'Khi người Nga trở lại Cam Ranh'

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    'Khi người Nga trở lại Cam Ranh'
    Cập nhật: 05:42 GMT - thứ ba, 19 tháng 11, 2013




    Tổng thống Putin vừa thăm Việt Nam ngày 12/11

    Với các hợp đồng cung cấp vũ khí, khí tài và chuyển giao công nghệ quốc phòng khổng lồ, Nga đang ở vị trí không thể cạnh tranh về hợp tác quân sự với Việt Nam.

    Báo Nga những ngày qua tập trung sự chú ý khá lớn tới việc Nga và Việt Nam ký kết Hiệp định giữa hai chính phủ về hợp tác quốc phòng trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà Nội.

    Tuy nội dung hiệp định này chưa được công bố chính thức, các nguồn tin ở Nga cho rằng trong đó có việc thiết lập cơ sở kỹ thuật phục vụ hải quân ở Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa.

    Việt Nam và Nga trong chuyến đi của ông Putin tuyên bố "ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự không ngừng phát triển và có độ tin cậy cao" giữa hai bên.

    Một trong những tờ báo lớn nhất của Nga, tờ Nezavisimaya Gazeta, vừa có bài của bình luận viên về quốc phòng Vladimir Mukhin dưới tựa đề: "Cam Ranh đổi lấy liên minh thương mại và tàu ngầm".

    Tác giả bài viết nhận định rằng quan hệ giữa hai quốc gia sẽ được đẩy mạnh trước hết thông qua hợp tác quân sự và kỹ thuật.

    Trở lại Cam Ranh?
    Chuyên gia Mukhin viết: "Trong những năm tới, hải quân Nga sẽ quay lại cảng Cam Ranh. Theo kế hoạch một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần và kỹ thuật sẽ được thiết lập tại đó trước cuối năm 2014".

    Ông Mukhin đánh giá đây là một trong những kết quả quan trọng về mặt địa chính trị của chuyến đi Việt Nam của ông Putin.

    Các nguồn tin nói rằng tại trung tâm này, các chuyên gia của Nga sẽ sửa chữa và tiếp vận tàu của hải quân Nga trên đường từ căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đi Vịnh Aden.

    Chi tiết này hiện chưa được ký kết nhưng phía Nga cho đây chỉ là thủ tục.

    Thông thường báo chí Nga hay được cung cấp tin để đưa trước về những vụ việc mà Nga muốn vận động.

    Hải quân Liên Xô đã từng lập căn cứ ở Cam Ranh từ 1979 tới 2001, sử dụng một diện tích khoảng 100 cây số vuông miễn phí trong thời gian đó.

    Tuy nhiên năm 1998 chính phủ Việt Nam bắt đầu có ý định đòi tiền thuê đất 300 triệu đôla/năm nhưng Nga từ chối.


    Quan hệ quốc phòng Nga-Việt đang được củng cố
    Thượng tướng Leonid Ivashov, người từng lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc phòng của Nga trong một thời gian dài và trực tiếp tham gia đàm phán về Cam Ranh những năm 1998-2000, cho báo Nezavisimaya biết rằng Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga lúc đó là Anatoliy Kvashnin đã tích cực ảnh hưởng tới quyết định rút hải quân khỏi Việt Nam.

    "Quyết định đó sau bị cho là sai lầm, nhưng ̣đã quá trễ."

    Theo tờ báo này, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ từng đề xuất thuê lại căn cứ Cam Ranh với giá 500 triệu đôla/năm nhưng Việt Nam đã quyết định sẽ không cho nước ngoài vào đây.

    "Tuy nhiên thời thế đã thay đổi. Để thể hiện thiện chí, Hà Nội nay thuận cho Nga lập cơ sở hậu cần và kỹ thuật ở Cam Ranh, tuy chưa rõ giá thuê là bao nhiêu," theo bài báo.

    Tác giả bài viết cũng hé lộ là trong khi hợp đồng bán sáu tàu ngầm hạng Kilo cho Việt Nam trị giá 2 tỷ đôla, trị giá của việc xây dựng hạ tầng cơ sở căn cứ tàu ngầm và chuyển giao công nghệ vận hành sẽ thêm 2 tỷ đôla nữa.

    Tháng Bảy 2013 một công ty của Nga mang tên Avrora đã cung cấp hệ thống mô phỏng toàn diện tàu ngầm cho trung tâm huấn luyện thủy thủ tại Cam Ranh.

    Sẽ không có quốc gia nào có thể cạnh tranh với Nga trong quan hệ quốc phòng với Việt Nam, tác giả Mukhin nhận xét.

    Những năm vừa qua, Việt Nam mua của Nga 32 chiến đấu cơ Su-30MK2, 12 chiến hạm tên lửa Molniya, bốn tuần dương hạm Gepard, nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-300PMU1, một hệ thống hỏa tiễn di động bờ biển Bastion có trang bị tên lửa Yakhont siêu âm tự động và các loại vũ khí khác.

    Giới chuyên gia Tây phương cho rằng trong thời kỳ 2011-2014 Nga chiếm tới 97% lượng vũ khí nhập vào Việt Nam (tăng từ con số 87,4% trong khoảng 2003-2010).



    Posted by bbc on November 19, 2013 at 02:42:18:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]