Bắc Kinh lập lộ trình tuần tiễu mới ở Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Bắc Kinh lập lộ trình tuần tiễu mới ở Biển Đông
    Monday, August 05, 2013 6:51:21 PM


    TOKYO (NV) .- Xây dựng các bãi đá ngầm chiếm của Việt Nam vào các năm từ 1988 đến 1995 thành những pháo đài kiên cố trên biển, Trung Quốc hiện lập một lộ trình tuần tiễu mới để kiểm soát Biển Đông.



    Đá Gạc Ma (Johnson Reef) là một bãi đá san hô ngầm bị Trung quốc biến thành căn cứ kiên cố nổi trên biển, có cả bãi đáp trực thăng. (Hình: AP)

    Đây là một tài liệu quân sự mật mà hãng thông tấn Kyodo đọc được hôm Thứ Hai 5/8/2013 về kế hoạch của Bắc Kinh khống chế gần như toàn bộ Biển Đông dựa vào sức mạnh hải quân của họ. Thậm chí, cái kế hoạch tuần tiễu đó bao trùm cả những khu vực nằm trong phạm vi “Lưỡi Bò” ăn sâu vào các khu vực đặc quyền kinh tế và gần với bờ biển các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung quốc.

    Điều này giải thích tại sao đã xảy ra những vụ căng thẳng gần đây giữa Trung quốc và Phi Luật Tân. Cái đường “Lưỡi Bò” nếu không hết 100% thì tối thiểu cũng chiếm đến 80% toàn bộ Biển Đông.

    “Tất cả các bãi san hô ngầm, bãi đá và các đảo, gồm luôn cả khu vực Second Thomas Shoal, Reed Bank (Bãi Rong) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn) (cướp năm 1994), như vậy đều nằm trong đường tuần tiễu”, bản phúc trình mật mà hãng thông tấn Kyodo được được viết như vậy.

    Đá Vành Khăn hiện được coi như căn cứ và pháo đài hoạt động tấp nập nhất của Trung quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, theo nguồn tin trên. Người ta thấy chiến hạm, tàu hải giám và cả tàu đánh cá Trung quốc đậu tại đây rất thường xuyên.

    Bản phúc trình nói căn cứ Vành Khăn đã được kiên cố hóa và có cả bãi đáp trực thăng. Nó có 2 ổ súng phòng không và hai khẩu đại liên, radar và các trang bị truyền tin viễn thông, hệ thống điện mặt trời và cả một sân bóng rổ cho lính giải trí.

    Tòa nhà được xây dựng cao ba tầng, và trên cùng có một đài quan sát.

    Tựu trung, tất cả 7 bãi đá san hô ngầm không thể ở được mà Trung quốc cướp từ các năm 1988 tới 1995 nay đã trở thành các căn cứ và pháo đài tối tân, kiên cố, nổi trên mặt nước. Đó là Đá Vành Khăn, đá Chũ Thập (Fiery Cross Reef), đá Su Bi (Subi Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef – nơi 74 lính hải quân CSVN thiệt mạng ngày 14/3/1988 trong một trận chiến với quân Trung quốc xâm lược), Đá Ga Ven (Gaven Reef).

    Đá Chử Bích cũng được phòng thủ với 4 họng súng đại bác phòng không, hệ thống truyền tin và gần đây được đặt một đài radar hình vòm. Cơ sở tại đây cũng là 3 tòa nhà 3 tầng bê tông cốt sắt, bãi đáp trực thăng, đèn pha rọi sáng.


    Đá Su Bi (bãi đá san hô – Subi reef) hay theo cách gọi của Trung quốc là Chử Bích đảo, bị Trung quốc chiếm và xây dựng thành một pháo đài trên biển gồm đài radar và các dàn võ khí nặng phòng thủ, bãi đáp trực thăng. (Hình: AFP/Getty Images)

    “Đá Chữ Thập thường được sử dụng làm nơi dừng chân cho tàu đổ quân lớp Vũ Đình (Yuting Class) của hạm đội Nam Hải”, theo phúc trình nói trên. Nơi đây vẫn là trung tâm truyền tin và khảo cứu hải dương của Trung quốc.

    Phần lớn các khu trục hạm và tuần dương hạm Trung quốc tuần tiễu các vùng biển tranh chấp xuất phát từ đảo Hải Nam, đặc biệt tại các căn cứ hải quân Á Long (Yalong), Du Lâm (Yulin) và Trạm Giang (Zhanjiang). Những nơi này cũng là các căn cứ tàu ngầm.

    Theo nhận định của bản phúc trình (nhiều phần là phúc trình quân sự của chính phủ Nhật), lộ trình tuần tiễu mới của Trung quốc làm cho tình hình tranh chấp Biển Đông “ngày càng thêm bất định”. Những dấu hiệu đáng để ý là sự xuất hiện của các chiến hạm Trung quốc tại khu vực Second Thomas Shoal đang tranh chấp với Phi Luật Tân.

    Bãi đá Second Thomas Shoal chỉ cách đá Vành Khăn chừng 22 hải lý và chỉ cách đảo Palawan của Phi chừng 105 hải lý. Nơi đây, vào năm 1999, Phi đã cho một chiến hạm phế thải đến đậu ở đây, sử dụng như một thứ tiền đồn và có một đơn vị nhỏ Thủy quân Lục chiến canh giữ thường trực. Bắc Kinh đòi Phi kéo tàu này đi, thậm chí còn nói sẵn sàng trả tiền phí tổn cho Phi.

    Trung Quốc duy trì thường xuyên ít nhất hai khu trục hạm và một tàu đổ quân như những đơn vị tác chiến trong khu vực.

    “Một tàu tiếp vận hay đổ quân được sử dụng như tàu yểm trợ cho lực lượng chiến đấu.” Bản phúc trình viết. “Thêm nữa, ít nhất còn có 4 tàu hải giám và hải tuần cũng thay nhau tuần tiễu” Biển Đông.

    Các loại tàu này phần lớn là các chiến hạm được sơn lại thành màu trắng, bỏ bớt súng đại bác nhưng vẫn còn các khả năng của chiến hạm.

    “Các lực lượng hải tuần và hải giám là các lực lượng bán quân sự đe dọa trên Biển Đông” Phúc trình nói. (TN)



    Posted by nguoi-viet.com on August 06, 2013 at 05:32:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]