Hình thức khẳng định chủ quyền nguy hiểm mới của Trung Quốc trên Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Tư, 04/12/2013 - 09:23
    Hình thức khẳng định chủ quyền nguy hiểm mới của Trung Quốc trên Biển Đông

    Trung Quốc đang áp dụng một hình thức mới nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Đó là tuyên bố sở hữu những xác tàu đắm dưới đáy vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phi pháp do Bắc Kinh tự vẽ ra để “nhận vơ” chủ quyền với hầu hết Biển Đông.

    Tàu khảo cổ Sarangani của Philippines phối hợp với một nhóm các nhà khảo cổ Pháp đã bị Trung Quốc ngăn không cho tiếp cận bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012
    Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), Trung Quốc đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát biển ngăn chặn điều mà họ gọi là hoạt động khảo cổ bất hợp pháp trong vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Các nhà khảo cổ của Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện những địa điểm tàu đắm dưới đáy Biển Ðông, bao gồm những khu vực đang tranh chấp.

    Trong những năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hơn 100 nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu. Giới chức Trung Quốc nói nỗ lực của họ là để ngăn chặn nạn cướp bóc cổ vật của Trung Quốc vốn tràn ngập thị trường thế giới.

    Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tài trợ cho các dự án chung trong vùng biển của các nước khác, tập trung chủ yếu vào việc xác định vị trí xác các tàu liên quan để các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hòa – nhà hàng hải nổi tiếng nhất của Trung Quốc thời cổ đại. Năm ngoái, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã sử dụng sóng siêu âm để xác định 5 xác tàu mà họ tin là một phần hạm đội của Trịnh Hòa ở Vịnh Oman và eo biển Hormuz, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

    Một lý do khiến chính quyền Bắc Kinh rất quan tâm đến việc đi tìm những di sản liên quan đến các chuyến hải trình của Trịnh Hòa bởi Trung Quốc vốn dựng lên một câu chuyện mà đến nay vẫn chưa làm cách nào sáng tỏ được rằng, trong chuyến đi sứ thứ tư đến Tây Dương (1413-1415), Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa đã đánh chiếm Chiêm Thành trên lục địa và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông vào năm 1413.

    Bản sao một tàu chở châu báu của Trịnh Hòa 600 năm trước được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nam Kinh
    Các chuyên gia quốc tế cho biết, họ hoan nghênh việc Trung Quốc đầu tư và hoạt động khảo cổ dưới nước. Tuy nhiên, một số người tỏ ra quan ngại về ý đồ chính trị của Trung Quốc trong việc lựa chọn địa điểm khảo cổ, không cho các nhà khảo cổ nước ngoài tham gia cũng như không mấy minh bạch về hoạt động nghiên cứu của mình.

    “Có cảm giác mạnh mẽ rằng chủ nghĩa dân tộc là yếu tố chi phối các chương trình khảo cổ của Trung Quốc”, Jeffrey L. Adams, một nhà nhân chủng học tại Đại học Minnesota, từng có công trình nghiên cứu về khảo cổ học Trung Quốc nhận xét.

    Những quan ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi Li Xiaoje, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc từng tuyên bố hồi tháng 9/2012 rằng: “Khảo cổ học hàng hải là một sự thi hành chủ quyền quốc gia”. Bắc Kinh cũng không ngại ngần cho biết, trong năm nay hoặc năm tới, họ sẽ tiến hành điều tra, khảo cổ ở các khu vực tranh chấp khác.

    Mặc dù giới khảo cổ quốc tế đồng ý rằng tàu do Trung Quốc đóng và hàng hóa Trung quốc chiếm phần nhiều địa điểm khảo cổ ở Biển Ðông vì hoạt động buôn bán quốc tế đồ sứ và tơ lụa của Trung Quốc.

    Tuy nhiên, nhiều xác tàu đắm mà Trung Quốc tuyên bố là của mình cách rất xa đất liền Trung Quốc, quanh những rạn san hô và bãi đá ngoài khơi các nước như Malaysia, Brunei và Philippines. Hơn nữa, tàu thuyền thường đi sát những nơi này để tránh thời tiết xấu.

    Ngay cả nếu như xác tàu không nằm trong vùng biển tranh chấp, việc xác định nguồn gốc sở hữu con tàu thường phức tạp vì chủ tàu, hàng hóa và thủy thủ đoàn đều có thể xuất thân từ những nước khác nhau.

    Từ tháng 3 năm 2012, chính phủ Trung Quốc bắt đầu tiến hành trấn áp hoạt động trục vớt và khảo cổ mà họ xem “bất hợp pháp.”

    Một tháng sau đó, Trung Quốc xua đuổi một nhóm nhà khảo cổ của Pháp và Phililippines đang hợp tác khảo sát xác tàu đắm ở bãi cạn Scarborough. Ðó cũng là thời điểm Trung Quốc và Philippines đối đầu căng thẳng sau khi tàu hải quân của Philippines bắt giữ 8 ngư dân Trung Quốc gần bãi cạn này.

    Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Ðông từ việc in ấn bản đồ, tem thư khẳng định chủ quyền phi pháp cho tới những hoạt động như khai thác dầu khí, đơn phương thành lập bất hợp pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa”, hay điều tàu chiến đến vùng biển tranh chấp.

    Theo Minh Châu
    Petrotimes


    Posted by dantri.com.vn on December 04, 2013 at 09:01:03:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]