Mỹ phản đối Trung Quốc “bắt nạt” tại vùng biển châu Á Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz hoạt động trên biển Đông hồi cuối tháng 5 - Ảnh: Reuters
“Việc Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp lãnh thổ tại châu Á là không thể chấp nhận được” - ông Russel nhấn mạnh. Ông cho biết Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc Đông Nam Á đàm phán với Trung Quốc và thiết lập bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp. Ông Russel cho biết Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra tại cuộc thảo luận an ninh khu vực với Trung Quốc cuối tháng này. “Trung Quốc chỉ có thể phát triển trong một khu vực của luật pháp, trật tự và tôn trọng các nước láng giềng chứ không phải là một khu vực dành chỗ cho những hành vi bắt nạt và gây hấn” - ông Russel thẳng thừng tuyên bố. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ có lợi ích đặc biệt trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên biển Đông và biển Hoa Đông. “Điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo tự do hàng hải và thương mại”. Ông Russel cũng tiết lộ Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã từng nhiều lần đặt vấn đề về cách hành xử của Trung Quốc trên biển trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc. “Người Trung Quốc hoàn toàn hiểu rõ rằng chúng tôi quyết đứng cạnh các đồng minh”, ông Russel cho biết. Trong phiên điều trần, ông Russel cũng cho biết ông sẽ nỗ lực theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. “Nếu được lựa chọn là trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á, tôi sẽ nỗ lực theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn việc CHDCND Triều Tiên phổ biến vũ khí hoặc đe dọa các nước láng giềng” - ông Russel cam kết. Ông Russel bày tỏ sự lo ngại về cuộc sống khó khăn của người dân CHDCND Triều Tiên hiện nay. Ông Russel hiện là giám đốc các vấn đề châu Á của Nhà Trắng. Ông được xem là một trong những kiến trúc sư của chiến lược “xoay trục châu Á” mà Washington đang theo đuổi. Mới đây Tổng thống Obama đã đề cử ông làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, thay thế ông Kurt Campbell đã từ chức hồi tháng 2. Ông Russel có 28 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao với nhiều kinh nghiệm ở Nhật và Hàn Quốc. Khi ngoài 20 tuổi, ông đến Nhật học võ trong ba năm. NGUYỆT PHƯƠNG
|