Hy vọng về một tương lai COC?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Hy vọng về một tương lai COC?
    Ngày 26.06.2013, 08:18 (GMT+7)

    SGTT.VN - Thiện chí và lòng yêu hoà bình của Việt Nam quyết không thể là cái cớ để Hoàn cầu Thời báo xuyên tạc và chia rẽ tình đoàn kết giữa Việt Nam với ASEAN và các nước khác trên thế giới qua bài báo ngày 25.6.


    Quốc vương Sultan Hassanal Bolkiah của Brunei, nước chủ tịch Asean và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, nước điều phối viên quan hệ Asean – Trung Quốc và theo sau là Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, nước gây sức ép lên Bắc Kinh về bộ COC, tại cuộc họp Thượng đỉnh Asean 2013. Ảnh: TL


    Tuyên bố chung Việt – Trung khi đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông có đoạn: “Hai bên (ở đây là Việt Nam và Trung Quốc) tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên”. Lập trường mỗi bên là gì? Trung Quốc vẫn đòi chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, còn phía ta vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hai lập trường lửa với nước này mất bao lâu mới tìm thấy giải pháp mang tính quá độ? Phải cắt nghĩa rõ ràng như thế, ASEAN và thế giới mới không hiểu sai lệch thiện chí của Việt Nam thành “đi đêm” với Trung Quốc và không căn cứ vào tinh thần đa phương như từ trước đến nay.

    Lại càng không thể xuyên tạc lập trường hoà bình của Việt Nam theo cách giải thích “mập mờ đánh lận con đen” của Hoàn cầu Thời báo ngày 25.6, gây chia rẽ giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác, khi tờ báo này viết rằng: “Việt Nam khác với Philippines và Nhật Bản, nếu Trung Quốc và Việt Nam kiểm soát được va chạm trên biển thì Biển Đông rất khó lòng bị làm rối” (?) Dĩ nhiên, sự vắng mặt của hai bộ công cụ pháp lý thiết yếu COC (Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông) và UNCLOS (Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982) trong tuyên bố vừa qua đối với các cuộc vận động quốc tế cấp khu vực cũng như trên toàn cầu tại các văn kiện ngoại giao nhân tiếp xúc cấp cao Việt – Trung chỉ là một sự thoả hiệp dù là miễn cưỡng.

    Sự thoả hiệp đó, một mặt, cho thấy Trung Quốc yếu về pháp lý, lập luận “chủ quyền lịch sử” không thuyết phục được ai trong cuộc mưu chiếm 80% diện tích Biển Đông, nên tìm mọi cách để gạt các văn kiện pháp lý ra khỏi các sinh hoạt quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc có những phương tiện nhất định để đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận đối với những đòi hỏi chính đáng của các bên tranh chấp trên Biển Đông. Dư luận rất hiểu nguyên nhân sâu xa, tại sao Trung Quốc muốn “bẻ đũa từng chiếc”, “bóp dồn” các tranh chấp vào khuôn khổ song phương mà không thừa nhận giải quyết vấn đề trên phạm vi đa phương.

    Là chủ tịch ASEAN năm 2013 này, Brunei đã đưa vấn đề COC trở thành ưu tiên, trong khi Singapore cũng theo sát quá trình này và Indonesia đã hoạt động hậu trường trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán COC. Cách đây hơn hai tháng, ngày 11.4, các ngoại trưởng ASEAN gặp nhau tại Brunei chuẩn bị cho hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 vào cuối tháng 4, ngoại trưởng Indonesia thông báo rằng, Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về COC mặc dù chưa có sự xác nhận chính thức từ Bắc Kinh. Ngoại trưởng Natalegawa gây sức ép lên Bắc Kinh bằng cách chỉ trích Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp đơn phương, vi phạm DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông).

    Không lặp lại kịch bản 2012

    Tại Thượng đỉnh ASEAN lần 22, Brunei đã sử dụng kinh nghiệm ngoại giao quan trọng nhằm đảm bảo sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông, không để lặp lại sự thất bại như trong hội nghị hồi tháng 7.2012, khi không ra được một bản thông cáo chung. Mặc dù phần lớn nội dung bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN không có điều gì mới, chỉ lưu ý lãnh đạo các nước phải giao nhiệm vụ cho các ngoại trưởng tiếp tục phối hợp với Trung Quốc để sớm ngồi vào bàn đàm phán COC. Ngoại trưởng Philippines Rosario cho biết tranh chấp Biển Đông là chủ đề chính trong cuộc thảo luận và ASEAN đã có sự đoàn kết cần thiết để thuyết phục Trung Quốc tham gia tiến trình COC.

    Khi nhóm công tác DOC gặp nhau tại Bangkok cuối tháng 5.2013, vấn đề COC đã được thảo luận chính thức lần đầu tiên, nhưng dưới một trương mục khá tù mù của nghị trình là “vấn đề khác”. Là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Thái Lan đang tích cực mở đường cho các cuộc họp quan trọng vào các ngày 2 và 14.8 tới nhằm tái xác định lại lập trường chung. Cuộc họp cấp cao đầu tiên nhằm xác định các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Hẳn nhiên là cả hai bên đều quan ngại các tranh chấp Biển Đông có thể làm lu mờ các quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

    Sau cuộc họp nói trên, Bangkok sẽ chủ trì một cuộc họp trù bị của các ngoại trưởng ASEAN tại Hua Hin để thảo luận về các quan điểm cũng như lập trường chung liên quan đến tranh chấp biển đảo. Thái Lan hy vọng vào cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc đặc biệt sau đó vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tại Bắc Kinh để có thể khởi động đàm phán COC, vốn nhiều lần bị trì hoãn. ASEAN muốn đạt được một văn bản dưới hình thức tuyên bố chung hoặc một tuyên bố trước khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc vào tháng 10 sau đó, trước khi hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ nhóm họp.

    Năm ngoái, Trung Quốc đã thoả thuận với ASEAN về việc bắt đầu đàm phán COC, nhưng diễn tiến trong sáu tháng đầu năm cho thấy tranh chấp Biển Đông tiếp tục phát triển theo hướng tiêu cực, tiến trình COC ít có triển vọng sáng sủa. Tuy nhiên, từ giữa năm 2012, Trung Quốc lại gây khó khăn bằng cách loan báo “thời gian chưa chín muồi”. Năm nay các nước thành viên ASEAN rất hy vọng điều này sẽ không lặp lại!

    Nguyễn Thiều Quang



    Posted by sgtt.vn on June 26, 2013 at 11:30:24:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]