Thứ Ba, 11/06/2013 - 13:40 “Mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực bành trướng của Trung Quốc nhưng họ sẽ không muốn làm kẻ thù của người khổng lồ châu Á. Họ không muốn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc”. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear Tại Bangkok cuối tuần trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã nói một điều mà các đồng minh châu Á luôn mong đợi từ các chuyến viếng thăm của giới chức Washington: “Chúng tôi phản đối sự bành trướng của Trung Quốc”. “Chúng tôi phản đối sự thay đổi hiện trạng bằng vũ lực của bất kỳ nước nào”, Đô đốc Loclear đề cập đến tình hình Biển Đông – nơi Trung Quốc đang có những động thái ngang ngược và không giấu diếm ý định thôn tính Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng – PV), sau khi đã đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào tháng 4/2012 và đánh chiếm Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) vào năm 1994.
Nhưng cũng giống như các quan chức Washington khác, ông Locklear đã không cam kết rằng Mỹ sẽ chống lại Trung Quốc nếu xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và bất kỳ nước nào trên Biển Đông, cho dù có là đồng minh của Mỹ hay không. Washington sẽ không làm bởi giá trị quan hệ với Bắc Kinh không dễ để hi sinh như vậy được. “Mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực của Trung Quốc, nhưng nước này sẽ không muốn làm kẻ thù của người khổng lồ châu Á. Họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Philippines và Trung Quốc”, nhà phân tích kỳ cựu Ellen Tordesillas của Philippines nhận định trên tờ Malaya Business ngày 10/6. Năm ngoái, một tháng sau sự cố đối đầu với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và để mất quyền kiểm soát bãi cạn này vào tay Bắc Kinh, Manila đã có ý định điều tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên thủy sản trở lại khu vực này. Tuy nhiên, khi các quan chức quốc phòng Mỹ biết được ý định trên, họ đã khuyên nhủ Manila bình tĩnh và rút lại quyết định. Họ biết sự nguy hiểm của việc hiện diện tàu của cả 2 nước tại khu vực tranh chấp. Những gì xảy ra ở eo biển Balintang ngày 9 tháng 5/2013, trong sự cố Cảnh sát biển Philippines bắn chết một ngư dân Đài Loan đã cho thấy người Mỹ rất tỉnh táo khi dự đoán những rủi ro trên vùng biển tranh chấp. Hơn nữa, đối thủ của Philippines lại là Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc là “sẽ không tấn công trừ khi bị tấn công nhưng chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”. Thật không dám tưởng tượng nếu trong kịch bản sự cố hôm 9/5, tàu bị bắn không phải là tàu cá Đài Loan mà là tàu Trung Quốc!
Không chỉ Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ mà nhiều quan chức nước này cũng đã khẳng định Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng, cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử (COC) giúp kiểm soát, chi phối các hoạt động tại Biển Đông. Ấy vậy mà, mặc dù Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí được các nguyên tắc chính trong COC và sẵn sàng đàm phán, nhưng Trung Quốc vẫn nấn ná, nói phải chờ “thời điểm chín muồi”. Cái mà Bắc Kinh muốn không phải là ngồi với ASEAN mà là ngồi với từng nước liên quan, giải quyết tranh chấp Biển Đông, hòng dùng sức mạnh kinh tế, quân sự, gây sức ép, “bẻ” từng “chiếc đũa” thay vì “bẻ” cả “bỏ đũa” . Việc Philippines đem tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra phân xử tại Tòa án trọng tài quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đề nghị Tòa tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” do Bắc Kinh tự vẽ ra để nhận cái gọi là “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp, dự kiến, nếu có thắng kiện cũng chỉ là thắng lợi tinh thần, khi Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ đơn kiện, từ chối hầu tòa. Nguyên Đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc Lauro Baja Jr. cho rằng, Philippines không nên loại trừ lựa chọn thỏa hiệp với Trung Quốc. Manila cần phối hợp các cách tiếp cận toàn cầu, khu vực và song phương để giải quyết hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Theo Minh Châu
|