VN 'phạt nặng' hành vi vi phạm chủ quyền

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    VN 'phạt nặng' hành vi vi phạm chủ quyền
    Cập nhật: 07:46 GMT - thứ tư, 4 tháng 9, 2013



    Tàu Bình Minh 2 của PetroVietnam

    Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định xử phạt nặng nước ngoài thăm dò khai thác dầu khí trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng không nói rõ sẽ siết chặt chế tài bằng cách nào.

    Nghị định 97/2013/NĐ-CPdo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 27/8/2013 "quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng".

    Văn bản nghị định mà BBC có nêu rõ quy định được áp dụng với các "cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam".

    Có lẽ đây là lần đầu tiên các mức phạt tiền được quy định cụ thể và chi tiết cho các hành vi của nước ngoài vi phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

    Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài có "hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí" sẽ bị phạt tiền từ 900 triệu tới 1 tỷ đồng (45.000 - 50.000 đôla Mỹ), đồng thời phải chịu hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

    Hành vi khai thác dầu khí trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng có mức chế tài tương tự.

    Ngoài ra, Nghị định 97 cũng quy định khá chi tiết về các mức phạt, xử lý các hành vi vi phạm khác như về an toàn, an ninh, môi trường, hợp đồng, ứng phó sự cố tràn dầu và vận chuyển khí trên đất liền.

    Chương 3 của Nghị định tập trung vào các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, còn Chương 4 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.

    Thi hành
    Nghị định 97 có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.


    Tàu Trung Quốc bị cáo buộc cắt cáp tàu Bình Minh 2 năm 2012
    Theo nghị định, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò, vận chuyển và khai thác dầu khí.

    Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm thuộc dạng nói trên chắc chắn không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh còn tranh chấp chủ quyền tại một số vùng biển.

    Lâu nay, Trung Quốc đã tiến hành thăm dò khai thác dầu khí tại nhiều khu vực mà Việt Nam nói là của mình đồng thời dọa dẫm các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam tại các vùng biển đó.

    Theo thông lệ, Việt Nam thường tuyên bố phản đối nhưng không mấy tác dụng.

    Tàu Trung Quốc năm 2012 còn gây hấn cắt cáp thăm dò của tàu dầu khí Việt Nam, gây căng thẳng song phương.

    Mới đây, hôm 3/9 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội đàm ở Nam Ninh, Trung Quốc, trong đó hai ông nhắc lại mong muốn "phát triển hòa bình" ở Biển Đông.

    Ông Lý được dẫn lời nói: “Hai nước cần tăng cường tiếp xúc đối thoại, kiểm soát thoả đáng bất đồng, phấn đấu biến những thách thức do vấn đề trên biển trở thành cơ hội hợp tác, tạo môi trường tốt đẹp cho việc triển khai sự hợp tác dự án quan trọng giữa hai bên”.



    Posted by bbc on September 04, 2013 at 04:05:36:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]