Quan hệ Nga-Việt và liên hệ Bắc Kinh Ông Putin đã nhiều lần thăm Việt Nam kể từ năm 2001
Nó cũng diễn ra khi các nước châu Âu muốn bớt lệ thuộc Nga hơn về năng lượng và Moscow đang tìm các thị trường thay thế. Hơn nữa Nga, nước có hơn 70% lãnh thổ nằm ở châu Á, cũng muốn có những quan hệ để có thể gây sức ép với Bắc Kinh do giới lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ với các nước Trung Á trong phạm vi gây ảnh hưởng của nước Nga. Stratfor đánh giá quan hệ của Nga với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là quan trọng về chiến lược nhưng không phải là những mối quan hệ "không thể thiếu". Quan hệ với Hà Nội vừa giúp Nga đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng và kiềm chế bước tiến của Trung Quốc ở trung Á. Lịch sử quan hệ Từ lâu Việt Nam đã là đối tác gần gũi nhất của Nga ở châu Á, nhất là trong các giai đoạn mà cả hai nước phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước đó, người lập ra nước Việt Nam hiện đại, lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã làm việc cho Quốc tế Cộng sản ở Nga hồi năm 1923 trước khi tới Trung Quốc để chỉ đạo cách mạng. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp và trí thức Việt Nam hiện nay từng được đào tạo ở Nga. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 khi Liên Xô tiến hành các khảo sát địa chất ở Bắc Việt Nam. Tới năm 1981, liên doanh dầu khí giữa Liên Xô và Việt Nam, Vietsovpetro, trở thành công ty dầu đầu tiên ở Việt Nam. Về mặt quan hệ quốc phòng, Nga cũng có lịch sử trợ giúp Hà Nội và trở thành mạnh thường quân chính của Bắc Việt Nam hồi năm 1965 khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội rạn nứt khiến Trung Quốc rút toàn bộ viện trợ vào năm 1968. Liên Xô cũng lập căn cứ hải quân ở Cam Ranh hồi năm 1979 sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam và ủng hộ Khmer Đỏ ở Campuchia. Quan tâm trở lại Ông Putin tiếp tục trở lại Việt Nam trong năm 2006 và trong chuyến thăm mới nhất hồi tháng 11 năm nay, hai bên đã ký một loạt các hiệp định hợp tác về năng lượng và quốc phòng. Trong năm 2012, hai nước cũng nâng cấp quan hệ lên mức chiến lược. Trang tin Stratfor đánh giá ngoài việc thiết lập thị trường để xuất khẩu năng lượng của Nga, việc tăng cường quan hệ với Hà Nội cũng giúp cho Moscow cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại phía nam của Nga. Nga bán cho Việt Nam sáu tàu ngầm hạng kilo và huấn luyện cho hải quân Việt Nam
Quan hệ quốc phòng Nga Việt sẽ giúp Hà Nội tăng khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng. Về mặt năng lượng, mức tiêu thụ dầu của Việt Nam đã tăng từ 176.000 thùng mỗi ngày hồi năm 2000 tới 388.000 thùng một ngày trong năm ngoái. Nhu cầu khí đốt tự nhiên cũng ước tính sẽ lên tới ba tỷ mét khối một năm vào năm 2015 và 15 tỷ mét khối vào năm 2025. Năng lượng và tranh chấp Công ty năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom hiện có 49% cổ phần trong nhà máy lọc dầu Dung Quất và được hợp đồng tăng sản lượng của nhà máy lọc dầu duy nhất này lên 200.000 thùng mỗi ngày vào năm 2015, tăng 50% so với mức hiện nay. Hãng quốc doanh Gazprom cũng được hợp đồng cung cấp dầu cho nhà máy thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương của Nga với mức ban đầu 60.000 thùng mỗi ngày và tăng lên 120.000 thùng một ngày vào năm 2018. Các công ty Nga có thể tham gia khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp giữa VN và TQ
Rosneft cũng còn có một cổ phần nhỏ trong một lô dầu ngoài khơi Việt Nam và bày tỏ quan tâm tới một lô khác trong vùng Biển Đông mà Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc. Stratfor nhận định bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển đông là cơ hội cho Moscow vì họ có thể dùng quan hệ với Việt Nam để đàm phán nhằm làm chậm bước tiến của Trung Quốc vào vùng giáp ranh với Nga ở Trung Á.
|