'Để dân kỷ niệm cuộc chiến 1979'

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    'Để dân kỷ niệm cuộc chiến 1979'
    Quốc Phương

    BBC Việt ngữ

    Cập nhật: 14:48 GMT - thứ năm, 9 tháng 1, 2014

    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh dấu 35 năm cuộc can thiệp vào Campuchia.

    Việt Nam có thể không tổ chức kỷ niệm quy mô đánh dấu 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc chống Trung Quốc (17/2/1979), nhưng nên để người dân, các thân nhân nạn nhân chiến tranh tưởng niệm nhân dịp này, theo ý kiến một sử gia từ Mỹ.

    Về sự kiện 40 năm Trung Quốc tấn chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền Việt Nam không chỉ nên công nhận 'liệt sỹ' với các binh sỹ chính quyền Sài Gòn đã thiệt mạng trong trận hải chiến 01/1974, mà còn nên thiết thực lập hồ sơ 'kiện Trung Quốc' ra tòa án quốc tế, vẫn theo nhà nghiên cứu Ngô Vĩnh Long.

    Đầu năm 2014, chính quyền VN vừa tổ chức kỷ niệm 35 năm sự kiện "Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia" (7/1/1979), đánh dấu cuộc can thiệp quân sự của Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng do Pol Pot lãnh đạo.

    "Nếu thật sự ông Hun Sen có “cầu viện” Việt Nam đi nữa thì tôi không nghĩ ra được việc gì cụ thể Việt Nam có thể giúp Campuchia trong thời điểm này. Giúp chống lại các cuộc biểu tình hay các áp lực chống đối bằng bất cứ một hình thức nào cũng bất khả thi"
    Tuy nhiên, năm nay cũng là năm tròn 40 năm sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (17/1/1974) và 35 năm ngày Trung Quốc mở cuộc xâm lược Việt Nam (17/2/1979) ở biên giới phía Bắc, mở màn một thập niên thù địch, căng thẳng trong quân hệ giữa hai láng giềng cộng sản cùng ý thức hệ.

    Liệu chính quyền Việt Nam sẽ tổ chức chính thức và quy mô các cuộc xung đột trên với Trung Quốc như với sự kiện ở Campuchia hơn ba mươi năm về trước, hay sẽ chịu áp lực phải im lặng, gia giảm quy mô vì bị ràng buộc bởi thời tiết chính trị và tình hình bang giao với Trung Quốc?

    Nhân dịp này, BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư sử học thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ.

    Trước hết, sử gia bình luận về liên hệ giữa các chuyến thăm 'tri ân quân tình nguyện Việt Nam' của Thủ tướng Campuchia ông Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội ông Heng Samrin tới Hà Nội với nội tình chính trị của Campuchia, cũng như nhận xét ý nghĩa của các chuyến thăm này với quan hệ Phnom Penh - Hà Nội.


    Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp gỡ và tri ân cựu cán bộ, binh sỹ 'quân tình nguyện Việt Nam' tại Hà Nội.
    GS Ngô Vĩnh Long: Việc sang thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và những tuyên bố của hai ông ấy là việc làm can đảm. Dùng từ “quân tình nguyện Việt Nam” thì có thể hơi quá đáng vì nhiều người không phải là tình nguyện mà là bị bắt lính đưa qua bên Campuchia “làm nghĩa vụ quốc tế.”

    Nhưng, phải công bình mà nói, không có việc lật đổ chế độ diệt chủng của Pol Pot thì có thể còn nhiều người Khmer và nhiều người Việt Nam sẽ bị giết hơn nữa. Do đó, việc cám ơn những người Việt Nam đã hy sinh, dù tự ý tình nguyện hay không, là một việc làm có ơn có nghĩa.

    Nếu thật sự ông Hun Sen có “cầu viện” Việt Nam đi nữa thì tôi không nghĩ ra được việc gì cụ thể Việt Nam có thể giúp Campuchia trong thời điểm này. Giúp chống lại các cuộc biểu tình hay các áp lực chống đối bằng bất cứ một hình thức nào cũng bất khả thi. Vả lại việc làm này có khả thi đi nữa thì cũng sẽ xoáy sâu thêm vết thương giữa hai dân tộc.

    'Hữu hảo đột ngột'
    "Tôi nghĩ đối với việc Trung Quốc xâm chiếm và tàn phá các tỉnh biên giới phía Bắc thì khó có thể tổ chức rầm rộ vì nhiều lý do. Nhưng ít ra nhân dân các tỉnh bị tàn phá và thân quyến của các người đã hy sinh cũng nên được tự do tổ chức các cuộc tưởng niệm để giúp những nỗi niềm uất ức được siêu thoát"
    BBC: Hành động này của ông Hun Sen liệu có thể bị các phái đối lập chống lại ông có cớ bài xích rằng ông 'thân Việt Nam' và 'cầu viện' ngoại binh khi bị bức bách?

    Chính trị gia nào cũng cơ hội, nếu không cho đất nước thì cho chính mình. Chính trị gia nào không biết nắm cơ hội và đóng kịch tài tình thì không phải là chính trị gia giỏi và thông minh.

    Ông Hun Sen là người rất thông minh và điềm tĩnh, theo nhận xét của tôi từ những lần ngồi chung với ông ấy trong những buổi họp bàn về vấn đề an ninh cho Đông Nam Á tại Hoa Thịnh Đốn.

    Là người thông minh, ông ấy đã phải có những phân tích và đánh giá kỹ càng, chứ không phải đột ngột, về quan hệ với Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Lẽ dĩ nhiên lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia nhiều khi có những mâu thuẫn khó cân bằng.

    BBC: Việt Nam kỷ niệm 35 năm cuộc can thiệp vào Campuchia tháng 1/1979 khá rầm rộ, liệu Việt Nam sẽ tổ chức tương tự sự kiện 35 năm cuộc chiến Biên giới ở phía Bắc vào ngày 17/2/1979?


    GS Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Hoàng Sa
    Tổ chức việc “làm nghĩa vụ quốc tế” và giúp “nước bạn” Campuchia tái lập an ninh và tái thiết sau 35 năm là điều đáng mừng cho hai dân tộc.

    Tôi nghĩ đối với việc Trung Quốc xâm chiếm và tàn phá các tỉnh biên giới phía Bắc thì khó có thể tổ chức rầm rộ vì nhiều lý do.

    Nhưng ít ra nhân dân các tỉnh bị tàn phá và thân quyến của các người đã hy sinh cũng nên được tự do tổ chức các cuộc tưởng niệm để giúp những nỗi niềm uất ức được siêu thoát.

    BBC: Tương tự, chính quyền Việt Nam có thể tổ chức chính thức đánh dấu sự kiện 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn chiếm hay không? Việt Nam sẽ né tránh sự kiện này hay sẽ chỉ tổ chức theo một cách thức nào đó để tránh làm ‘mếch lòng’ Trung Quốc, trong khi tìm cách ‘xoa dịu’ dư luận trong nước?

    Tôi thấy chính phủ Việt Nam không cần tổ chức chính thức, một phần vì đó là một hình thức thách thức không đem đến hiệu quả gì cho đất nước.

    Tốt hơn hết là chính phủ để cho người dân có cơ hội học hỏi và phân tích hậu quả của sự kiện này cho an ninh và phát triển của nước Việt Nam, nói riêng, và của các nước trong khu vực và ngoài khu vực, nói chung.

    'Lập hồ sơ kiện'
    "Chính phủ Việt Nam cũng có thể lập hồ sơ pháp lý và lịch sử đàng hoàng để đem việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ra các toà án quốc tế xét xử"
    BBC: Chính quyền Việt Nam có nên công nhận các binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa vào tháng 1/1974 hay không, hay họ cũng sẽ tìm cách né tránh việc này, và nếu có thì vì sao?

    Tôi thấy có một số bài báo trong nước đã nói đến trận hải chiến Hoàng Sa và đã công nhận sự hy sinh của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là các bài phỏng vấn với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam.

    Tôi nghĩ việc làm tốt nhất hiện nay không chỉ công nhận như trên mà là tạo bất cứ cơ hội nào có thể có được để làm áp lực đưa Trung Quốc ra trước công luận thế giới.

    Chính phủ Việt Nam cũng có thể lập hồ sơ pháp lý và lịch sử đàng hoàng để đem việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ra các tòa án quốc tế xét xử.

    BBC: Trung Quốc với tân lãnh đạo Tập Cận Bình có thay đổi gì không về chính sách, chiến lược mở rộng cương thổ, biển đảo của họ, đặc biệt ở Biển Đông? Nếu TQ tiếp tục duy trì điều bị chỉ trích là não trạng 'bành trướng nước lớn’, họ có thể tiếp tục chiến lược này ra sao?


    Ông Tập Cận Bình mở rộng chính sách bành trướng?
    Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, chính sách bành trướng của Trung Quốc lại càng được củng cố. Sau khi Tập Cận Bình thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, ông ta lập tức lấy chức vị Chủ Tịch Quân Uỷ Trung ương. Với vị thế Chủ tịch nước, ông Tập cũng đã thường đi thanh tra các căn cứ hải quân, các trung tâm chỉ huy, các viện nghiên cứu chiến lược, và các viện công nghệ quân sự.

    Khẩu hiệu “Giấc Mơ Trung Quốc” của ông Tập được lấy từ tựa đề một cuốn sách của một sĩ quan diều hâu trong đó sĩ quan này kêu gọi quân đội phải tăng cường để đương đầu với Hoa Kỳ trong những thập kỷ mới.

    'Kiểm soát Biển Đông'Lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ đã quyết định ít nhất là trong Hội nghị Trung ương tháng 11 vừa qua. Hội nghị đó đã quyết định thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia do Tập Cận Bình là chủ tịch, tập trung tất cả các cơ quan an ninh từ cảnh sát, quân đội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thương mại, cục tuyên truyền, cục liên lạc và hợp tác quốc tế.

    Các báo Trung Quốc, như tờ China Daily và South China Morning Post ngày 03/1/2014, cũng đăng tin là Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã cho biết sẽ thiết lập “một cơ cấu chỉ huy tác chiến tổng hợp với đặc tính Trung Quốc.”

    Đây là việc phối trí quân đội và sát nhập 7 quân khu hiện nay thành 5 quân khu. Trong những quân khu hiện nay, ba quân khu sẽ có các ban chỉ huy tổng hợp trong 5 năm tới là Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu để kiểm tra khu vực Hoàng Hải, Đông Hải, và Nam Hải. Hạm đội Bắc Hải được đặt dưới quyền chỉ huy của Quân Khu Tế Nam, Hạm đội Đông Hải dưới sự chỉ huy của Quân khu Nam Kinh, và Hạm đội Nam Hải dưới sự chỉ huy của Quảng Châu.

    "Lẽ dĩ nhiên là Hoa Kỳ có mưu đồ riêng của mình, nhưng đến hiện nay là dùng sức mạnh hải quân của mình để bảo vệ lưu thông và an ninh trên biển. Khó mà lý giải cái lý của Trung Quốc trong việc thách thức các nước khác trong khu vực và trên thế giới"
    Hạm đội Nam Hải hùng hậu nhất, có nhiều tàu chiến nhất, có tàu sân bay Liêu Ninh mà gần đây đã tập trận nhiều lần ở Biển Đông. Đặc biệt là hầu như toàn bộ thủy quân đánh bộ, trên 20.000 người, và các tàu đổ bộ là đang ở trong Hạm Đội Hải Nam và đóng quân ở đảo Hải Nam. Thành phố Tam Sa, được thiết lập năm 2013, là cơ quan đầu não kiểm soát các quần đảo trong Biển Đông.
    'Tác chiến tấn công'BBC: Các động thái ở Biển Đông và Biển Hoa Đông gần đây của Trung Quốc phải chăng cho thấy Bắc Kinh vừa muốn tiếp tục chính sách 'bá quyền', vừa muốn ngăn chặn không cho các đối thủ, như Hoa Kỳ triển khai sức mạnh và ưu thế ở khu vực?

    Ông Lý Khánh Công, Phó Tổng thư ký Hội Đồng Nghiên Cứu Chính Sách An Ninh của Trung Quốc, cho biết là Trung Quốc sẽ chú trọng vào việc tăng cường các kho vũ khí công nghệ cao ở trên biển và trên không, cũng như đối với vũ khí hạt nhân.


    Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập dượt ở Biển Đông
    Ông Lý Khánh Công cho biết ưu tiên cao nhất là có thêm nhiều tàu sân bay và các hạm đội hùng mạnh hơn, vì theo lời của ông ta được các báo trích là “Trung Quốc đã thiết lập các pháo đài sắt thép ở các vùng biên giới trên đất liền, như vậy ưu tiên hiện nay là trên biển cả.”
    Hiện nay Trung Quốc đã và đang tăng cường hải quân, không quân, và các quân chủng hoả tiển. Ưu tiên mà họ nhấn mạnh là “chiến tranh di động tổng hợp” và “tác chiến tấn công” để bành trướng hoạt động quân sự không những trong khu vực Tây Thái Bình Dương mà còn xa hơn nữa.

    Việc này lẽ dĩ nhiên đã và đang gây mất an ninh cho toàn khu vực và làm nhiều nước phải mua sắm thêm vũ khí để phòng vệ. Nhưng không có nước nào có chính sách “tác chiến tấn công” như Trung Quốc.

    Hoa Kỳ có mưu đồ riêng của mình, nhưng ý định của họ hiện nay là dùng sức mạnh hải quân của mình để bảo vệ lưu thông và an ninh trên biển.

    Khó mà lý giải cái lý của Trung Quốc trong việc thách thức các nước khác trong khu vực và trên thế giới.




    Posted by bbc on January 09, 2014 at 19:44:50:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]