'Nhân quyền trước, vũ khí sau' Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 7/8 Đại sứ Mỹ nói Việt Nam cần có những bước tiến về nhân quyền nếu muốn Hoa Kỳ xem xét việc tháo gỡ cấm vận bán vũ khí sát thương, hãng thông tấn AFP đưa tin. "Phía Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Hoa Kỳ tháo gỡ cấm vận [vũ khí sát thương], và chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này một cách nghiêm túc," ông David Shear nói trong buổi họp báo ngày 7/8 tại Hà Nội. Trước đó, trong một thông cáo đăng tải trên trang web ngày 6/8, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam về quản lý Internet, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Vật cản ngoại giaoHoa Kỳ hiện vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, mặc dù chính quyền ông Obama xem nước này là một đồng minh quan trọng trong việc tái cân bằng chính sách đối ngoại tại Châu Á, AFP nhận định. Việt Nam đã bắt giữ và buộc tội hơn 40 nhà bất đồng chính kiến trong năm nay, nhiều hơn so với cả năm 2012. "Để có được sự ủng hộ chính trị nhằm tháo gỡ cấm vận ... chúng tôi cần thấy được những tiến bộ về vấn đề nhân quyền từ phía Việt Nam." Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear Mặc dù cho rằng Việt Nam cần có những cải thiện về nhân quyền, ông David Shear cũng nhận xét chuyến công du sang Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy là một "sự thành công". "Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua là một chuyến thăm thành công. Việc hai bên tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện thể hiện tầm mức mới của mối quan hệ song phương," ông Shear được trang VietnamNet dẫn lời phát biểu. "Trong những năm qua, hai bên cũng phát triển hợp tác trên những khía cạnh ngoại giao, an ninh… Chúng tôi tin rằng, khuôn khổ ‘đối tác toàn diện’ phản ánh những bước phát triển tích cực của mối quan hệ giữa hai bên." Vị đại sứ cũng nhắc đến những lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến cho Việt Nam. "Việt Nam sẽ gia tăng được xuất khẩu vào các nền kinh tế trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, thu hút nhiều hơn FDI từ các nước trong hiệp định. Theo nhận định của tôi, mối quan tâm của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam đang tăng lên," ông nói. "Quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa biểu tượng đối với Việt Nam, là cơ sở cho việc đánh giá trong giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá." "Việc công nhận quy chế này là một quy trình gồm nhiều bước về hành chính, pháp lý, do Bộ Thương mại Mỹ đảm trách. Phương thức tốt nhất để Việt Nam có được quy chế kinh tế thị trường, đó là thông qua đàm phán hiệp định TPP."
|