Tình hình Biển Đông:"Không kiện Trung Quốc là bỏ qua cơ hội"

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Chính trị - Xã hội / Tin tức thời sự
    Thứ Hai, 12/05/2014 10:05
    Tình hình Biển Đông:"Không kiện Trung Quốc là bỏ qua cơ hội"
    (Tin tức thời sự) - Tình hình Biển Đông: Đến giờ phút này nếu chúng ta không khởi kiện TQ thì sẽ là điều rất đáng tiếc, đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội tốt.

    Tình hình Biển Đông: Việt Nam đưa vụ giàn khoan ra ASEAN
    Tình hình Biển Đông: Trung Quốc ngoan cố, ASEAN ra tuyên bố
    Không kiện Trung Quốc lúc này thì rất đáng tiếc

    LS Lê Thanh Sơn chiều 11/5 đã tham gia phiên họp mở rộng bất thường ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ông ủng hộ đề xuất Chính phủ nên khởi kiện Trung Quốc.

    Theo ông Sơn, trước hết phải khẳng định sự việc đang diễn ra không phải tranh chấp mà là xâm phạm chủ quyền. Hành vi của Trung Quốc những ngày qua là xâm chiếm vùng đặc quyền của Việt Nam. Tranh chấp thì phải nằm ở vị trí nào chứ đằng này Trung Quốc vào hẳn vùng đặc quyền kinh tế nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.

    Hơn nữa, nếu Việt Nam khởi kiện thì đã có đầy đủ cơ sở pháp lý hợp pháp. Các chứng cứ ta thu thập được, đặc biệt từ 2002 đến nay có rất nhiều. Việt Nam luôn tuân thủ và sử dụng luật pháp quốc tế như một biện pháp hữu hiệu.

    Đặc biệt trước đó đã có Philippines kiện Trung Quốc. Đây là một tiền lệ thuận lợi cho chúng ta.

    Vào thời điểm hiện nay, Việt Nam đã làm rất nhiều việc nhưng với lực lượng tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc lên tới trên 80 chiếc và sự leo thang sử dụng vũ lực, rõ ràng nếu chúng ta cứ đơn phương giải quyết theo các cách như thế này có lẽ không ổn, dẫn đến cuối cùng là vẫn phải khởi kiện.

    Luật sư Lê Thanh Sơn
    Ông Sơn cho biết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang đề xuất một vụ kiện rất đơn giản, nhưng rất ý nghĩa. Đó là một vụ kiện hoàn toàn trong nước, tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
    Chúng ta có 3 khả năng kiện, thứ nhất là Tập đoàn dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Thứ hai là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam kiện tổng công ty này. Thứ ba là Hội nghề cá Việt Nam kiện tổng công ty này.

    Nếu chưa cần thiết phải kiện cấp chính phủ - chính phủ thì có thể tiến hành 1 trong 3 vụ kiện trên. Cả 3 vụ kiện đó đều có thể thực hiện theo pháp luật Việt Nam và chính tòa án Việt Nam sẽ xét xử.

    Đây sẽ là cơ hội tốt để tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý về một mối, là bước chuẩn bị đầu tiên để kiện cấp chính phủ sau này nếu có.

    Bên cạnh đó, LS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Hoàng Ngọc Giao cũng kiến nghị Chính phủ đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực với quốc gia khác. “Xây dựng được bộ hồ sơ kiện cũng là căn cứ pháp lý trên mặt trận đấu tranh của nhân dân ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa", ông Giao nhấn mạnh.

    Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của NTNN, Giáo sư danh dự về Luật Biển của Trường Đại học Quốc gia Ireland Clive Symmons khẳng định, hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và chủ động tấn công tàu Việt Nam là vi phạm luật quốc tế. Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế.

    Đối với hoạt động khai thác như việc đưa một giàn khoan dầu vào thềm lục địa của một quốc gia có chủ quyền là đi ngược lại với Điều 77 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

    Điều 77 này nhấn mạnh, các quốc gia ven biển có chủ quyền có quyền được khai thác (đoạn 1) và (đoạn 2) và những quyền này là “độc quyền” dành cho các quốc gia ven biển đó. Do đó không ai có quyền thực hiện các hoạt động khai thác mà không được sự cho phép của các quốc gia ven biển có chủ quyền.

    Đối với trường hợp còn tranh chấp, chiểu theo Điều 83 phần 3 của UNCLOS cụ thể là, trong khi chờ đợi một thỏa thuận thống nhất về ranh giới, các nước có liên quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ cố gắng hết sức để tham gia vào một dàn xếp tạm thời có tính chất thực tế và trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ không gây nguy hiểm hoặc cản trở việc đạt một thỏa thuận cuối cùng.

    Do đó, rõ ràng nếu Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng thềm lục địa chưa được xác định mà nước khác cũng tuyên bố chủ quyền là vi phạm nghĩa vụ chuyển tiếp bắt buộc mà điều luật nói trên đặt ra.

    Giáo sư danh dự về Luật Biển của Trường Đại học Quốc gia Ireland Clive Symmons
    Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là Việt Nam có những bằng chứng lịch sử khẳng định vùng biển này thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và theo những báo cáo về hành động của Trung Quốc vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm luật, ít nhất là đối với UNCLOS.

    Ngày 11/5, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn phát biểu của Thủ tướng Najib Razak với báo chí sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 24 tại Myanmar cho biết giải pháp cho vấn đề Biển Đông nên đạt được thông qua đàm phán và tạo ra một môi trường thuận lợi.

    Thủ tướng Malaysia cho biết vấn đề căng thẳng xung quanh những tranh chấp tại Biển Đông đã được tất cả 10 thành viên của ASEAN thảo luận kỹ tại hội nghị này.

    Ông Najib nói: "Tinh thần và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế là nền tảng cho chúng tôi trong việc tìm kiếm giải pháp đối với những tranh chấp này."

    T.H (Tổng hợp)




    Posted by http://baodatviet.vn/ on May 12, 2014 at 10:23:41:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]