Trung Quốc lại đe nẹt láng giềng trong tranh chấp biển Đông
Tàu đổ bộ của Trung Quốc được thả từ hải vận hạm Tỉnh Cương Sơn thực tập đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông hồi Tháng Ba, 2013. (Hình: AP/XinHua)
Bắc Kinh không tuyên bố chính thức nhưng từng đưa ra bản đồ 9 vạch “Lưỡi Bò”, cho cả bản đồ này vào trong quyển hộ chiếu, coi như 80% Biển Đông là “ao nhà” nhà mình. Nằm lọt trong đó là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng các vùng biển chung quanh. “Nếu những nước nào đó tuyên bố chủ quyền (biển đảo) chọn cách đối địch (với Trung Quốc) thì phương cách đó sẽ thất bại.” Ông Nghị tuyên bố với báo chí sau khi đã đọc diễn văn tại Diễn Đàn Hòa Bình Thanh Hoa. “Nếu những nước đó củng cố những tuyên bố chủ quyền dựa trên các chứng cớ không mấy vững chắc qua sự trợ giúp của các lực lượng bên ngoài, cái đó sẽ vô ích và sẽ chứng tỏ là tính toán sai lầm chiến lược không đáng tốn công sức.” Vương Nghị nói. Những gì ông ta nói đều nhắm vào tranh chấp quần đảo Trường Sa (Bắc Kinh gọi là Tây Sa), các bãi cạn và đá ngầm Macclesfield và Scarborough (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa). Lâu nay, Bắc Kinh từ chối thảo luận về quần đảo Hoàng Sa vì coi như đã cướp được xong xuôi của Việt Nam từ lâu rồi. Dù là nước gây sự cũng như đe dọa các nước láng giềng, Vương Nghị vẫn ngang nhiên nói “những tranh chấp gần đây liên quan đến Biển Đông không do Trung Quốc khởi sự.” Trên bản tin Tân Hoa Xã, Vương Nghị đe dọa rằng để đối phó với các khiêu khích, Bắc Kinh “có đủ mọi lý do để đáp trả cần thiết”. Từ giữa năm ngoái, Bắc Kinh thành lập “thành phố cấp huyện Tam Sa” đặt bản doanh ở đảo Phú Lâm (họ gọi là Vĩnh Hưng đảo) trong quần đảo Hoàng Sa, đổ ra nhiều tỉ đô la gấp rút xây dựng các cơ sở quân sự, cảng biển, cải tiến phi trường nơi đây hầu khống chế toàn bộ Biển Đông. Rất nhiều cuộc tập trận quy mô được Bắc Kinh tổ chức trên Biển Đông. Tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh còn đem một đoàn chiến hạm xuống tập trận đổ bộ chiếm đảo sát với Indonesia, Malaysia. Biển Đông, theo một số ước tính, có nhiều tiềm năng dầu khí bên cạnh tài nguyên thủy sản. Đồng thời khu vực cũng là đường vận chuyển hàng hóa trên biển huyết mạch của thế giới. Theo một số nhà phân tích quốc tế, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã vượt quá tầm tranh chấp giữa Trung quốc và các nước ASEAN và trở thành vấn đề của thế giới. Sự can dự của các nước ngoài khu vực vì vậy không thể tránh khỏi. Cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN vào ngày 30 tháng 6, 2013 và Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN và các đối tác từ ngày 2 tháng 7, 2013 tại Brunei sẽ không thể không bàn thảo các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Bản Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông hầu tránh xung đột võ trang được bàn cãi khá nhiều nhưng nay vẫn chưa thể thành hình vì Bắc Kinh không hợp tác. Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán tay đôi với từng nước tranh chấp hầu lợi dụng vị thế nước lớn mà chèn ép. Việt Nam, Philippines muốn đa phương hóa tranh chấp nên luôn luôn bị Bắc Kinh chống lại. Những lời tuyên bố đe dọa của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra khi có cuộc tập trận hải quân giữa Philippines và Hoa Kỳ ở gần khu vực Scarborough tranh chấp với Trung Quốc. Philippines cũng loan báo kế hoạch cải tiến căn cứ Subic Bay từng được Mỹ sử dụng trước kia thành một trung tâm hải quân và không quân để đối phó với Bắc Kinh. (TN)
|