Philippines hoàn tất hồ sơ kiện Trung Quốc Philippines tuyên bố đã chuẩn bị đầy đủ chứng cứ trong vụ kiện chống yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ - Ảnh: Reuters Trang tin Rappler.com mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết nước này đã chuẩn bị xong một bộ hồ sơ dày hơn 100 trang với những “chứng cứ thuyết phục” chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Manila năm ngoái đã chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) và ông Rosario khẳng định nước ông hiện đã sẵn sàng nộp hồ sơ đúng hạn để trình bày chứng cứ vào ngày 30.3. Theo trang Rappler.com, hồ sơ của Philippines sẽ bao gồm “tất cả những tài liệu, phát biểu của nhân chứng, chuyên gia và những bằng chứng khác” mà Manila lấy làm cơ sở trong tiến trình xét xử. Ngoài ra, còn có những phần đính kèm mà phía Philippines viện dẫn trong hồ sơ trình nộp, chẳng hạn như các hiệp ước, luật, sắc lệnh và quyết định của tòa án. Ông Paul Reichler, luật sư biện hộ cho Manila trong vụ kiện cho biết toàn bộ nhóm tư vấn pháp lý làm việc cho Philippines đều tin nước này có một “vụ kiện vững chắc” trước Trung Quốc. Đài ABS-CBN ngày 27.3 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định nước ông đang vận động cho việc sử dụng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong vụ kiện chống Trung Quốc. Ông Jose nói Philippines theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên luật pháp quốc tế và đang hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp. Theo quan chức này, trong nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, Philippines “đang đi theo 3 con đường”. Thứ nhất là đường ngoại giao, Philippines đã có khoảng 50 cuộc họp với Trung Quốc kể từ sau vụ đối đầu ở bãi cạn Scarborough vào tháng 4.2012, nhưng không đạt được kết quả. Trong đường thứ hai, về chính trị, Philippines đang làm việc chặt chẽ với các đối tác trong ASEAN nhằm thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đường thứ ba, về pháp lý, chính là đưa vụ kiện về tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ra ITLOS. Phản ứng trước thông tin Philippines chuẩn bị trình bằng chứng về vụ kiện, Tân Hoa xã ngày 26.3 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi Philippines ngừng “hành động sai trái”. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồng khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận hành động đơn phương của Manila và cũng sẽ không tham dự phiên tòa sẽ được mở để phân xử vụ kiện. Philippines đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử Chính phủ Philippines và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ngày 27.3 đã ký kết thỏa thuận hòa bình, đánh dấu kết thúc gần 40 năm bất ổn triền miên ở miền nam nước này. Lễ ký kết được tổ chức trọng thể tại Phủ tổng thống ở thủ đô Manila với sự chứng kiến của Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong vai trò quốc gia trung gian đàm phán. Theo báo Inquirer, thỏa thuận có tên gọi Hiệp định toàn diện về Bangsamoro (CAB) chỉ có 5 trang nhưng phải mất đến 17 năm đàm phán. Theo CAB, MILF sẽ từng bước giải giới lực lượng vũ trang và từ bỏ cuộc đấu tranh bạo lực đòi lập ra một nhà nước Hồi giáo độc lập ở vùng Mindanao. Đổi lại, chính thể tự trị Bangsamoro sẽ được hoàn thiện vào giữa năm 2016, thay thế vùng tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM) được thiết lập năm 1989. Theo thỏa thuận, Bangsamoro sẽ được chính quyền trung ương trao quyền hành nhiều hơn, bên cạnh các ưu đãi về ngân sách và quyền lợi kinh tế. Thục Minh Báo Trung Quốc kêu gọi mở căn cứ ở hải ngoại Tờ Hoàn Cầu thời báo vừa đăng bài kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc thiết lập các căn cứ ở nước ngoài nhằm thực hiện những chiến dịch cứu nạn trong tương lai tại khu vực, sau sự kiện máy bay của hãng Malaysia Airlines rơi xuống Ấn Độ Dương. Tờ báo viết chính sự hoài nghi của nhiều nước đối với Trung Quốc đã trì hoãn các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ International Business Times hôm qua dẫn lời các chuyên gia nói rằng các nước trong khu vực đang lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng sự kiện trên để tăng cường hiện diện trong khu vực. Chuyên gia Ray Kwong tại Viện Mỹ - Trung thuộc Đại học Nam California (Mỹ) nhận định các tàu do thám được Trung Quốc triển khai ở biển Đông với danh nghĩa tìm kiếm máy bay “sẽ không về nước sớm” trong khi chuyên gia Christian Lewis thuộc hãng tư vấn Eurasia Group cho rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng sự kiện trên để “khai thác căng thẳng giữa các nước ASEAN”. Trùng Quang
Posted by thanhnien.com.vn on March 27, 2014 at 21:18:43:
|