Tàu Liêu Ninh vào Biển Đông, nỗi nghi kỵ của người Việt

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Tàu Liêu Ninh vào Biển Đông, nỗi nghi kỵ của người Việt
    Kính Hòa, phóng viên RFA
    2013-11-27

    Tàu sân bay của Trung Quốc Liêu Ninh neo tại một cảng ở thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc ngày 07 tháng 10 năm 2012.

    Những động thái có liên quan đến quân sự của Trung quốc gây nên phản ứng của nhiều quốc gia láng giềng, không loại trừ Việt Nam, nước có quá khứ đầy gai góc với phương Bắc. Kính Hòa trình bày sau đây.

    Răn đe Đông Nam Á?

    Ngày 26/11 hàng không mẫu hạm mang tên Liêu Ninh của Trung quốc rời cảng Thanh Đảo, căn cứ hải quân ở vùng Đông Bắc Trung quốc để cùng bốn chiến hạm khác xuống phương Nam, tiến vào vùng biển Đông, và theo các quan chức hải quân Trung quốc thì việc này là hoạt động thường kỳ, và kèm theo sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, diễn tập quân sự.

    Nhưng đây là lần đầu tiên chiếc tàu, vốn được tân trang lại từ một hàng không mẩu hạm của Ukraine, tiến vào vùng biển có nhiều tranh chấp lãnh hải, và là vùng biển có hoạt động hàng hải sôi nổi nhất thế giới. Một vài tờ báo của các quốc gia trong vùng như Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, và xa hơn một chút là Ấn Độ đều đưa tin này trích nguồn từ các hãng thông tấn nhưng không bình luận gì thêm.

    Tại Việt Nam, một số báo như Thanh Niên, VNexpress cũng đưa tin này, kèm thêm nhiều chi tiết kỹ thuật về các con tàu.

    “ Có hai chuyện, chuyện thứ nhất là diễu võ dương oai, là cái chuyện mà từ trước tới nay họ vẫn làm, cái thứ hai là bây giờ họ chẳng nắn gân nữa, mà họ làm cho Việt Nam khiếp sợ, xem như là họ đi vào biển Đông cho thế giới thấy là như đi vào biển nhà của họ, mà Việt Nam chẳng phản ứng gì

    Ông Phạm Đình Trọng
    ”Lời bình luận duy nhất trong tất cả các cột báo trên có lẽ là của ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Hòa bình, bạo lực và Khủng bố của Philippines, Ông cho rằng còn lâu để chiếc tàu Liêu Ninh này trở thành một đe dọa thật sự, rằng ông không thể quan ngại nhiều về chuyện liên quan đến một chiếc tàu cũ chạy bằng dầu như thế.

    Chúng tôi hỏi chuyện các nhân sĩ trí thức trong nước quan tâm về chính trị của Việt Nam về động thái này của Trung quốc, ông Phạm Đình Trọng, cựu Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam nói,

    “Có hai chuyện, chuyện thứ nhất là diễu võ dương oai, là cái chuyện mà từ trước tới nay họ vẫn làm, cái thứ hai là bây giờ họ chẳng nắn gân nữa, mà họ làm cho Việt Nam khiếp sợ, xem như là họ đi vào biển Đông cho thế giới thấy là như đi vào biển nhà của họ, mà Việt Nam chẳng phản ứng gì.”


    Tàu Liêu Ninh được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Tàu có thể mang được 26 chiến đấu cơ J-15, 18 trực thăng ASW/SAR Helo (Ka-27) và 4 trực thăng AEW Helo


    Khi được đề cập đến nhận định của ông Rommel Banlaoi rằng Liêu Ninh thực sự không phải là một đe dọa, Đại tá Phạm Đình Trọng nói tiếp,

    “Họ không mạnh như Mỹ, so với các quốc gia có tiềm lực quân sự, nhưng so với các nước trong khu vực biển Đông thì họ vẫn phải làm các nước ấy dè chừng. Tất nhiên là cái hàng không mẫu hạm của Trung quốc không có tính năng thực sự của một hàng không mẫu hạm như của Mỹ, nhưng họ cũng mang ra để răn đe, diễu võ dương oai, thách thức các nước nhỏ bé ở biển Đông và Đông Nam Á.”

    “ Tất nhiên là cái hàng không mẫu hạm của TQ không có tính năng thực sự của một hàng không mẫu hạm như của Mỹ, nhưng họ cũng mang ra để răn đe, diễu võ dương oai, thách thức các nước nhỏ bé ở biển Đông và ĐNÁ

    Ông Phạm Đình Trọng
    ”Động thái tàu sân bay này của Trung quốc xảy ra chỉ sau mấy ngày của cái gọi là Vùng phòng không của Trung quốc làm cho các quốc gia bị Vùng phòng không ấy va chạm vào như Hàn quốc và Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ. Ngay lúc chúng tôi đang viết những dòng này thì nước Úc xa xôi cũng đã triệu tập Đại sứ Trung quốc về hình thức xác định chủ quyền trên trời ấy.

    Ai cũng biết rằng tàu Liêu Ninh được đầu tư để khởi đầu một tham vọng Đại dương của Trung quốc nhằm thống lĩnh mặt biển của địa cầu, chứ nó không chỉ đơn giản là nhằm vào một khu vực địa phương, dù là quan trọng, như biển Đông. Nhưng đối với người Việt Nam thì dường như tất cả các động thái của Trung quốc trong khu vực đều là nhằm vào chính Việt Nam. Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến hiện đang cư ngụ ở Đà Lạt, nói với chúng tôi,

    “Cái chuyện xâm lược của Trung quốc thì họ cứ làm như sự đã rồi, hai bên cứ cãi nhau lằng nhằng, nhưng họ cứ như tằm ăn dâu thôi.

    Tôi nghĩ rằng họ dọa Việt Nam mình là chính thôi, chứ đối với các nước khác thì hành động đó không có ý nghĩa. Chứ tôi không nghĩ rằng nó dằn mặt với Mỹ nào cả.”

    Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm

    Chiếc tàu Liêu Ninh này của Trung quốc lại đến vùng biển nóng Đông Nam Á chỉ vài ngày sau khi chiếc hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa kỳ cũng đến vùng này trong một sứ mạng nhân đạo là cứu giúp nước Philippines sau sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Hải Yến. Nhiều người cũng cho rằng, chiến dịch cứu trợ nhân đạo này càng củng cố tư thế của Hoa kỳ trong chính sách chuyển trục sang châu Á của họ đã bắt đầu mấy năm nay. Khi được hỏi là phải chăng sự kiện Liêu Ninh có nhằm vào sự hiện diện của Mỹ trong chiến dịch nhân đạo ở Đông Nam Á hay không, Đại tá Phạm Đình Trọng nói,

    “Tôi cho rằng việc đó là kế hoạch xuyên suốt của Trung quốc chứ không phải chỉ vì cơn bão Hải Yến kéo theo sự hiện diện của Hoa Kỳ. Chương trình thôn tính biển Đông, răn đe các nước Đông nam Á vẫn là cái chương trình xuyên suốt của họ.”

    “ Tôi nghĩ rằng trong cái sự cân bằng ở Á Đông này thì Ấn độ có vai trò, và họ cũng đề kháng với Trung quốc, thế cho nên quan hệ của mình mà tốt với Ấn độ thì tôi cho rằng là một điều rất tốt

    Ông Hà Sĩ Phu
    ”Đối với những người quan tâm đến thế sự của Việt Nam thì sự việc Liêu Ninh lại xảy ra sau khi người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng sang thăm Ấn Độ và lên tiếng mời gọi nước này vào khai thác dầu khí tại biển Đông, điều mà Trung quốc không hề ưa thích. Nhưng nó lại được các nhân sĩ trí thức Việt Nam ưa thích. Ông Hà Sĩ Phu, dù là một nhà bất đồng chính kiến với chính phủ hiện tại ở Việt nam cũng lên tiếng ủng hộ chuyến đi của ông Trọng,

    “Tôi nghĩ rằng trong cái sự cân bằng ở Á Đông này thì Ấn độ có vai trò, và họ cũng đề kháng với Trung quốc, thế cho nên quan hệ của mình mà tốt với Ấn độ thì tôi cho rằng là một điều rất tốt.”

    Thậm chí Đại tá Pham Đình Trọng còn cho rằng động thái Liêu Ninh của Trung quốc có liên quan đến cuộc gặp gỡ Việt Ấn,

    “Ông Nguyễn Phú Trọng đi Ấn độ thì có hai chuyện, thứ nhất là mời gọi Ấn độ vào khai thác dầu khí ở biển Đông, còn thứ hai là huấn luyện quân sự, thế nên Trung quốc họ đi trước một bước, họ thách thức, coi biển Đông như cái ao nhà của họ.”

    Sau cơn bão Thiên niên kỷ Hải Yến, rõ ràng là chiến lược sức mạnh mềm của trung quốc bị thách thức nặng nề. Nay có vẻ Trung quốc lại tự tin hơn vào sức mạnh cứng của mình, bởi hai động thái liên tục là Vùng phòng không và tàu Liêu Ninh.

    Nhiều người Việt nam biết rằng cách đây mấy thế kỷ Đô đốc Trịnh Hòa đã cùng hạm thuyền của mình hạ Nam dương, mang lại quyền uy cho triều đại nhà Minh. Mà triều Minh lại gắn liền với một trang lịch sử bi thương của người Việt nam.

    Vài trăm năm sau, Trung quốc lại là nạn nhân của chính sách ngoại giao pháo hạm của các cường quốc hải dương phương tây, mà cho đến bây giờ chưa chắc vết thương của cuộc chiến nha phiến năm xưa đã lành. Nay không biết việc Liêu Ninh hạ phương Nam có lấy nguồn cảm hứng từ đô đốc Trịnh Hòa hay chăng, nhưng chắc một điều là sự nghi kỵ ở quốc gia láng giềng ngay sát biên giới phía Nam của Trung quốc chỉ có tăng lên mà thôi.



    Posted by RFA on November 27, 2013 at 10:46:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]