Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên kháng cáo
Theo thông tin từ thân nhân của Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên thì cả hai đã kháng cáo, đòi hủy bản án sơ thẩm chứ không nhận tội và “xin giảm hình phạt”. Trả lời RFI, bà Nguyễn Thị Nhung - mẹ sinh viên Nguyễn Phương Uyên cho biết, bản án sơ thẩm khiến con gái bà rất uất ức khi chưa nói được những điều cô muốn nói tại phiên xử sơ thẩm nhưng hội đồng xét xử không cho cô nói. Bà Nhung cho biết, dẫu cuộc gặp gần nhất bị giám sát chặt chẽ nhưng con gái bà vẫn kể cặn kẽ về chuyện cô bị công an lừa gạt. Sau khi bắt cóc, giữ cô trong một khách sạn, đến sát ngày thi, công an yêu cầu cô viết các tờ tự khai theo ý công an và hứa sẽ trả tự do để cô không bị lỡ kỳ thi. Tại tòa, cô sinh viên này đã yêu cầu hội đồng xét xử cho biết, việc cô lấy máu viết băng rôn: “Tàu khựa cút khỏi biển Ðông” có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không (?),hội đồng xét xử không thể trả lời nhưng vẫn kết án. Sau khi Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị phạt tù, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt bản án sơ thẩm. Chính phủ một số quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng phản đối bản án này. Một ngày sau khi bản án sơ thẩm đối với Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên được tuyên, Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có văn bản đề nghị chính quyền Việt Nam “trả tự do những tù nhân lương tâm và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa”. Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam gọi bản án sơ thẩm dành cho Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là một “xu hướng đáng lo ngại”. Và “Những việc làm này trái với quyền tự do ngôn luận và như vậy cũng trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như các cam kết thể hiện trọng Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới”. Sinh viên Ðinh Nguyên Kha, 25 tuổi và sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái vì rải truyền đơn lên án đảng Cộng Sản Việt Nam hèn yếu, dung dưỡng tham nhũng và kêu gọi chống Trung Quốc. Họ đã dùng máu viết khẩu hiệu “Tàu khựa cút khỏi biển Ðông”. Khẩu hiệu viết bằng máu này cũng bị xem là một trong những bằng chứng để kết tội họ. (G.Ð.)
|