứ không phải các sáng kiến để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các tranh chấp Biển Đông không thể coi là xung đột giữa một bên là Trung Quốc với bên kia là các nước láng giềng ASEAN ở Biển Đông - nơi Trung Quốc ngang ngược khẳng định toàn bộ chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa và Tây Sa) và các đảo san hô khác rải rác trên biển. Hiện nay tranh chấp Biển Đông phát triển với quy mô quốc tế và gây nên mối lo ngại toàn cầu trên cơ sở "bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu", "tự do hàng hải" và "sử dụng không hạn chế các tuyến đường biển quốc tế". Do đó, tranh chấp hiện nay ở Biển Đông chuyển từ cuộc xung đột do Trung Quốc phát động chống các nước ASEAN thành Trung Quốc chống lại Mỹ và cộng đồng quốc tế. Các tàu chiến USS Shoup và USS-Russell của Mỹ di chuyển trên Biển Đông Về địa chiến lược, Biển Đông không phải "vùng biển nội địa của Trung Quốc". Về chiến lược và quân sự, Biển Đông nằm ở vị trí quan trọng không những cho phép kiểm soát Đông Nam Á mà toàn bộ khu vực Nam và Đông Á. Do tầm quan trọng chiến lược đó, việc mở rộng hoạt động ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ trước đến nay, khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nằm dưới sự chi phối của Mỹ. Tây Thái Bình Dương cũng rất quan trọng với Trung Quốc, do đó Bắc Kinh có thể áp dụng mọi biện pháp để phá vỡ ưu thế quân sự trên biển của Mỹ. Các cuộc tranh chấp Biển Đông ngày càng tăng một phần cũng do sự cạnh tranh chiến lược này. Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám Trung Quốc trên vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư Chính sách bên miệng hố chiến tranh quyết đoán của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông cơ bản xuất hiện sau hai thập niên Mỹ không chú trọng chiến lược ở Tây Thái Bình Dương mà chủ yếu tập trung sức mạnh quân sựở khu vực Balkan, Afghanistan và Iraq. Điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng một lực lượng hải quân ngày càng mạnh mà không có bất cứ hành động ngăn chặn nào của Mỹ. Kết quả của việc xây dựng quân đội và lực lượng hải quân của Trung Quốc đã và đang được thể hiện rất rõ trong các cuộc xung đột Biển Đông hiện nay. Hành động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông không hoàn toàn tập trung vào việc khai thác các khu vực có nguồn dự trữ dầu mỏ dưới đáy Biển Đông mà còn có các mục tiêu chiến lược quan trọng trong các cuộc xung đột leo thang. Tàu cao tốc mang tên lửa tàng hình của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông Chiến lược lớn của Trung Quốc gồm hai mục tiêu chủ yếu: (1) buộc Mỹ rút khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương bằng cách sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh quyết đoán ở tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương khiến Mỹ mệt mỏi hoặc thụ động; (2) Trung Quốc sẽ xây dựng và phát triển sức mạnh hải quân gần ngang bằng sức mạnh của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu cơ bản lớn hơn của Trung Quốc là phát triển sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng hải quân không những dọc bờ biển Trung Quốc mà cả ở Ấn Độ Dương. Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu xoay quanh ba trụ cột. Thứ nhất, đề phòng/ngăn chặn/gây khó khăn cho việc quốc tế hóa các biến động Biển Đông bằng mọi giá. Thứ hai, chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN để ngăn chặn khu vực hóa các tranh chấp. Thứ ba, thường xuyên gia tăng sức ép các tranh chấp Biển Đông ở mức khiến Mỹ không thể can thiệp quân sự trực tiếp, nhưng khu vực sẽ là một điểm tạo sức ép chiến lược.
Tàu đánh cá Việt Nam hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa Tranh chấp Biển Đông đã và đang tạo nên những tác động chiến lược toàn cầu. Những phát biểu trong cuộc xung đột Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài khu vực. Sự mất đoàn kết ở khu vực Đông Nam Á và thiếu khả năng quân sự trong khu vực để ngăn chặn những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông đang mở đường cho các nước liên quan đến khu vực Biển Đông đứng về phía các nước bị Trung Quốc bao vây và đe dọa. Mỹ là sức mạnh đối trọng; Nhật Bản và Ấn Độ được đánh giá là các đối trọng hỗ trợ Mỹở châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc. Nga là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ bị lôi kéo tham gia sau khi Moscow tuyên bố chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Trong cuộc xung đột Biển Đông không chỉ Mỹ có những hành động công khai ngăn chặn Trung Quốc mà Nhật Bản và Ấn Độ cũng có những hành động chống lại Trung Quốc về chính trị, nếu không nói là về quân sự. Chính sách bên miệng hố chiến tranh quyết đoán và sử dụng sức mạnh của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông càng làm gia tăng nỗi lo ngại của châu Á về sức mạnh quân sự Trung Quốc. Các nước châu Á nhận thấy Trung Quốc không phải là một quốc gia có trách nhiệm về an ninh và sự ổn định của châu Á. Xung đột Biển Đông gây nên sự phân cực và thúc đẩy sự cân bằng cơ cấu quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương. Tham vọng chiến lược ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với khu vực châu Á, thể hiện rất rõ từ "sức mạnh mềm" sang "sức mạnh cứng". Việc xâm lược bằng sức mạnh quân sự, gây sức ép chính trị và quân sự của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông không những phản bội lòng tin của các nước mà còn làm mất uy tín của Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình. Điều này dẫn đến việc năm 2013, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự xuất hiện của cơ cấu "cân bằng sức mạnh" mới. Nói rộng hơn, Mỹ tăng cường cơ cấu liên minh quân sự hiện có ở Đông Bắc Á trên cơ sở Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines; khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong những mối quan hệ an ninh với các nước ven Biển Đông. Phản ứng toàn cầu về chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc trong các tranh chấp Biển Đông được thể hiện rõ nhất trong các bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tháng 6-2012 ở Singapore. Các chủ đề chung trong các bài phát biểu đó là cộng đồng quốc tế và các cường quốc cam kết với an ninh "chung toàn cầu" và "tự do trên các vùng biển quốc tế" và không nước nào có quyền tuyên bố các vùng biển quốc tế là lãnh thổ của nước mình. Mỹ, Anh và Pháp khẳng định cam kết với an ninh và sựổn định của Đông Nam Á. Do đó các tranh chấp Biển Đông không còn là tranh chấp khu vực. Mối lo ngại quốc tế trước ý đồ của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền toàn bộ Biển Đông và cam kết mập mờ của họ đối với an ninh cũng như sựổn định ở Đông Nam Á sẽ phát đi những tín hiệu bất lợi cho Trung Quốc. Lo ngại những phản ứng như vậy, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã lảng tránh và không tham dự hội nghị... T.L theo tạp chí Á - Âu (Mỹ)/Theo DNSGCT
|