Khả năng hải chiến trên Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Khả năng hải chiến trên Biển Đông
    Tuesday, September 03, 2013 2:47:47 PM

    Hồ Sơ

    HÀ TƯỜNG CÁT (Người Việt)

    Với tình hình căng thẳng ở Biển Đông mấy năm gần đây do ý đồ bành trướng của Trung Quốc, nếu các quốc gia liên hệ không đi đên thỏa thuận và tuân hành nghiêm chỉnh một bản Quy Luật Ứng Xử COC (Code Of Conduct) thì sớm muộn cũng có lúc xung đột sẽ xảy ra giữa hải quân các nước trong khu vực.

    Ngoại Trưởng Trung Quốc phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị đối thoại hợp tác chiến lược với các bộ trưởng ngoại giao 10 quốc gia ASEAN tại Bắc Kinh hôm Thứ Năm tuần trước, 29 tháng 8, 2013. Trong triển vọng hợp tác hòa bình, vẫn có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột bất ngờ do tình thế căng thẳng vì yêu sách biển đảo của Trung Quốc. (Hình: Adrian Bradshaw/Getty Images)


    Chuyện cũ

    Hai trận đụng độ năm 1974 và 1988 khi Trung Quốc chiếm toàn thể quần đảo Hoàng Sa và 6 đảo san hô hay bãi đá Trường Sa, chỉ ở tầm mức rất nhỏ. Giao tranh ở Biển Đông trong tương lai, nếu có, sẽ là những trận hải chiến thật sự giữa các khu trục hạm, hộ tống hạm bắn súng lớn và phóng hỏa tiễn, có thể có sự tham gia của máy bay chiến đấu và tàu ngầm yểm trợ. Kết quả của những trận hải chiến này sẽ không mau chóng và dễ dàng như hai trận chiến mấy chục năm trước.

    Năm1974, hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từ trang bị cho đến chiến thuật và chiến lược, hoàn toàn không được chuẩn bị cho một cuộc chiến bảo vệ chủ quyền hải đảo,. Những chiến hạm được phong tên là tuần dương hạm, khu trục hạm, hộ tống hạm, hầu hết chỉ là những chiến đĩnh tuần duyên cũ kỹ với nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm nhập của các tàu thuyền nhỏ có hay không có võ trang. Trừ HQ-01 Trần Hưng Đạo nguyên là một khu trục hạm hộ tống của hải quân Hoa Kỳ, các tàu chiến hạng lớn khác của Việt Nam đều là tàu tuần duyên WHEC (High Endurance Cutter), vận tốc tối đa dưới 20 gút, súng lớn nhất là một khẩu 127mm, cho tới lúc ấy nếu đôi khi được sử dụng chỉ để yểm trợ hải pháo cho bộ binh.

    Chiến hạm HQ-10 Nhựt Tảo, bị đánh đắm trong trận chiến Hoàng Sa, nguyên thủy là một tàu vét mìn của hải quân Hoa Kỳ hạ thủy từ cuối Thế Chiến II, giải giới năm 1946, được tân trang và giao cho hải quân Việt Nam Cộng Hòa sử dụng làm nhiệm vụ hộ tống trên các thủy lộ nội địa hay vùng ven biển. Tàu có chiều dài 55 mét, ngang 10 mét, lượng dãn nước 950 tấn, vận tốc tối đa 15 gút, võ trang 1 pháo 75mm, 4 giàn pháo 40mm và 20mm hai nòng.

    Trong trận hải chiến ở Hoàng Sa, mỗi bên có 4 chiến hạm trực tiếp tham chiến. Phía Việt Nam Cộng hòa có ưu thế là các chiến hạm lớn, trang bị pháo và súng lớn hơn, mạnh hơn, nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là loại tàu thích hợp cho công tác tuần tiễu chứ không phải chiến đấu, có nhược điểm cồng kềnh, vận chuyển nặng nề, súng quay bằng tay nên theo dõi mục tiêu khó khăn cũng như nhịp bắn chậm.

    Đại Tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy hạm đội ở Hoàng Sa cho rằng quân lực Việt nam Cộng hòa khi ấy đã "bị bất ngờ về chiến thuật của địch, có sự sai lầm về ước tính tình báo và nhầm lẫn về chiến thuật điều quân".

    Chiến đấu trong thế bị động, không có sẵn kế hoạch tác chiến, phối hợp giữa các chiến hạm kém, nên mất ưu thế về hoả lực ngay từ đầu và dẫn đến việc bắn lầm vào nhau, HQ-5 bắn trúng HQ-16. Trong khi ấy Trung Quốc đã lên kế hoạch chu đáo ở cấp cao nhất cho việc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, với một lực lượng 4 tiểu đoàn đổ bộ chống đơn vị cấp đại đội và trung đội Việt Nam.

    Vì vậy dù có thể coi là thắng được trận đầu, nhưng thất bại trong việc đổ quân lên chiếm giữ đảo và lo ngại không thể đối đầu với lực lượng tiếp viện của Trung Quốc nếu còn ở lại cố thủ, hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã được lệnh rời bỏ Hoàng Sa.

    Tình thế mới …

    Nếu năm 1974 hải quân Trung Quốc còn tầm thường, tới 1978 đã mạnh hơn hẳn Việt Nam, thì đến nay họ hoàn toàn là lực lượng khống chế trên Biển Đông và với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trở thành mối đe dọa nặng nề cho tất cả mọi quốc gia trong khu vực.

    Ngoại trừ Lào và Myanmar không tiếp giáp Biển Đông, Cambodia, Thái Lan, Singapore tuy không có tranh chấp chủ quyền ở vùng Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lưu thông hàng hải là vấn đề nhiều ít có liên quan đến lợi ích của nước họ.

    Các nước Đông Nam Á, đối mặt với bài toán khó khăn giữa những thách thức chủ quyền tại Biển Đông và tiềm lực tài chính eo hẹp của nước mình, cho nên nỗ lực phát triển hải quân dù là thiết yếu, vẫn chỉ diễn ra khá chậm chạp,

    Tuy vậy Việt Nam và Philippines đứng ở vị trí hàng đầu trong các tranh chấp với Trung Quốc và xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cho nên nhu câu củng cố lực lượng phải đáp ứng cùng lúc cả hai mục tiêu tức thời và dài hạn.

    Trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, Việt Nam bước đi thận trọng và âm thầm. Sau khi Serbia mất biển, Việt Nam tìm kiếm việc mua lại hạm đội tàu ngầm của nước này nhưng thương vụ bất thành qua hai năm thảo luận và Hy Lạp mua được với cái giá cao hơn. Việt Nam quay về với đối tác truyền thống là Nga, và bắt đầu thương thảo việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo thích ứng trong phòng thủ tại vùng biển nông. Sau sự phô diễn rầm rộ trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân Trung Quốc tại Thanh Đảo tháng 4 năm 2009, thông tin về vụ mua bán được Moscow công khai tiết lộ với sự đồng thuận ngầm từ phía Việt Nam.

    Thật ra Biển Đông chưa phải là một nơi đánh nhau, các bên liên hệ đều đang cố gắng vừa phô bày, vừa tìm cách dấu thực lực của mình. Trung Quốc với lực lượng áp đảo nắm thế chủ động và đang tìm cách thiết lập trật tự theo ý họ. Các nước ASEAN thì tìm kiếm sự liên minh và cũng đồng thời củng cố thế lực theo phương cách thích ứng với khả năng và quan điểm chiến lược của mình. Chính tình trạng ấy khiến cho chiến tranh chưa thể xảy ra ngay lập tức vì không bên nào có đủ yếu tố để bảo đảm một thắng lợi toàn diện.

    Việt Nam từng có kinh nghiệm về triển vọng trợ giúp của bên thứ ba. Năm 1974 khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Hạm Đội 7 Hoa Kỳ đang hoàn toàn làm chủ trên Biển Đông đã không có một hành động can thiệp nào theo cầu cứu của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, Liên Xô hãy còn căn cứ hải - không quân ở Cam Ranh và cũng không có phản ứng trong vụ xung đột ở Trường Sa. Điều dễ hiểu là vào những thời điểm ấy Hoa Kỳ và Liên Xô không có lợi ích thiết thực gì bị xâm phạm để phải can dự.

    Vì vậy trong tình thế hiện nay, các nước ASEAN tìm cách mở rộng liên hệ không chỉ với Hoa Kỳ, Nga mà còn với Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản và xa hơn với Pháp và Anh. Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng Biển Dông đã được Ngoại Trưởng Hillary Clinton nêu lên lần đầu trong hội nghị ASEAN ở Hà Nội năm 2010 và sau đó được xác định bằng chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược đến châu Á của chính quyền Obama. Bằng hiệp ước đồng minh với Philippines, Hoa Kỳ gần đây đã cung cấp cho Philippines một số viện trợ quân sự bao gồm chiến hạm và máy bay cho quân lực được xem là yếu vào bậc nhất trong các nước ASEAN này.

    Cả Mỹ và Anh đều tự coi là có lợi ích thiết yếu tại Biển Đông, tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này, tuy xác định rằng không dính líu đến những tranh chấp.

    Anh hiện có Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements) với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore trong trường hợp nảy sinh mối đe dọa xâm lược hoặc tấn công từ bên ngoài đối với hai quốc gia Đông Nam Á này.
    Trong phát biểu về quốc phòng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6 vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Philip Hammond “Anh có lợi ích rõ rệt trong việc duy trì ổn định khu vực và đặc biệt là quyền tự do hàng hải tại vùng Biển Đông”.

    Theo tạp chí Nhật Bản Kanwa Asian Defence, trong một báo cáo chiến lược địa chính trị nội bộ gần đây của quân đội Trung Quốcq, các tác giả nhắc đi nhắc lại rằng tình hình biển Đông hiện trở nên căng thẳng dưới sự tiếp tay của Mỹ và Pháp. Sự xuất hiện của Pháp trong báo cáo nội bộ của PLA là chuyện mới lạ gây nhiều thắc mắc nhưng tờ Kanwa dẫn lời những chuyên gia chiến lược của Trung Quốc cho hay họ rất lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa can thiệp Pháp ở châu Á.

    Sự lo lắng này nảy sinh từ cuộc chiến Libya, họ cho rằng đây là biểu tượng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa can thiệp kiểu mới của Pháp và ở cuộc khủng hoảng Mali sau đó Pháp thậm chí còn đi xa hơn Mỹ khi quyết tâm hành động quân sự bằng việc triển khai bộ binh.
    Bộ Trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore nhấn mạnh rằng Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương và nước này có các vùng lãnh thổ trong khu vực như một số hải đảo của Pháp tại nam Thái Bình Dương mà có nghĩa vụ bảo vệ. Pháp vẫn tiếp tục củng cố quan hệ với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là ba nước Đông Dương truyền thống. Mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của hai chiến hạm Pháp, đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier cũng nhấn mạnh Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương và Bộ Trưởng Le Drian kêu gọi ký kết thỏa thuận về quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đây.

    … Chiến lược chiến thuật mới

    Đơn phương đánh bại hải quân Trung Quốc là quá khó khăn và có thể là chuyện không tưởng. Do đó để trông đợi có sự can thiệp từ bên thứ ba, bằng hành động trực tiếp hay bằng phương pháp ngoại giao, một điều kiện cần thiết là thời gian cầm cự, và mỗi quốc gia Đông Nam Á có đường lối riêng của mình cho nhu cầu này.

    *Hải quân Malaysia chú trọng vào việc phát triển tàu chiến cận duyên và hiện nay đã có 6 tàu lớp Kedah, tàu hộ tống nhỏ đóng tại quốc nội dựa trên thiết kế tàu MEKO của Đức, lần lượt đưa vào sử dụng từ 2006 đến 2010. Mỗi tàu có chiều dài 91 mét, rộng 13 mét, trọng tải 1,850 tấn, vận tốc 22 gút, thủy thủ đoàn 80 người, được trang bị các hệ thống điện tử hiện đại tuy nhiên chỉ có võ trang các loại pháo tới 78mm và đại liên, không có hỏa tiễn nhưng có thể chở theo một trực thăng hay máy bay không người lái.

    Malaysia có dự án mua hay hợp tác chế tạo chiến hạm loại LCS (Littoral Combat Ship) và những tàu lớn hơn qua sự hợp tác với Âu Châu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên sự phát triển hải quân vẫn còn thất thường do vấn đề ngân sách và đường lối chính trị, kinh tế của chính phủ Malaysia.


    *Dù chỉ có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế nhỏ nhất trong các nước tiếp giáp Biển Đông. Singapore có một lực lượng hải quân phát triển bậc nhất khu vực Do sự phụ thuộc vào ngành thương mại trên biển, Singapore xem việc duy trì lợi thế về năng lực hải quân và công nghệ so với các quốc gia láng giềng là nền tảng trong chính sách quốc phòng.

    Lực lượng hải quân Singapore bao gồm 6 hộ tống hạm mới đưa vào sử dụng từ 2007 đến 2009 và 6 hộ tống hạm nhỏ hơn sử dụng từ thập niên 1990, tất cả đều trang bị hỏa tiễn, 6 tàu ngầm mua từ Thụy Điển, 4 tàu xung kích 6,000 tấn chở quân đổ bộ bằng xuồng hay trực thăng, và nhiều tàu các loại khác. Chương trình then chốt của hải quân Singapore hiện nay là thay thế 12 tàu tuần tra lớp Fearless gắn hỏa tiễn phòng không có từ thập niên 1990 bằng những tàu mới chế tạo, cũng như các tiềm thủy đĩnh mới mua của Thụy Điển.

    Singapore được dùng làm một căn cứ tiếp vận của Hải Quân Hoa Kỳ và chiến hạm tác chiến cận duyên USS Freedom (LCS-1) được điều phái đồn trú ở đây từ tháng 3 năm 2013.


    *Thái Lan ít có nguy cơ phải trực tiếp đụng độ với Trung Quốc và do những rắc rối của tình hình chính trị quốc nội, vương quốc này từ lâu không chú trọng đến sự tăng cường lực lượng hải quân. Hải quân Thái Lan thành lập từ cuối thế kỷ 19 là kỳ cựu nhất ở Đông Nam Á và duy nhất đã có hàng không mẫu hạm, chiếc HTMS Chakri Naruebet 11,500 tấn, mua của Tây Ban Nha năm 1997, tới 2006 được chuyển thành một mẫu hạm chuyên dùng cho trực thăng.

    Hải quân Thái Lan có 14 hộ tống hạm lớn mua của Hoa Kỳ, Anh, hoặc đóng tại quốc nội qua sự hợp tác với Trung Quốc và Nam Hàn, 3 tàu xung kích thủy bộ và khoảng 10 tàu tuần tiễu cỡ nhỏ hơn. Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly nói rắng Thái Lan đang thương lượng với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nam Hàn để mua thêm hai hộ tống hạm và tàu tác chiến cận duyên LCS.


    *Indonesia đặt mục tiêu xây dựng từ nay đến năm 2024 một lực lượng hữu hiệu tối thiểu (MEF) gồm 300 tàu thuộc nhiều loại khác nhau trong đó ít nhất 12 tàu ngầm. Với vùng biển rộng khoảng 6 triệu km2, con số trên khá hợp lý nhưng thực tế vượt quá xa năng lực tài chính của quốc gia lớn nhất trong ASEAN này. Hiện nay hạm đội Indonesia mới chỉ gồm khoảng 115 chiếc tàu các loại, 2 hai tàu ngầm và thêm 3 chiếc đang được đóng.

    Khác với hải quân các nước trong khu vực, Indonesia coi loại tàu tấn công nhanh là không phù hợp vì dễ tổn thương trước các tàu lớn và máy bay, Indonesia chú trọng hơn vào việc xây dựng các loại tàu hộ tống vừa phải thích hợp cho việc phòng thủ duyên hải cũng như tuần tiễu viển duyên. Từ 2007 đến 2009, Inadonesia đã có 4 tàu hộ tống nhỏ lớp Sigma và 4 tàu lớp Makassar mua từ Hòa Lan hoặc hợp tác đóng trong nước. Tàu Sigma là loại tàu Việt Nam cũng mới đặt mua của Hòa Lan và dự tính trang bị các hệ thống vũ khí Nga.


    *Brunei Darussalam chỉ có một lực lượng hải quân nhỏ nhưng được trang bị tương đối tốt và thích hợp cho sứ mạng phòng thủ duyên hải và tuần tiễu vùng biển Trường Sa mà vương quốc Hồi Giáo này cũng có phần tranh chấp hải đảo. Hải quân Brunei có khoảng 10 chiến đĩnh và 20 tàu tuần tiễu hạng nhỏ, võ trang pháo các loại từ 57 mm trở xuống và đại liên.


    *Sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở bãi cạn Scarnborough trong vùng quần đảo Trường Sa, Philippines mới gấp rút tìm cách tăng cường lực lượng, tuy vậy nỗ lực này không thể thành đạt trong một thời gian ngắn. Sau khi tiếp nhận hai tàu tuần duyên cũ của Mỹ, ưu tiên hiện nay của hải quân Philippines là mua thêm hai tàu hộ tống mới, một số trực thăng và thay thế các máy bay chiến đấu F-5 đã lỗi thời.

    Trong khi chờ đợi phát triển lực lượng đủ mạnh, sự phòng vệ của Philippines hoàn toàn trông cậy vào Hoa Kỳ. Hải quân Philippines chỉ có thể thi hành công tác tuần thám và việc này cũng cần có thêm hỗ trợ bởi các máy bay P-3C Orion của Hải Quân Hoa Kỳ. Thực tế trong vóng ít nhất 5 năm nữa Philippines chưa có khả năng chống trả bất cứ một cuộc va chạm nào trên biển với hải quân Trung Quốc.


    *Về phía Trung Quốc, chưa kể đến sự tiếp viện khi cần từ hạm đội Bắc và Đông Hải, riêng hạm đội Biển Đông đặt căn cứ ở Trạm Giang và đảo Hải Nam có ít nhất 11 khu trục hạm, 14 hộ tống hạm, 8 tàu ngầm, 20 tàu đổ bộ các loại, 4 trung đoàn máy bay chiến đấu. Tuy nhiên chiến tranh còn do ở con người chứ không phải chỉ vũ khí và chỗ yếu của hải quân Trung Quốc là chưa từng có kinh nghiệm chiến đấu và hiệu quả hợp đồng tác chiến, một điều kiện then chốt trong hải chiến, còn là điều có thể nghi ngờ.


    *Việt Nam có hai hộ tống hạm lớp Ghepard - HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ - là chiến hạm lớn nhất, 5 tàu đổ bộ các cỡ, ngoài ra còn khoảng 30 tốc đĩnh tuần tiễu nhiều loại trong đó gần phân nửa có trang bị hỏa tiễn, chứng tỏ mục tiêu rõ ràng là tác chiến chứ không chỉ tuần tiễu. Các tàu ngầm lớp Kilo sẽ chỉ bắt đầu lần lượt sử dụng được từ cuối năm nay; các hộ tống hạm Ghepard mua thêm của Nga và Sigma mua của Hòa Lan sẽ đưa về trong hai năm nữa.

    Bằng việc hiện đại hóa từ từ nhưng không ngừng các lực lượng không quân, hải quân trong nhiều năm qua, với các chiến hạm mang hỏa tiễn tấn công, các phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKV, và sau này thêm các tàu ngầm, khả năng chiến đấu của Việt Nam trên biển Đông đã tăng cường khá đáng kể. Nhờ khả năng ấy, Việt Nam có thể thi hành những chiến lược chiến thuật thích ứng để đối phó hữu hiệu với mọi ý đồ của Trung Quốc.

    Vì tương quan lực lượng hoàn toàn chênh lệch, Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, trong mọi trường hợp phải tránh gây nên một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc. Hoàn cảnh chính trị và ngoại giao quốc tế trong sự tranh chấp ở khu vực Biển Đông hiện nay cho phép tránh được việc ấy. Tình huống xảy ra xung đột trên biển là rất lớn, nhưng khả năng đi đến một cuộc chiến tranh tổng lực cả trên đất liền, trên biển, trên không, lại rất nhỏ.

    Nếu xung đột chỉ ở chừng mực cục bộ, tại khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa, hải quân Việt Nam sẽ có điều kiện thuận tiện để áp dụng lối đánh du kích, tấn công nhanh và bất ngờ rồi … rút chạy. Vị trí địa dư khiến cho các chiến hạm, bao gồm tàu phóng hỏa tiễn, khinh tốc đĩnh, tàu ngầm, có thể xuất kích từ bờ biển đến chiến trường gần hơn hải quân Trung Quốc từ Hải Nam hay Quảng Đông di chuyển tới. Hơn nữa, hầu hết khu vực Biển Đông, từ Hoàng Sa đến Trường Sa, đều nằm trong tầm hoạt động của không quân và hỏa tiễn đặt trên đất liền. Nói tóm lại Việt Nam hoàn toàn có lợi thế chiến trường để triển khai chiến thuật dự tính.

    Nhưng chiến lược đối phó Trung Quốc của các nước Đông Nam Á không phải để thắng, mà là đừng thất bại hoàn toàn và mất tất cả hay một phần lợi ích của mình, và tốt hơn hết vẫn là có đủ tiềm lực răn đe đừng cho xảy ra xung đột.(HC)



    Posted by nguoi-viet.com on September 04, 2013 at 04:45:58:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]