Thứ Ba, 04/06/2013 - 09:54 (Dân trí) - Theo giới phân tích, việc hải quân Trung Quốc đã mở rộng hoạt động tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Washington và các cường quốc khác.
Tướng Qi Jianguo, đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục phái tàu chiến tới Biển Đông và các vùng biển khác nước này tuyên bố chủ quyền. Câu chuyện hay nhất từ diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La diễn ra hồi cuối tuần qua không đến từ những tuyên bố của các nhân vật cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Thực tế, điều khác thường nhất trong đối thoại năm nay tại Singapore lại đến từ một vị tướng của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại phiên làm việc về an ninh biển.
Từ lâu, Trung Quốc đã bực tức về sự hiện diện của tàu do thám, máy bay của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển nước này, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Trung Quốc coi điều này là gây hại cho lợi ích quốc gia của mình, bởi người Mỹ được cho là thu thập dữ liệu về hoạt động quân sự của Trung Quốc và các hoạt động khác. Trung Quốc cũng coi sự hiện diện của Mỹ là sự xúc phạm đối với lòng tự tôn dân tộc của mình, khơi gợi quá khứ từng bị các cường quốc nước ngoài chèn ép.
Vì vậy, thật ngạc nhiên khi một quan chức quân đội Trung Quốc hé lộ trong một cuộc thảo luận mở tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc “đã nghĩ đến đáp lại” bằng “cử tàu và máy bay tới EEZ của Mỹ”và trên thực tế đã làm như vậy “vài lần”, mặc dù không phải thường nhật (như Mỹ hiện diện ở ngoài khơi Trung Quốc). Và cũng từ các cuộc thảo luận với các chuyên gia an ninh biển bên lề hội nghị, có thông tin cho thấy Trung Quốc đã phái tàu tới vùng biển ngoài khơi lãnh thổ Mỹ, có thể là Hawaii và Guam (chứ chưa tới gần lục địa Mỹ). Quan chức quân sự của Trung Quốc không nói cụ thể các tàu Trung Quốc có thu thập thông tin tình báo hay không, hay họ chỉ ghé qua gần lãnh thổ Mỹ để đưa ra một thông điệp chính trị nào đó. Nhưng Rory Medcalf, chuyên gia quân sự Mỹ, cho rằng chắc chắn họ sẽ không bỏ qua cơ hội do thám Mỹ, bởi quan chức quân sự Trung Quốc đã nói đền từ “đáp lại”.
Vì sao tiết lộ này lại quan trọng đến vậy?
Theo một số nhà phân tích, động thái cho thấy thay đổi lớn trong chiến lược biển cũng như chính sách phát triển của Trung Quốc, chứng tỏ Trung Quốc đã chấp nhận thông lệ quốc tế trong các vấn đề biển, trong khi một số khác cho rằng Trung Quốc đang gia tăng thách thức với các cường quốc khác trong khu vực.
Zhao Yadan, một chuyên gia về biển tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải, cho rằng đây là một bước phát triển quan trọng trong chính sách biển của Trung Quốc, cho thấy “Bắc Kinh đang tiến tới những thông lệ quốc tế…Bắc Kinh đang chấp nhận các thông lệ quốc tế, nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế”, Zhao nhận định.
Còn theo Ni Lexiong, giám đốc Viện chiến lược biển và chính sách quốc phòng cũng của cùng trường Đại học trên, động thái phản ánh “thay đổi nhận thức về những vấn đề biển” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi “Trung Quốc đang phát triển vượt bậc trong ngành biển và lực lượng hải quân liên tục được củng cố trong một thập niên qua”.
Tuy nhiên, theo Rory Medcalf, Trung Quốc đã nhận ra cách hiểu về Công ước Luật biển của Liên hợp quốc có thể không còn nằm trong lợi ích lâu dài của họ nữa. Theo cách hiểu từ trước đến nay của Trung Quốc, thì tự do hàng hải không bao gồm quyền tiến hành do thám trong vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên, hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, coi việc do thám là hoạt động hòa bình, được công ước Liên hợp quốc cho phép.
Khi lợi ích kinh tế và chiến lược cùng khả năng hải quân của Trung Quốc mở rộng xa hơn khỏi bờ biển nước này, có lẽ một số lãnh đạo Trung Quốc đang tính toán đến lợi ích trong tương lai nếu nước này có quyền thu thập tình báo ở vùng EEZ của các nước khác. Nhưng hiện tại, nếu Trung Quốc thực sự tiến hành các cuộc do thám ở vùng EEZ của Mỹ, thì họ đã tự vi phạm hay tự phá vỡ cách hiểu luật biển quốc tế của mình.
Rory Medcalf cũng cho rằng thay đổi của Trung Quốc giải thích vì sao trong những năm gần đây Trung Quốc có vẻ như đã ít tập trung theo đuổi các vụ đối đầu nguy hiểm với các tàu và máy bay Mỹ ngoài khơi bờ biển nước này. Đây cũng là lý do vì sao các cuộc đối thoại giảm nguy cơ biển và đối thoại quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có vẻ như có tiến triển.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng chính sách được hé lộ tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi cuối tuần đi ngược lại những lời cam đoan “chắc như đinh đóng cột” của Trung Quốc rằng ý định của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
“Tại các cuộc họp như Đối thoại Shangri-La Trung Quốc luôn giải thích rằng họ tập trung phát triển theo phương thức hòa bình, nhưng tôi không cho rằng họ đã thay đổi chính sách quân sự của mình”, Masayuki Masuda, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu quân sự quốc gia Nhật Bản cho hay.
Trước đây, người ta tin rằng Guam, một tiền đồn quan trọng của quân đội Mỹ ở tây Thái Bình Dương, và các vùng biển quanh Hawaii cũng như dọc bờ Tây của Mỹ vẫn còn nằm ngoài tầm với đối với hải quân PLA. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích trong khu vực, Trung Quốc hiện đang dùng hạm đội tàu ngầm của mình để tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ.
Hồi tháng trước, Nhật cũng đã phát hiện 3 tàu ngầm nước ngoài gần quần đảo Okinawa. Giới chức Nhật cho biết họ biết về quốc tịch của các tàu này và đã thông báo về mặt ngoại giao cho chính phủ nước đó. Trong khi đó, một số nguồn tin báo chí Nhật cho biết, các tàu nước ngoài đó chính là của Trung Quốc. Quyết định hành xử tương tự ở “sân nhà” của Mỹ là một thông điệp gửi thẳng tới Mỹ, rằng Trung Quốc đã có khả năng thực hiện những gì Mỹ đã thực hiện.
Go Ito, giáo sự quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji, Tokyo, cho rằng quan điểm của Trung Quốc là giả nhân giả nghĩa bởi họ luôn cho rằng vùng đặc quyền 200 hải lý của họ là “vùng đặc quyền chính trị và là lãnh thổ của họ”.
Cũng theo ông Ito, Nhật đã theo dõi sát hải quân PLA trong thời gian qua và ông tin Trung Quốc sẽ dùng tàu ngầm để mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương. “Khả năng đối đầu là rất lớn”, ông nhận định.
Vũ Quý Posted by dantri.com.vn on June 04, 2013 at 03:29:48:
|