Thế giớiThứ Tư, 25/12/2013 - 15:10 Sau khi thông báo thành lập cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã nhiều lần úp mở khả năng thiết lập vùng phòng không tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lập thêm vùng phòng không tại Biển Đông không phải là một công việc dễ dàng. Biển Đông là vùng biển chiến lược mà Trung Quốc thèm muốn. Đây là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc phá thế bao vây do Mỹ và đồng minh đang tạo nên với nước này Thứ nhất, Trung Quốc chưa đủ khả năng, năng lực quốc phòng để xác lập thêm một vùng nhận dạng phòng không "hoàn chỉnh". Các chuyên gia quân sự cho rằng, để duy trì một vùng ADIZ hoàn chỉnh phải có nhiều yếu tố như: năng lực phòng không mạnh, hệ thống radar cảnh báo và nhận diện từ xa hiện đại, hệ thống chỉ huy phòng không đồng bộ... Thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa thể cùng một lúc xác lập hai vùng ADIZ khác nhau tại Biển Đông và biển Hoa Đông bởi chưa đủ lực. Hiện tại, nếu như Nhật Bản có 28 căn cứ giám sát bằng radar chính xác cường độ mạnh, còn Mỹ có 178 trạm và nhiều sự hỗ trợ của các loại máy bay cảnh báo sớm khác thì tại khu vực phía Nam, Trung Quốc chỉ mới triển khai được một số căn cứ máy bay chiến đấu chiến thuật chứ chưa nói tới hệ thống radar cảnh báo và nhận diện từ xa. Thực tế cho thấy, mặc dù Bắc Kinh nói cứng trong việc có khả năng kiểm soát tất cả các máy bay trong vùng ADIZ vừa thiết lập nhưng lại không thể phát hiện B52 của Mỹ hoạt động sâu trong vùng này gần 2 giờ đồng hồ. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đang quá phô trương năng lực kiểm soát trên không của mình trong khi thực tế lại không như vậy. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Biển Đông cũng như thế bố trí lực lượng phòng không hiện nay của Trung Quốc tại phía Nam cũng không cho phép Bắc Kinh triển khai ADIZ. Thứ hai, mối quan hệ thương mại với ASEAN ngày càng trở lên gắn bó hơn cũng khiến Trung Quốc không dám mạo hiểm thiết lập vùng ADIZ do sợ làm mất lòng các nước ASEAN. Một khi thiết lập ADIZ tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của nhiều nước, ngay cả những nước không có tranh chấp. Điều này vô hình trung sẽ khiến Bắc Kinh tự “mua dây buộc mình”. Thống kê cho thấy, sự tăng trưởng quan hệ thương mại song phương nhanh chóng thời gian qua chứng tỏ cả Trung Quốc và ASEAN đều mong muốn tăng cường hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng trưởng nhanh, mạnh, đạt tốc độ bình quân 22%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt hơn 400 tỷ USD trong năm 2012, tăng gần gấp 6 lần so mười năm trước, tạo đà chắc chắn để hai bên thực hiện mục tiêu nâng mức trao đổi thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2015. Trong nửa đầu năm 2013, mức trao đổi kim ngạch thương mại song phương đạt 210,56 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Chính những lợi ích kinh tế to lớn trên khiến Bắc Kinh không dám vội vã trước các quyết sách chiến lược. Thứ ba, tình hình tranh chấp ở Biển Đông chưa cẳng thẳng đến mức phải xác lập vùng ADIZ và Bắc Kinh cũng đang tự tin trước khả năng kiểm soát tình hình hiện tại tại khu vực này. So với tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông nơi Hải quân Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới thì tại Biển Đông, Hải quân Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều so với các nước ASEAN. Trong khi đó, mặc dù tồn tại tranh chấp với nhiều quốc gia song với chủ trương "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" đang tỏ ra hiệu quả thì Trung Quốc muốn tận dụng môi trường hiện tại nhiều hơn để tranh thủ khai thác các tiềm năng kinh tế. Thứ tư, nếu Trung Quốc thiết lập vùng ADIZ tại Biển Đông. Vô hình trung, đây sẽ là cái cớ giúp Mỹ, Nhật Bản có thể tập hợp lực lượng gia tăng khả năng, mức độ, không gian kiềm chế Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự nhận định, hiện nay môi trường phát triển chiến lược của Trung Quốc là hướng xuống phía Nam. Đây là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc phá thế bao vây do Mỹ và đồng minh đang tạo nên với nước này. Trong khi đó, với chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang muốn có thêm nhiều đồng minh hơn nữa nhằm tái cân bằng lực lượng tại khu vực. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những nghi ngờ trước chính sách này của Mỹ trong thời gian qua, song một điều không thể phủ nhận đó là việc hình ảnh của Mỹ đang được lòng các nước hơn so với Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc sai lầm chiến lược trong việc vội vã thiết lập vùng ADIZ tại Biển Đông thì sẽ là cơ hội tốt cho Mỹ và đồng minh lôi kéo các nước đang có lập trường trung lập nghiêng theo Mỹ. Đây thực sự là một điều Bắc Kinh không bao giờ muốn. Có thể nói, việc xác lập ADIZ ở Biển Đông là một canh bạc nguy hiểm. Trung Quốc muốn thông qua việc xác vùng ADIZ để khẳng định cái họ tự gọi là "chủ quyền" song nếu như Bắc Kinh vội vã và mắc sai lầm chiến lược thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn.
|