COC giải quyết tranh chấp Biển Đông? Asean muốn tìm thống nhất về tranh chấp Biển Đông, nhưng bên trong cũng còn khác biệt Asean và Trung Quốc lần đầu tiên đã tiến hành “tham vấn chính thức” ở cấp quan chức cao cấp về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cuộc họp diễn ra trong hai ngày 14 và 15/9 tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nói Trung Quốc không mặn mà với một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc, mặc dù cũng đã ký kết với Asean bản Tuyên bố DOC năm 2002. ‘Tuần tự tiệm tiến’Sau khi hội nghị kết thúc, Trung Quốc nói cuộc thảo luận diễn ra “bổ ích”. Theo phía Bắc Kinh, các bên đồng ý làm theo ý tưởng "tuần tự tiệm tiến, hiệp thương nhất trí, bắt đầu từ nhận thức chung, từng bước mở rộng nhận thức chung và thu nhỏ bất đồng”. Cuộc họp ở Tô Châu do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đồng chủ trì. Thứ trưởng Thái Lan tuyên bố các nước “đã có mục tiêu rõ ràng làm thế nào để tiến hành thương lượng Bộ quy tắc trong tương lai". Nhà ngoại giao Thái Lan nói thêm Asean và Trung Quốc “nhất trí” duy trì không khí tích cực cho tham vấn lần sau, dự kiến tổ chức ở Thái Lan đầu năm 2014. ‘Tiếp tục bàn bạc’ Asean và Trung Quốc cần phải tiếp tục thực hiện tốt DOC đi đôi với việc quyết tâm xây dựng COC, vì hòa bình, ổn định, theo bản tin trên trang web của Chính phủ Việt Nam. Người dẫn đầu đoàn Việt Nam tại Tô Châu, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, được dẫn lời nói “cần sớm có” COC, mang tính ràng buộc và quy định tổng thể các quy tắc, hành vi ứng xử của các bên. Một nước khác có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc, Philippines, thì thừa nhận không rõ khi nào các bên mới nhất trí về COC. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nói: “Tôi không rõ. Nhưng cũng là tin tốt lành khi nay nó đã chính thức có trong nghị trình.” “Trung Quốc hẳn phải nhận ra là cần có tiến bộ với COC vì Asean có sự đoàn kết và đồng thuận rất mạnh,” ông nói. Tuyên bố của các nước liên quan sau cuộc họp Tô Châu cho thấy vẫn chưa có đột phá về triển vọng thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Lo ngại về COC? Trung Quốc “đã thành công khi ép buộc và gây sức ép với các nước láng giềng nhờ to xác và quân đội mạnh hơn”. Theo tác giả, nếu COC có hiệu lực, đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ “không thể được chấp nhận”. Nhưng tác giả cũng cho rằng chẳng phải chỉ có Trung Quốc mới muốn trì hoãn về COC. Nếu bộ quy tắc ứng xử ra đời, toàn bộ các nước tranh chấp chính “sẽ phải biện minh hoặc rút ra khỏi các dự án có lợi ích chiến lược và kinh tế”.
Cây bút Deep Pal nhắc lại các dự án dầu khí của Việt Nam với Nga và Ấn Độ đã liên tục bị Trung Quốc phản đối mặc dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “COC cũng có thể gây ảnh hưởng đến hợp tác quân sự chớm nở giữa Mỹ và Việt Nam cũng như các quan hệ quân sự khác như khoản vay 100 triệu đôla mà Ấn Độ cho Việt Nam để mua tàu tuần tra trên vùng biển tranh chấp.” Philippines, mới đây vừa chào đón các tàu hải quân Mỹ trở lại sau hai thập niên, “cũng sẽ không chịu từ bỏ những thành quả ngoại giao gần đây”. Malaysia, tuy cũng đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, mới đây nói họ không lo như các nước khác khi Trung Quốc đưa tàu tuần tra vào vùng biển tranh chấp. Điều này chứng tỏ các nước trong Asean không hẳn thống nhất trong đối sách với Trung Quốc.
|