Xoa dịu quan hệ nhưng không đổi mục tiêu Hai lãnh đạo từng gặp nhau khi ông Tập thăm VN trong cương vị Phó Chủ tịch nước Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, sang Trung Quốc tới đây có nhà quan sát nói vấn đề nổi bật là lãnh hải và lập trường 'không thay đổi' về biển đảo của Trung Quốc. Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 19-21 tháng 6 theo lời mời của Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. "Đây là chuyến đi thăm cấp nhà nước bình thường, tuy nhiên trong bối cảnh quan hệ Việt Trung hiện nay thì nó cũng mang một ý nghĩa nào đó khi các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước gặp nhau," ông Dương Danh Dy nói với BBC Việt Ngữ hôm 14/6/2013. Khi được hỏi cuộc gặp có thể dẫn tới một vài ký kết nào đó nhưng liệu những ký kết này có ý nghĩa gì hay tác động như thế nào tới quan hệ giữa hai nước hay không, ông Dương Danh Dy cho rằng vấn đề khúc mắc cơ bản và lớn nhất giữa hai nước là chuyện lãnh hải, biển đảo. Ông nói cụ thể là việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và hiện đang nhăm nhe chiếm nốt quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ mời Chủ tịch Sang chỉ để xoa dịu VN? Mời Chủ tịch Trương Tấn Sang có thể là cách Trung Quốc nhằm xoa dịu Việt Nam về lãnh hải, theo nhà quan sát Dương Danh Dy. Nghemp3 Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem. Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất Mở bằng chương trình nghe nhìn khác "Mấu chốt cuối cùng vẫn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ của hai bên ở Biển Đông. Căn cứ vào thái độ lập trường của Trung Quốc hiện này thì không thể nào giải quyết được và những biện pháp như thăm viếng chỉ có tính cách làm dịu bớt căng thẳng," ông Danh Dy nói. 'Quan hệ hòa hiếu' Theo ông Danh Dy, chuyến viếng thăm này của Chủ tịch Sang là cơ hội cho cả Việt Nam và Trung Quốc cố gắng không để lộ ra với bên ngoài những bất đồng sâu sắc hay căng thẳng và sẽ đạt được kết quả tốt. Ông Danh Dy cũng tin rằng Việt Nam và Trung Quốc "đủ sáng suốt, bình tĩnh và kiềm chế để thỏa thuận được với nhau một số vấn đề và để chứng minh cho thế giới rằng hai bên vẫn tiếp tục hòa hiếu nhưng bất đồng then chốt giữa hai nước như hiện nay thì không thể giải quyết trong chuyến viếng thăm này được". Sau khi lên cầm quyền chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình, đã có những hoạt động ngoại giao đáng kể như tới thăm Nga, một số nước châu Mỹ Latinh và nay sắp đón tiếp đoàn Việt Nam sang thăm, ông Dy nhận định.
"Tất cả những động thái đó là nhằm cho thế giới thấy rằng Trung Quốc cũng muốn tìm cách giải quyết vấn đề bằng thương lượng hòa bình mặc dù trên thực tế vẫn có những động thái căng thẳng với Nhật Bản ở Senkaku/Điếu Ngư và với Philippines ở vùng biển Trường Sa. "Đây là một thủ đoạn quen dùng của ban lãnh đạo Trung Quốc, luôn luôn lợi dụng mâu thuẫn và dùng mọi cách, dưới nhiều hình thức, với nhiều ý đồ đan xen vào nhau. Nếu chỉ nhìn từng sự kiện riêng rẽ thì sẽ không thấy hết những ẩn ý sâu sa nhất của Trung Quốc. Theo tôi chính sách bành trướng bá quyền nước lớn của Trung Quốc vẫn không thay đổi." Tuần đầu tháng 6, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ tư, trong đó Việt Nam đề xuất Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước. Tuy nhiên, đáp lại đề xuất của phía Việt Nam, phía Trung Quốc nói họ 'sẽ nghiên cứu'. Ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước đã mời Chủ tịch Trương Tấn Sang, chứ không trên cương vị Tổng Bí thư và mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ là do nội dung cuộc họp mà chủ yếu là các vấn đề nhà nước, theo nhà quan sát từ Hà Nội. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên của ông Trương Tấn Sang trên cương vị chủ tịch nước và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam từ khi ông Tập Cận Bình lên chính thức làm Chủ tịch nước. Posted by bbc on June 15, 2013 at 21:30:24:
|