Việt - Trung gia tăng hợp tác khai thác dầu trên biển

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Việt - Trung gia tăng hợp tác khai thác dầu trên biển
    Thursday, June 20, 2013 5:07:32PM


    BẮC KINH (NV) - Việt Nam với Trung quốc thỏa thuận tăng hợp tác dò tìm dầu khí ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng tranh chấp chủ quyền?



    Sơ đồ hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Trung quốc mở rộng thêm diện tích dò tìm và khai thác trên biển ở khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh bắc Bộ. (Hình: TTXVN)
    Trong số 10 văn bản, hiệp định ký kết giữa Việt Nam và Trung quốc nhân chuyến đi Bắc Kinh của chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang, có bản sửa đổi lần thứ tư để kéo dài thời gian hợp tác dò tìm và khai thác chung dầu khí giữa hai nước đến năm 2016 ở khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc bộ.

    Đây là sự tiếp nối các thỏa thuận đã có từ năm 2006 trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông giữa hai nước vẫn căng thẳng.

    Như một cách thanh minh với dư luận, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) nói trên cuộc phỏng vấn của TTXVN rằng sự triển hạn và nới rộng khu vực hợp tác dầu khí trên biển giữa hai nước “thuần túy kinh tế”.

    Theo bản hiệp định Phân Định Lãnh Hải, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa trong Vịnh Bắc bộ ký ngày 25/12/2000, nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua đường phân định thì hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.

    Bản thỏa hiệp ký ngày 19/6/2013 ở Bắc Kinh giữa Petro Vietnam và CNOOC (Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc) nới rộng diện tích hợp tác từ 1,541km2 lên thành 4,076km2 “gồm hai phần tương đương nhau từ mỗi bên đường phân định.

    Khu vực thỏa thuận cũ nằm giữa tỉnh Nghệ An với đảo Hải Nam, nay kéo dài lên phía bắc, ngang với tỉnh Thanh Hóa. TTXVN gọi đây là “bước đột phá và thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước”.

    Hai bên đã từng “Khảo sát địa chấn 3D; Khoan 1 giếng tìm kiếm thăm dò dầu khí; và Nghiên cứu, minh giải tài liệu, đánh giá tiềm năng dầu khí” nhưng không thấy loan báo cái gì khác xa hơn.

    Cho tới nay, cũng chưa có phát hiện dầu khí nào đủ để khai thác thương mại ở khu vực đã thỏa thuận. Nhưng về một mặt, nó có vẻ như hai bên xích lại gần nhau hơn về mặt kinh tế để giảm bớt căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo.

    Tiếp chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6/2013 kêu gọi hai bên nên có các “quyết định chính trị” nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng cái “quyết định chính trị” mà ông ta kêu gọi đó có bao gồm cả tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như cái “Lưỡi Bò” liếm đến 80% Biển Đông hay không? Hay đó chỉ là một cái bẫy dương ra để dụ Hà Nội đàm phán tay đôi thay vì giữa Trung quốc một bên và bên kia là ASEAN trong đó có Việt Nam.

    Từ lâu nay, người ta hiểu rằng Bắc Kinh từ chối không thảo luận gì với Hà Nội về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa vì họ đã nuốt trọn từ năm 1974 đến nay rồi.

    Khi Việt Nam thông qua “Luật Biển” trong đó xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam vào giữa năm ngoái, lập tức Bắc Kinh tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa cấp huyện” bao trùm 3 quần đảo họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) tranh chấp với Việt Nam và quần đảo Trung Sa tức bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

    Đồng thời, họ cho tập đoàn CNOOC gọi thầu quốc tế kêu gọi hợp tác dò tìm và khai khác 9 lô nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Việt Nam (theo Công ước Quốc tế về Luật Biển), chồng lên trên các lô Việt Nam đánh số 145 (ngang tỉnh Bình Định) xuống tận phía nam ngang với Cà Mau, lô 132 và lô 156. Tới nay, không thấy có hành động cụ thể nào liên quan đến vụ gọi thầu này được tiến hành. Các công ty dầu khí quốc tế tránh chen vào các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

    Trước đó, nhiều hơn một lần, tàu Trung quốc đã cắt cáp của các tầu thăm dò địa chấn dò tìm dầu khí của Việt Nam cũng trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng nằm vắt ngang cái bản đồ 9 vạch “Lưỡi Bò” mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng biển nhà họ.

    Như lời phân bua của ông Đỗ Văn Hậu, hợp tác déo dài thời gian và mở rộng diện tích dò tìm dầu khí ở vùng dọc theo đường phân định ranh giới trên biển ngoài vịnh Bắc bộ “chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế”, sự tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước không dễ giảm căng thẳng trừ phi Bắc Kinh từ bỏ tham vọng bá quyền bành trướng lãnh thổ. (TN)




    Posted by nguoi-viet.com on June 21, 2013 at 20:35:40:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]