Thứ hai, 12/5/2014 | 18:33 GMT+7
- Gần 10 ngày qua, bất chấp sự phản đối của Chính phủ, người dân Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế, tàu và máy bay Trung Quốc tiếp tục tấn công, uy hiếp tàu Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông đánh giá hành động này thế nào? - Đó là hành động không tương xứng với một nhà nước văn minh, một quốc gia có tránh nhiệm quốc tế trong khi Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông vậy mà Chính phủ Trung Quốc vu khống rằng tàu Việt Nam nhiều lần đâm tàu Trung Quốc. Đây là những tuyên bố dối trá. Hành động của Trung Quốc quấy rối, đe doạ đến an ninh, an toàn hàng hải, tỷ lệ nghịch với vị thế của Trung Quốc, đi ngược lại yêu cầu của một quốc gia là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an phải có trách nhiệm duy trì hoà bình thế giới. - Ngoài biện pháp ngoại giao, biểu tình ôn hòa, Việt Nam còn có thể làm gì? - Trước thực tế, Trung Quốc đã, đang hiện diện và có hành vi dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam, chúng ta đã có những động thái về ngoại giao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi đây là "hành động nguy hiểm" tại diễn đàn ASEAN lần thứ 24 đang diễn ra tại Myanmar. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hành động đấu tranh pháp lý. LS Hoàng Ngọc Giao: "Trung Quốc hành động thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế". Ảnh: Đức Hiệp. - Tòa án nào sẽ thụ lý vụ kiện giữa Việt Nam với Trung Quốc, thưa ông? - Việt Nam có thể khởi kiện hai vụ kiện. Vụ thứ nhất là kiện giữa quốc gia với quốc gia. Chính phủ Việt Nam có thể kiện Chính phủ Trung Quốc. Việt Nam có thể lập các hồ sơ, thủ tục theo quy định của Toà án Luật Biển quốc tế để kiện Trung Quốc về việc xâm phạm quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Rộng hơn, lâu dài hơn chúng ta có thể kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra Toà án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc. Theo quy định của Toà án Công lý quốc tế, chỉ khi nào hai bên đương sự chấp nhận thẩm quyền giải quyết của toà thì lúc đó toà mới xem xét. Chúng ta có thể lường trước trường hợp Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền giải quyết của Toà án Công lý quốc tế. Trong tình huống đó, cả thế giới sẽ thấy thiện chí của Việt Nam, đồng thời thấy rõ ràng hơn các yêu sách, luận điệu, chứng cứ của Trung Quốc không đủ tin cậy. Vụ thứ hai là kiện dân sự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể kiện Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã gây thiệt hại về kinh tế ra toà án của Việt Nam. Toà án Việt Nam có đủ thẩm quyền phán quyết, thậm chí cưỡng chế thi hành trong vụ kiện này. Các tàu khai thác dầu khí của Trung Quốc hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền Việt Nam có thể bị bắt giữ để đảm bảo việc thi hành án. Giới trẻ Hà Nội xuống đường phản đối Trung Quốc hôm 11/5. Ảnh: Đức Hiệp. - Từng cơ quan tài phán có những quy tắc, quy định riêng mà chúng ta phải tuân thủ. Việc đầu tiên là chúng ta phải thu thập, chuẩn bị những hồ sơ, bằng chứng chứng minh chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Để chuẩn bị, chúng ta không những cần đội ngũ chuyên gia, luật sư giỏi, mà còn cần đến nguồn lực tài chính. - Khả năng thắng kiện của Việt Nam ra sao? - Tôi tin việc khẳng định hành vi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền cũng như quyền chủ quyền của Việt Nam là chắc thắng. Về chủ quyền các đảo, Việt Nam có thể thắng trên mặt trận luật pháp, công ước quốc tế và bằng chứng lịch sử. Chúng ta sẽ có những công nhận chủ quyền của các cơ quan tài phán quốc tế. - Việt Nam được gì khi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế? - Tôi nghĩ là hoàn toàn có lợi: Lợi cho đấu tranh chung về ngoại giao và cả đấu tranh pháp lý; đồng thời thể hiện quan điểm đúng đắn của Chính phủ Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng phương pháp hoà bình, chứ không phải vũ lực.
|