Trung Quốc tiếp tục 'vỗ mặt' Việt Nam Vị trí dàn khoan lớn của Trung quốc 981 dự tính đem tới tìm dầu thềm lục địa Việt Nam, 80 hải lý phía bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nó nằm giữa hai lô 142 và 143 trong bản đồ phân lô dầu khí của Việt Nam. (Hình: MTG) Tọa độ của giàn khoan Hải dương 981 là “lô 143” trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Điều đó cho thấy Trung Quốc không thèm đếm xỉa tới nỗ lực duy trì quan hệ “hợp tác hữu nghị với Trung Quốc” của Việt Nam. Giống như nhiều lần trước liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, Bộ Ngoại giao của chế độ Hà Nội chỉ ra tuyên bố “phản đối Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông”. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cho biết đã gửi thư cho Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để phản đối việc đưa giàn khoan đến thăm dò “lô 143” trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thư cũng nhắc đến “phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Dàn khoan dầu trên biển HD 981 khổng lồ của Trung quốc, trị giá 1 tỉ đô la, loan báo kéo tới dò tìm ở lô 143 thềm lục địa Việt Nam. (Hình: Pvoil) Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam từng đề nghị giao cho OVL năm lô để công ty này tổ chức thăm dò dầu khí ở biển Đông. Tuy nhiên, theo tờ Kinh tế Thời báo của Ấn Ðộ, OVL chỉ chọn một trong 5 lô mà Việt Nam đề nghị giao hồi năm ngoái và đang thẩm định hai lô mà Việt Nam mới đề nghị giao thêm. Đáng lưu ý là bảy lô vừa kể được Việt Nam giao trực tiếp cho OVL chứ không tổ chức đấu thầu theo thông lệ. Hợp tác khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Ðộ diễn ra trong lúc Việt Nam đang cố gắng mở rộng hợp tác quân sự với nhiều quốc gia, từ Hoa Kỳ, Nhật, tới Ấn Ðộ. Giới phân tích thời sự tin rằng, tất cả những động thái này đều nhằm ứng phó với tình trạng Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên biển Đông nhằm hỗ trợ cho yêu sách đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. Trước đây, Việt Nam từng ký kết hợp đồng thăm dò với nhiều công ty phương Tây, trong đó có cả những công ty Hoa Kỳ nhưng những công ty này đã đơn phương ngưng thăm dò, hợp tác khai thác dầu khí với việt Nam vì ngán ngại Trung Quốc. Trung Quốc vẫn thường xuyên vỗ mặt Việt Nam dù Việt Nam nhiều lần thề thốt sẽ thực hiện “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và tuân thủ “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) do Trung Quốc đề ra. Riêng trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển Đông, hồi giữa năm 2011, tàu Trung Quốc không chỉ xâm nhập lãnh hải Việt Nam mà còn cắt đứt cáp của Viking 2 - một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam. Đến giữa năm 2012, Trung Quốc chính thức yêu cầu Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí ở biển Đông. Sáu tháng sau, cuối năm 2012, tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập lãnh hải Việt Nam, cắt đứt cáp của Bình Minh 2, một tàu thăm dò địa chấn khác của Việt Nam. Một mặt, Trung Quốc luôn khuyến khích Việt Nam duy trì quan hệ “hợp tác, hữu nghị”, giải quyết các bất đồng, tranh chấp theo “tinh thần bốn tốt” và tuân thủ “16 chữ vàng”, mặt khác, Trung Quốc thường xuyên vỗ mặt Việt Nam khi Việt Nam thực hiện các động thái có liên quan tới thăm dò, khai thác dầu khí trong lãnh hải của mình. Đáp lại, Việt Nam chỉ phản đối bằng các tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, hoặc gửi công hàm phản đối rồi thôi. Cũng vì vậy, các tập đòan dầu khí của phương Tây đã đơn phương hủy những hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí từng ký với Việt Nam. Hiện chưa rõ OVL của Ấn Độ có hành xử như thế nào sau cảnh báo của Cục Hài sự Trung Quốc hay không (?). (G.Đ.)
|