Cập nhật lúc 07:51, 29/12/2013 (Bình luận quân sự) - Năm 2013 là một năm nóng bỏng trong nhiều năm căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Trung. Thực hiện chiến lược duy trì và thống trị hải dương, các nhà chiến lược của Nhà Trắng và Lầu Năm góc đưa ra nhiều kịch bản cho cuộc xung đột Mỹ - Trung. Cuộc chiến hoàn toàn không đơn giản – cuộc chiến của hai cường quốc hạt nhân. Yếu tố then chốt thúc đẩy các chiến lược gia nghiên cứu các kịch bản chiến tranh là xung đột chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc xoay quanh quần đảo Senkaku. Cũng từ những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc mà Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng và tăng cường sự hiện diện của không quân trên vùng tranh chấp. Căn cứ không quân Shuimen ở Phúc Kiến, hoàn thiện năm 2012 là căn cứ của máy bay tiêm kích J-10, Su-30 và các UAV trinh sát khác nhau. Nhằm tăng cường lực lượng phòng không, trên căn cứ còn được triển khai các tổ hợp tên lửa S-300 nguyên bản nhập khẩu từ Nga. Đóng quân tại căn cứ Shuimen là lực lượng không quân yểm trợ hạm đội Đông Hải, hạm đội có 35 tàu trong đó có các khinh hạm Frigate dự án 054, 7 tàu ngầm trong đó có 4 tàu lớp Kilo của Nga, 8 tàu đổ bộ. Lực lượng không - hải hùng mạnh này nằm cách Senkaku 236 km đường biển. Mặc dù Mỹ không chính thức tuyên bố ủng hộ Nhật Bản về chủ quyền quần đảo, nhưng hoàn toàn để ngỏ khả năng yểm trợ theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật năm 1960. Có thể Mỹ không trực tiếp đưa lực lượng quân sự tham chiến những xung đột vũ trang quanh đảo nhỏ, nhưng sự can thiệp có thể đến từ nhiều hướng khác nhau.. Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản và Mỹ đang xem xét lại những nguyên tắc chủ đạo hợp tác quốc phòng hai nước lần đầu tiên sau 15 năm. Cơ sở cho hội đàm là tuyên bố của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về những tranh chấp quanh quần đảo Senkaku với Trung Quốc và nguy cơ vũ khí hạt nhân Bắc Triều tiên. Các nhà quân sự Mỹ Nhật muốn thảo luận về vị trí và vai trò của quân đội Nhật, lực lượng vũ trang Mỹ và các nguyên tắc hỗ trợ, hiệp đồng trong tương lai 5 năm, 10 năm và 15 với sứ mệnh đảm bảo an ninh khu vực từng giai đoạn. Không có thông tin chi tiết về cuộc hội đàm, nhưng vấn đề xem xét lại học thuyết phòng vệ trong kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cùng với khả năng thay đổi tình hình trong 15 năm liên tiếp bao gồm cả việc xung đột chủ quyền với Trung Quốc và sự phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên. Hội đàm diễn ra ở Tokyo với dự kiến chiến lược phòng thủ chung được phát triển trong vòng năm 2014. Chính sách quốc phòng Nhật Bản sẽ phù hợp vơi chính sách chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á của chính quyền ông Obama. Như vậy, Nhật Bản đã có được quyền “liên minh phòng thủ”. Có nghĩa là có quyền yêu cầu được yểm trợ từ phía đồng minh, có thể tiến hành ngay cả khi Nhật Bản chỉ bị đe dọa tấn công. Tất nhiên xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Liên minh Nhật Mỹ không phải là cuộc chiến dài ngày và đơn giản, những những hành động gần đây cho thấy, Bắc Kinh cũng không lùi trước những phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ. Vấn đề còn lại là Trung Quốc có thể khởi động xung đột hay không? Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự: Trung Quốc có ưu thế vượt trội về binh lực. PLA có khoảng 2,5 triệu quân, Nhật Bản có 250 nghìn quân. Cuộc chiến tranh sẽ diễn ra trên không và trên biển là chủ yếu. Tấn công chớp nhoáng, Trung Quốc sẽ sử dụng một lực lượng khoảng 400–500 máy bay, 20 tàu ngầm diesel, 3 tàu ngầm nguyên tử, một số lượng lớn các khinh hạm tên lửa và các tàu khu trục mang tên lửa phòng không. Nhật Bản có thể tham chiến với 150 máy bay, 10 tàu ngầm diesel, 5- 10 khu trục hạm đa nhiệm và các tàu hộ vệ tên lửa.Tương quan lực lượng Nhật bản so với Trung Quốc thấp hơn đến 3 lần. PLA, có ưu thế về binh lực và hỏa lực yểm trợ từ đất liền với số lượng chiến hạm nhiều hơn, có thể đẩy lùi lực lượng hải quân của Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo Senkaku. Mặc dù nếu so sánh về chất lượng và năng lực tác chiến, lực lượng Không – Hải Trung Quốc trong một cấp độ nào đó thấp hơn Nhật Bản, nhưng tổn thất với số lượng dù rất lớn, PLA vẫn có thể giải quyết được mục tiêu ban đầu. Trong cơ chế phòng thủ liên minh, Mỹ có thể không đưa các tàu sân bay và chiến hạm trực tiếp đối đầu với hải quân Trung Quốc, nhưng sự tham chiến của Mỹ có thể giới hạn ở mức yểm trợ hỏa lực tầm xa theo quan điểm của Học thuyết tác chiến Không – Hải. Trên cơ sở của hiệp ước Liên minh phòng thủ, Mỹ có thể tấn công bằng tên lửa hành trình tất cả các sân bay, hải cảng và căn cứ quân sự của Trung Quốc ven biển và sâu trong đất liền, một phần lớn hạ tầng cơ sở quân sự của Trung Quốc sẽ bị phá hủy và trong vòng hai tuần, không quân Trung Quốc hoàn toàn không thể cất cánh. Mất lực lượng không quân yểm trợ trên không, hải quân Trung Quốc mất đi sự che chắn bảo vệ trước các đòn tấn công của không quân Nhật Bản và sẽ bị tổn thất nặng nề, lực lượng lính thủy đánh bộ đổ bộ chiếm đảo sẽ bị tiêu diệt. Vũ khí trang bị trên các hạm tàu của Trung Quốc rất mạnh, đặc biệt là lực lượng phòng không, nhưng nếu không có không quân yểm trợ, trinh sát và cảnh báo sớm, Hải quân Trung Quốc dễ dàng trở thành con mồi cho máy bay tiêm kích mang tên lửa chống tàu của Nhật Bản cũng như các tổ hợp tên lửa bố trí trên các đảo. Hạm đội Đông Hải sẽ bị tổn thất một số lớn các chiến hạm, mất sức chiến đấu và co về phòng ngự. Trận chiến kết thúc với những thiệt hai nặng nề về binh lực và mục đích không hoàn thành ngoại trừ những tuyên bố hùng hồn trên bình diện “ngoại giao sức mạnh”. Theo số liệu thống kế, đến năm 2015 trong biên chế của Lầu Năm Góc sẽ có khoảng từ 1500 – 1800 tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không thực hiện đòn công kích đầu tiên, đến năm 2020 số lượng tên lửa hành trình sẽ là 2500 – 3000 tên lửa. Cuộc xung đột sẽ không có sự tham gia của vũ khí hạt nhân. Thực tế cho thấy, việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đem lại hậu quả tàn khốc với cường quốc về dân số và nền kinh tế phát triển. Vành đai phòng thủ tên lửa quanh đại lục, đặc biệt là hệ thống tên lửa Patriot của Nhật Bản, hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển trang bị tên lửa SM – 3 và radars Aegic hoàn toàn có khả năng tiêu diệt hầu hết các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng lên từ Trunng Quốc. Những phân tích cho thấy, khả năng xảy ra một xung đột vũ trang bắt đầu từ phía Trung Quốc rất thấp. Nhưng để bảo vệ quyền thống trị biển khơi, người Mỹ đã mạnh mẽ ủng hộ chính quyền Tokyo trong vấn đề tái vũ trang quân đội Nhật và hình thanh một vành đai Anacoda quanh Trung Quốc. Nhân tố quan trọng nhất của vành đai là Nhật Bản và Hàn Quốc, do trên lãnh thổ hai nước đều có các căn cứ quân sự Mỹ, hai nước đều tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Nhật Bản cũng sản xuất các thành phần phòng thủ tên lửa như radar Aegis và tên lửa SM-3. Nhằm ngăn chặn và chế ngự lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, Mỹ nỗ lực thúc đẩy chương trình “Đòn tấn công thần tốc toàn cầu”, cho phép công kích bất cứ điểm nào trên thế giới với thời gian dưới 1 giờ bay. Năm 2013 được đánh dấu bằng sự kiện ra đời học thuyết Tác chiến Không Hải chống Trung Quốc, giai đoạn phát triển tiếp theo của năm 2014, người Mỹ sẽ gia tăng áp lực vành đai phong tỏa Trung Quốc bằng chương trình tích hợp hệ thống “Đòn tấn công thần tốc toàn cầu" với hệ thống phòng thủ tên lửa. Bằng giải pháp này, tất cả các hệ thống vũ khí chiến lược của các cường quốc hạt nhân như Trung Quốc sẽ hoàn toàn vô giá trị. Cuộc chiến trong tương lai Mỹ - Trung với động lực Senkaku bằng vũ lực thực tế khó xảy ra, nhưng Washington đang lôi kéo Bắc Kinh vào Chiến tranh lạnh mới. Trong vành đai phong tỏa Tây Thái Bình dương, nhận thức được sự nguy hiểm, Trung Quốc sẽ thực hiện những động thái mạnh nhằm củng cố vị thế của mình và đẩy lùi Mỹ ra khỏi vùng nước tự coi là “chủ quyền không tranh cãi”. Những sự kiện cuối năm 2013 là tín hiệu sớm cho một năm rất nóng trên Thái Bình dương. Trịnh Thái Bằng
Posted by baodatviet.vn on December 30, 2013 at 10:46:37:
|