Thứ tư, 13/11/2013 14:39 GMT+7 Yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông bị cho là vẫn còn mù mờ và gây bất ổn trong khu vực, theo nhận định của một số học giả tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông vừa diễn ra tại Hà Nội. VnExpress đã trao đổi về các vấn đề ở Biển Đông với một số học giả bên lề hội thảo. Trung Quốc cũng mù mờ về đường 9 đoạn Giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt là về tuyên bố "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Qua các kỳ hội thảo về Biển Đông từ năm 2009, rất nhiều học giả trình bày những nghiên cứu về "đường lưỡi bò". "Các học giả ngoài Trung Quốc đều khẳng định cơ sở pháp lý của tuyên bố này rất yếu, Trung Quốc không thể dựa vào đó để yêu sách các quyền và đòi hỏi các vùng nước trên Biển Đông", giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nói. Ông Beckham cũng chỉ ra rằng chính các quan chức và học giả Trung Quốc cũng rất bối rối và mù mờ vì không thể định nghĩa rõ tuyên bố của mình là bao gồm toàn bộ vùng nước trong phạm vi đường 9 đoạn hay vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo trong phạm vi này. Sơ đồ đường yêu sách 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông, điều mà các nước liên quan đều không công nhận do không có cơ sở pháp lý nào. Đồng quan điểm với ông Beckman, tiến sĩ Wilfrido Villacorta, cựu Đại sứ Philippines tại ASEAN, giáo sư danh sự Đại học De La Salle, cho rằng các quan chức và học giả Trung Quốc có những lý giải khác nhau và không chắc chắn rằng đây là đường biên giới hay là yêu sách chủ quyền, trong khi Philippines luôn vẽ đường liền đoạn, mang tính chắc chắn về tuyên bố chủ quyền của mình. Philippines đã đệ trình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế, để yêu cầu trọng tài làm rõ ý nghĩa của "đường lưỡi bò". "Đường 9 đoạn tạo ra sự bất ổn trong khu vực, vì không có cơ sở pháp lý. Nó không chỉ chồng lấn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, mà trùng với cả Indonesia. 'Đường lưỡi bò' cũng không chỉ ảnh hưởng tới các quốc gia ven biển mà còn cả các quốc gia khác như Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia bởi nó gây mất ổn định trong khu vực, gây gián đoạn tuyến đường hàng hải và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Đông Nam Á và các quốc gia khác phụ thuộc vào tuyến đường trên Biển Đông", ông Villacorta nhận định. Học giả Trung Quốc, Giáo sư Vương Đống, Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, thì nhận định vấn đề Biển Đông là vấn đề lớn, có tính chất phức tạp, nhiều thách thức, nhưng không phải là tất cả trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực. "Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn có rất nhiều điểm thống nhất. Lãnh đạo các bên vẫn có những chuyến thăm cấp cao, đạt được sự thống nhất trên nhiều vấn đề. Có đến 9 trên 10 điểm đã đạt được thống nhất, chỉ có một điểm bất đồng, vì vậy các bên cũng nên lạc quan và không làm căng thẳng vấn đề chưa thống nhất này", ông Vương nói. Giáo sư Vương cho biết, Trung Quốc "hy vọng các bên có thái độ tích cực và hợp tác thay vì chia rẽ dẫn đến xung đột. Trung Quốc cũng ủng hộ nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông mà Indonesia đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi năm ngoái". "Trung Quốc cũng rất coi trọng DOC và COC, nhưng việc đàm phán COC cần nhìn nhận vào thực tế là không dễ dàng, không phải chuyện ngày một ngày hai, không thể ấn định sang năm là đạt được đồng thuận mà phải đợi các bên thật thoải mái, không ép buộc. Không nên nói năm sau không đạt được đồng thuận là Trung Quốc không có thành ý", đại biểu Trung Quốc nói. Lạc quan về COC Các đại biểu đến từ Australia, Singapore, Phillippines, Trung Quốc... tỏ ra lạc quan khi Trung Quốc tích cực hơn trong quá trình đàm phán và tham vấn để tiến tới thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định tình hình chung tại Biển Đông trong thời gian qua đi theo ba xu hướng. Đầu tiên là ASEAN đã phục hồi sự đoàn kết chính trị và thống nhất được tiếng nói chung của khối với COC. Thứ hai là Trung Quốc đã có những bước đi mới, đồng ý tham vấn và đàm phán với ASEAN về COC và thúc đẩy hợp tác trên biển từ sau cuộc họp tại Tô Châu, Trung Quốc. Xu hướng thứ ba là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế và những tranh cãi giữa hai nước này trở thành chủ đề mà nhiều nước quan tâm. Về COC, học giả Beckman khẳng định tầm quan trọng của bộ quy tắc này bởi nó tạo ra khuôn khổ pháp lý để các bên điều hòa tranh chấp cũng như hợp tác để bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ tài nguyên... Đây là khuôn khổ pháp lý dùng chung cho các nước ASEAN và Trung Quốc. "Đây sẽ là bộ quy tắc có tính ràng buộc cao về những hành động được phép và không được phép, sẽ giúp các bên kiềm chế không để xảy ra xung đột trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trước đó, Tuyên bố của các bên ứng xử trên Biển Đông (DOC) không có tính ràng buộc về pháp luật do đó không có đủ sức mạnh để kiềm chế khả năng xung đột tại Biển Đông trong thời gian qua", ông Beckman nói. Theo giáo sư Beckman, quá trình đàm phán đã bắt đầu và có những tiến triển. Ông hy vọng trong quá trình này các quốc gia sẽ đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc cơ bản cũng như các nguyên tắc của COC, trong đó có nguyên tắc ràng buộc về pháp lý. Tiến sĩ Villacorta nhận định việc thảo luận COC là một quá trình dài và phức tạp, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy những đồng thuận tích cực để tiếp cận một Bộ luật về Quy tắc ứng xử. "Về phía Trung Quốc, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông nhận được nhiều ý kiến trong nước kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ với các nước láng giềng. Chúng ta hy vọng Trung Quốc thực sự thực hiện chính sách này thông qua việc ký kết bộ luật ứng xử, để tạo khuôn khổ cho việc hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia xung quanh", ông Villacorta nói. Vụ kiện Philippines-Trung Quốc
Tiến sĩ Wilfrido Villacorta, cựu Đại sứ Philippines tại ASEAN. Ảnh: Siis Đại biểu Philippines Villacorta khẳng định nước này vẫn luôn giữ thái độ và lập trường như cũ trước việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đường 9 đoạn và quyết tâm theo đuổi vụ kiện. "Như đã nói, đường 9 đoạn không chỉ ảnh hưởng đến Philippines mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia khác, do đó, khi khởi kiện, Philippines không chỉ suy nghĩ cho bản thân mình mà cho toàn bộ khu vực cũng như toàn thế giới. Vì thế chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ cho vấn đề này", cựu đại sứ Philippines tại ASEAN nhấn mạnh. Về tuyên bố gần đây của Tổng thống Philippines về những khối bê tông đổ xuống bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, ông Villacorta cho biết sau khi nhận thấy đây không phải là do Trung Quốc mới mở rộng việc đóng chiếm trên bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham, Philippines sẵn sàng rút lại và làm rõ các tuyên bố trước đây. Đây là một hành động thẳng thắn và trung thực, minh bạch về thông tin. "Khi chúng tôi phát hiện ra những thông tin và bằng chứng mới, chúng tôi có nghĩa vụ phải thông tin đến người dân và cộng đồng quốc tế để xây dựng lòng tin và sự trung thực, vốn là rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đây chỉ là sự đính chính thông tin của tổng thống, còn chúng tôi không thay đổi quan điểm và vẫn rất quyết tâm theo đuổi vụ kiện tại cơ quan Trọng tài Quốc tế", ông Villacorta nói. Đại biểu Philippines cũng đánh giá cao và chuyển lời cảm ơn tới Việt Nam "vì Việt Nam là một thành viên rất tích cực trong ASEAN, chủ động trong việc thực thi và phát huy vai trò lãnh đạo của mình để thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực". Tương lai Đánh giá về những triển vọng trong tương lai, giáo sư Beckman nhấn mạnh về trách nhiệm xây dựng lòng tin ở tất cả các bên, để hướng đến giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông, có thể là tạm thời gác lại các tranh chấp để hợp tác bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn... "Để đạt được điều này cần dựa vào mong muốn chính trị cũng như mức độ lòng tin. Chúng ta đã chứng kiến sự đổ vỡ lòng tin trong thời gian vừa qua nhưng cũng nhận thấy những dấu hiệu của lòng tin quay trở lại, trong đó mô hình đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về Vịnh Bắc Bộ là một ví dụ, có thể cho các bên học hỏi", ông Beckman nói. Giáo sư Thayer của Australia cũng đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những bước tiến tích cực, số vụ việc liên quan đến Biển Đông trong năm nay đã giảm đáng kể. Việc hợp tác khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ cũng là một đột phá và tạo tiền đề cho các bước tiến trong tương lai, mặc dù tiến độ khá khiêm tốn. Các học giả đều bày tỏ hy vọng về việc ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đạt được COC và dựa vào cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, họ cũng đánh giá đây là một giải pháp lâu dài và cũng sẽ gặp rất nhiều cản trở, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên có tranh chấp cũng như các nước bên ngoài. Vũ Hà
|