Việt - Pháp lập 'quan hệ chiến lược' Một số văn kiện hợp tác khác cũng được ký, đặc biệt là ý định thư mua hàng chục máy bay của Airbus cho hãng hàng không VietJetAir. Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói Tuyên bố chung là dấu mốc “rất quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với quan hệ giữa hai nước”. Phía Việt Nam nói hai thủ tướng cũng bàn về tranh chấp Biển Đông, với lập trường chung là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông “bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Ông Dũng hiện đang có chuyến công du chính thức ba ngày đến Pháp cho đến ngày 26/5. Mục đích chính của chuyến thăm này là chính thức tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp sau 40 năm hai nước bang giao chính thức. Quan hệ quân sự Ông Dũng được dẫn lời nói Việt Nam ‘đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác quốc phòng với Pháp’ và yêu cầu nước này tăng cường ‘chia sẻ thông tin nghiên cứu chiến lược quốc phòng’ và ‘hợp tác trong lĩnh vực đào tạo’. Đáp lời, Bộ trưởng Le Drian cũng được dẫn lời nói khuôn khổ đối tác chiến lược sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho quân đội hai nước. Ông cũng nói là ‘sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam’ tham gia sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và ‘hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ, công nghệ quân sự’. Sau đó ông Dũng cũng có cuộc hội kiến với ông Pierre Laurent, bí thư toàn quốc của Đảng Cộng sản Pháp. Kinh tế cũng là một trong các nội dung trọng tâm của chuyến đi này của ông Dũng với sự tháp tùng của các bộ trưởng mảng kinh tế-công nghiệp như Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Vũ Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng các thứ trưởng Tài chính và Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Trong buổi sáng ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi giới thiệu về cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam với Hiệp hội giới chủ quốc tế Pháp gọi tắt là MEDEF với sự tham gia của các tập đoàn lớn của Pháp như Alstom, Areva, Cnim, Safran, GDF Suez, Groupe SEB, Systra... Pháp hiện là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại và là nhà viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Các tập đoàn của Pháp được cho là quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng, bán lẻ và hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Phát biểu tại IFRI Ông nhắc lại về ‘niềm tin chiến lược’, một khái niệm mà ông đề cập lần đầu tiên cách nay không lâu tại Đối thoại Shangri-la về an ninh diễn ra tại Singapore.
Ông mô tả mối quan hệ giữa hai nước Pháp-Việt là ‘biểu tượng của tinh thần dũng cảm’ khép lại những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau, tức ‘lòng tin chiến lược’. “Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu?,” ông phát biểu. Từ đó, thủ tướng Việt Nam kêu gọi hai nước Pháp-Việt ‘cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Trong một diễn biến khác, hãng tin Anh Reuters cho hay bên lề chuyến thăm Pháp của ông Dũng, Viet Jet Air, một hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam, đang đàm phán với nhà sản xuất máy bay Airbus về một đơn đặt hàng 100 máy bay chở khách với trị giá lên đến 10 tỷ Mỹ kim. Hãng tin này dẫn lời một nguồn tin của Chính phủ Pháp cho hay họ hy vọng thỏa thuận tạm thời sẽ được ký kết trước sự chứng kiến của ông Dũng vào ngày 25/9. Tuy nhiên một nguồn tin thân cận với Viet Jet Air nói với Reuters rằng họ đang cần thêm thời gian để đàm phán. Thỏa thuận này dự kiến sẽ mua về cho Viet Jet Air từ 92 cho đến 100 chiếc A320 hay A321. Về phần mình, Airbus đã từ chối bình luận về thương vụ này.
|