Triển vọng nào cho Quy tắc Ứng xử? Philippines đã đệ đơn kiện tranh chấp biển với TQ ra tòa án quốc tế
Trang tin Bấm sunstar.com của Philippines nói Del Rosario thừa nhận ông không rõ Trung Quốc có ý gì khi Ngoại trưởng Vương Nghị trước đó nói việc hoàn tất COC cần phải được thực hiện từng bước, nhưng Ngoại trưởng Philippines nói "chúng ta sẽ chờ xem". Theo kế hoạch, đại diện các nước trong khối Asean, trong đó có ông Del Rosario, sẽ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng Chín tới. Trước đó, các ngoại trưởng thành viên Asean sẽ nhóm họp tại Bangkok vào hôm 14/8 để thảo luận trong khối về mục tiêu Asean muốn đạt được trong phiên họp tham vấn với Trung Quốc. Truyền thông Philippines nói trước đó, ông Del Rosario nói ông muốn có "các cuộc đàm phán" với Trung Quốc chứ không chỉ đơn thuần là "tham vấn" trong tháng Chín này, thuật ngữ mà giới phân tích cho rằng thể hiện thái độ không sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc xúc tiến đàm phán về COC. Theo Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và khối Asean ký kết hồi năm 2002 thì COC nhằm giảm căng thẳng chính trị ở khu vực giàu trữ lượng tài nguyên này. Nguy cơ xung đột Jonathan Holslag từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại ở Brussels Gần đây, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân và phạm vi hoạt động trên Thái Bình Dương, cùng lúc với việc Nhật Bản và Philippines củng cố các đội tàu của mình. Theo hãng tin AFP, năm tàu chiến của Trung Quốc đã hoàn tất chuyến đi đầu tiên vòng quanh Nhật Bản hồi tuần trước, trong một động thái rõ ràng là nhằm phô trương lực lượng. Các tàu thuyền khác cũng thường xuyên tuần tra ở các vùng lãnh hải khác nhau, nơi mà Tokyo và các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền, khiến Nhật hôm thứ Năm phải triệu Đại sứ của Bắc Kinh lên để phản đối. Hiện Trung Quốc đã có chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đi vào hoạt động, và các chỉ huy hải quân hàng đầu của nước này cam kết sẽ có thêm những chiếc khác nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tuần gần đây tái xác nhận mục tiêu của Trung Quốc là muốn khẳng định vị thế cường quốc hải quân. Cùng lúc, Washington, vốn có các căn cứ quân sự quanh khu vực và có mối quan hệ mật thết với Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, cũng muốn tỏ rõ mối quan tâm của mình đối với Á châu. Phô trương sức mạnh Bản thân hành trình này không phải là một thách thức về mặt thực tế, nhưng trong bối cảnh hiện thời thì nó tạo một biểu tượng không thể hiểu nhầm. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết rằng các lực lượng nước này đã "bẻ vụn" cái mà Bắc Kinh gọi là "chuỗi đảo đầu tiên", là vùng đất trải dài từ đỉnh phía bắc của Nhật Bản tới Philippines, ngăn cách Trung Hoa lục địa với Thái Bình Dương. "Với việc gửi lực lượng tuần tra tới các điểm trên biển nhạy cảm này, Trung Quốc cho các nước láng giềng thấy Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình ở ngoài các vùng biển của Trung Quốc, và rằng Trung Quốc muốn xây dựng một lực lượng hải quân thực sự đủ sức mạnh trên đại dương," AFP dẫn lời Jonathan Holslag từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại ở Brussels nhận xét. Hành động của Trung Quốc khiến các nước láng giềng cảnh giác và có nguy cơ dẫn đến cuộc đua vũ trang trong khu vực. Tuần này, Manila nhận từ Hoa Kỳ một tàu cỡ lớn-lớp Hamilton, vài ngày sau khi tuyên bố đặt mua hàng từ Pháp. Tokyo thì ra mắt tàu chiến lớn nhất của mình kể từ sau Thế chiến thứ hai, một tàu có bãi đáp cho trực thăng và có thể chuyển đổi thành bãi đáp lên xuống cho các loại máy bay lên thẳng khác. Bên cạnh việc tăng sức mạnh hải quân, Bắc Kinh trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough đang có tranh cãi từ tay Philippines hồi năm ngoái, và gây áp lực hầu như hàng ngày trên biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ khu vực. Trung Quốc cũng tổ chức các chuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và cả Đài Loan tuyên bố chủ quyền, đồng thời cho tàu tuần tra quanh khu đảo Điếu Ngư/Senkaku hiện đang do Nhật kiểm soát.
|