Tuyên Bố Chung VN-TQ Không Nói Về Luật Biển COC, UNLOS; Tư Lệnh Quân Đội CSVN Lần Đầu Thăm Ngũ Giác Đài, Hứa Hợp Tác

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Tuyên Bố Chung VN-TQ Không Nói Về Luật Biển COC, UNLOS; Tư Lệnh Quân Đội CSVN Lần Đầu Thăm Ngũ Giác Đài, Hứa Hợp Tác
    (06/22/2013) (Xem: 1249)
    WASHINGTON -- Lần đầu tiên, lãnh đạo Quân đội CS Việt Nam đã tới thăm Ngũ Giác Đài, tòa nhà chỉ huy của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại thủ đô Mỹ Washington DC.

    Bản tin RFI ghi nhận rằng vào lúc chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công du Trung Quốc, ngày hôm 20/06/2013, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được đón tiếp tại Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington. Giới quan sát đều ghi nhận đây là lần đầu tiên mà người đứng đầu Quân đội Việt Nam ghé thăm Ngũ Giác Đài từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam cách nay 4 thập niên.

    Theo báo chí Mỹ, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội đã được Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, tiếp đón và hướng dẫn.

    Được biết, trong buổi hội đàm đề cập đến nhiều vấn đề khu vực, Tướng Dempsey và Đỗ Bá Tỵ đã thảo luận về chiến lược “tái cân bằng lực lượng Mỹ qua châu Á Thái Bình Dương” của chính quyền Obama. Vào năm ngoái 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu loan báo các phương án chuyển sự quan tâm cũng như lực lượng quân sự qua vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

    Bản tin RFI cũng ghi nhận rằng nhân vật lãnh đạo quân đội Việt Nam đến thăm Ngũ Giác Đài một hôm sau khi Hoa Kỳ kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hội thông qua tu chính án Case-Church cấm Mỹ tiếp tục hành động quân sự tại Việt Nam - có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 1973. Tu chính án này lấy tên của Thượng nghị sĩ bang New Jersey Clifford Case trong đảng Cộng hòa, và Thượng nghị sĩ Frank Church của bang Idaho, đảng Dân chủ.

    RFI thêm: “Chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ của tướng Đỗ Bá Tỵ cũng phản ánh quan hệ ngày càng được cải thiện giữa hai cựu thù trong một cuộc chiến kết thúc vào năm 1975 khi các lực lượng cộng sản tiến vào Sài Gòn năm 1975. Phải chờ đến năm 1995, Mỹ và Việt Nam mới tái lập quan hệ ngoại giao.”

    Trong khi đó, BBC ghi nhận theo báo Tiền Phong cho hay trong đoàn của ông Tỵ có các tướng lĩnh cao cấp của Việt Nam như Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng; Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Phạm Hữu Mạnh, Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu; và Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại.

    BBC cũng nói: “Sau Mỹ, ông Đỗ Bá Tỵ sẽ đi thăm Pháp từ 23/6-26/6 theo lời mời của Đô đốc Edouard Guillaud, Tham mưu trưởng Liên quân Cộng hòa Pháp.”

    Tướng Đỗ Bá Tỵ nói gì về hợp tác Mỹ-Việt? Báo Đất Việt tổng hợp các thông tin nhà nước từ cuộc phỏng vấn Tướng này ghi, bên cạnh các câu trả lời có tính công thức và tuyên truyền, cho thấy:

    “Hai bên sẽ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, các cơ chế tham vấn, đối thoại và hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, tẩy rửa chất độc dioxin.

    Hai bên cũng nhất trí duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, quân y và các hoạt động nhân đạo...

    Phía Hoa Kỳ cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các lĩnh vực như cảnh sát biển, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc...”

    Trong khi đó, bản tin RFI phân tích về bản Tuyên bố chung Việt-Trung sau buổi họp của 2 Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình hoàn toàn không nhắc gì tới COC và UNCLOS.

    Bản tin này nói, chuyến công du Trung Quốc trong ba ngày của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kết thúc vào hôm 21/06/2013. Đúng như dự báo, vấn đề Biển Đông đã được Chủ tịch nước Việt Nam nêu lên trong các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc, và đã được nêu lên trong bản thông cáo chung tổng kết chuyến thăm. Và cũng đúng với dự đoán, hai bên chỉ nhắc lại cam kết tăng cường đối thoại, và cố tránh đối đầu trên vấn đề này. Tuy nhiên, hai yếu tố Việt Nam rất mong muốn là Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và nhu cầu tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc đã hoàn toàn vắng bóng trong văn kiện.

    RFI nói, trong ấn bản tiếng Việt của Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc dài gần 4000 từ, gồm 8 đề mục, được TTXVN loan báo, vấn đề tranh chấp Biển Đông được nêu khá chi tiết trong đề mục thứ tư, xác nhận rằng hồ sơ đã được nêu lên nhân chuyến công du Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang.

    Đặc biệt, RFI cũng nêu ra:

    “...trong bản Tuyên bố chung, không hề có một từ ngữ nào nhắc đến yêu cầu tôn trọng “luật pháp quốc tế” hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, những khái niệm luôn luôn được phía Việt Nam nhấn mạnh trong những năm gần đây.

    Xin nhắc lại là quan điểm của Bắc Kinh cho đến nay vẫn là không muốn tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các láng giềng bị quốc tế hóa.

    Mặt khác, một trong những điều được Việt Nam mong đợi là tín hiệu từ phía Trung Quốc cho biết là họ sẵn sàng mở thương thuyết với ASEAN về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC. Tuy nhiên, trong bản Tuyên bố chung Việt-Trung nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, không có bất kỳ từ ngữ nào về vấn đề này.”

    Như thế, có phải rằng ông Sang đi sứ không thành công? Hay chỉ được một số lời hứa thôi? Khi các luật biển không được cam kết tôn trọng, nghĩa là gì?



    Posted by vietbao.com on June 25, 2013 at 20:49:02:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]