Trung Quốc vẫn đòi họp tay đôi với Việt Nam về Biển Đông * Lập đường dây nóng giải quyết tranh chấp nghề cá HÀ NỘI (NV) .- Bắc Kinh vẫn chỉ muốn đàm phán tay đôi với Hà Nội để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dù hai bên thỏa thuận lập thêm một đường dây nóng giải quyết các rắc rối liên quan đến nghề cá. Tiếp kiến chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang trong cuộc viếng thăm chính thức hôm Thứ Tư 19 tháng 6, 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông là quan trọng cho cả hai nước. “Duy trì ổn định và cổ võ hợp tác là vô cùng quan trọng” Ông Tập Cận Bình nói Trung quốc “cần hòa bình và ổn định với láng diềng” nhưng vẫn lập lại quan điểm của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp trực tiếp giữa hai nước liên quan và không có sự can dự của một nước khác bên ngoài, theo sự tường thuật của thông tấn Reuters. “Trung quốc và Việt Nam phải cùng hành động trong tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và hai dân tộc, đặt trong viễn cảnh tình hữu nghị Trung-Việt và phát triển song phương trước, quyết định thức đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Biển Đông và đừng để nó ảnh hưởng đến mối quan hệ.” Ông Tập Cận Bình nói. Khi tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh giữa Tháng 10 năm 2011, bản tuyên bố chung của hai nước nói rằng “hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp,... hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Nhưng những gì xảy ra trên Biển Đông ngày càng thêm căng thẳng, hậu quả từ các hành động lấn tới, cậy thế nước lớn hùng mạnh về quân sự của Bắc Kinh càng làm cho tình hình ngày càng có vẻ xấu đi. Trung Quốc liên miên mở các cuộc tập trận hải quân quy mô trên Biển Đông và đưa các đoàn tàu Hải giám và Hải tuần khoe 'cơ bắp' để đe dọa Việt Nam. Nội trong năm nay, Việt Nam đã nhiều lần lên án Bắc Kinh cho tàu tuần đâm hay bắn cháy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Các cuộc thăm dò dầu khí trên thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị Bắc Kinh cản trở. Đặc biệt, từ cuối năm ngoái đến nay, Bắc Kinh cho thành lập “thành phố Tam Sa” đặt bản doanh tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam để khống chế toàn bộ Biển Đông. Tin tức loan báo cho thấy Bắc Kinh đổ ra nhiều tỉ đô la biến đảo Phú Lâm thành một trung tâm thương mại và quân sự quan trọng có cả phi trường và hải cảng. Theo Tân Hoa Xã, đáp lại lời kêu gọi của Tập Cận Bình, ông Trương Tấn Sang nói “đảng CSVN, nhà nước và nhân dân Việt Nam không quên ơn sự viện trợ của Trung quốc” đã giúp nhuộn đỏ được cả nước Việt Nam, nên Hòa Nội “sẵn sàng hợp tác với Trung quốc làm láng diềng tốt hơn, tăng cường hợp tác sâu rộng, gia tăng tin cậy lẫn nhau, giải quyết đúng cách các mâu thuẫn, tiếp tục truyền thống hữu nghị...” Tân Hoa Xã viết. * Cùng khai thác dầu khí Vịnh Bắc Bộ Dịp này, CSVN và Trung quốc ký 10 văn kiện hợp tác. Trong đó có những cái đáng để ý như “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc Phòng, “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển”, “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ”. Chuyến đi Bắc Kinh của ông Trương Tấn Sang tuy đạt được một số viện trợ và thỏa hiệp hợp tác kinh tế, nhưng đó chỉ là những củ cà rốt để Bắc Kinh tiếp tục đè áp lực lên chế độ Hà Nội về chính trị cũng như tranh chấp Biển Đông. Nói khác, đó chỉ là sự thành công bề mặt trên một số phương diện để tuyên truyền. Khi dự Diễn Đàn An Ninh khu vực Shangri-La ở Singapore cuối Tháng 5-2013, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước “xây dựng lòng tin” lẫn nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Lời nói này hiển nhiên muốn gửi tới Bắc Kinh. Một tuần sau, Thứ trưởng Quốc phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh đến Bắc Kinh “Đề nghị Trung quốc thỏa thuận không dùng vũ lực ở Biển Đông”. Không thấy phản ứng rõ rệt nào từ phía Bắc Kinh trước các lời kêu gọi này ngoài những lời tuyên bố chung chung. Một đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa hai bộ Quốc Phòng CSVN và Trung quốc mới được khánh thành gần đây nhằm “tránh để xảy ra tình huống xử lý sai hoặc có những hiểu lầm đáng tiếc”. Trước khi lên máy bay đi Bắc Kinh, ông Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã nói rằng “Đảng, Nhà Nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung quốc”. Theo báo Lao Động hôm Thứ Tư, chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung quốc “trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông”. Nhưng ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc cho rằng “Bắc Kinh tăng sức ép” với Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã, ông Trương Tấn Sang kêu gọi Bắc Kinh “đối xử nhân đạo với ngư dân, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá”. Nền kinh tế của Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào nền kinh tế của Trung quốc. Nguyên liệu, máy móc để sản xuất xuất cảng của Việt Nam phần lớn đến từ Trung quốc. Hàng hóa Trung quốc đủ mặt từ quần áo, vải vóc, máy móc, bánh kẹo, đến củ hành, củ gừng cũng từ biên giới phía bắc tràn ngập chợ búa Việt nam từ thành thị tới thôn quê. Năm 2011, Việt Nam nhập cảng từ Trung quốc khoảng $23 tỉ USD trong khi xuất cảng sang Trung quốc được khoảng $10 tỉ USD. Thâm thủng mậu dịch tới $13 tỉ USD là con số rất lớn, chiếm đến 10.5% GDP của Việt nam chưa kể các loại hàng hóa nhập cảng lậu qua biên giới, làm hại từ nông dân tới các nhà sản xuất kỹ nghệ tiêu dùng của Việt Nam. (TN)
|