[Tintuc-hoangsatruongsa]
Công nhân VN biểu tình 'phản đối TQ'
Cập nhật: 10:13 GMT - thứ ba, 13 tháng 5, 2014
Các công nhân được cho là đang xuống đường phản đối Trung Quốc
Tin tức từ Bình Dương nói một đợt biểu tình 'phản đối Trung Quốc' đã xảy ra và chỉ vừa chấm dứt chiều ngày 13/5 tại một số khu công nghiệp chế xuất trong tỉnh.
Được biết tại các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 1, Việt Hương và Sóng Thần 1 đã xảy ra cuộc biểu tình bắt đầu từ hôm 12/5, theo tin từ trang mạng của Tuổi Trẻ.
Theo một nguồn tin nói với BBC từ Bình Dương, sang đến hôm nay 13/5, con số công nhân tham gia gồm các nhóm cả đi xe máy và đi bộ lên tới 8.000 - 10.000 người.
Một người làm cho một công ty của Việt Nam nói rằng "Sáng hôm 13/05 thì người ta tuần hành bình thường nhưng tới trưa thì có bạo động một chút.
"Công ty tôi gần đối diện với một công ty của Trung Quốc và chính tôi nhìn thấy người ta đập phá cửa kính và lấy các thiết bị văn phòng", người muốn ẩn danh này cho BBC biết vào tối ngày 13/05.
"Người ta đập phá cửa kính và lấy các thiết bị văn phòng"
Một nhân chứng
Được biết một số người đã kéo tới cả một số công ty không phải của Trung Quốc.
"Người biểu tình yêu cầu những người đang làm hàng trong các công ty đó đi theo họ, ai đi theo thì không sao, không đi thì cũng có một chút xíu gì đấy.
"Một số công công ty của Đài Loan cũng bị vạ lây vì họ cứ nhìn thấy chữ Trung Quốc là họ nhắm tới thôi", người này cho biết thêm.
Một số trang mạng tại Việt Nam có đăng hình các nhóm người cầm cờ đỏ sao vàng, đập phá bảng hiệu của các nhà máy.
Một nguồn khác ở Bình Dương cho BBC hay đến khoảng 15 giờ chiều hôm nay, các nhóm biểu tình, đình công đã chấm dứt.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác cũng cho BBC biết các đám đông vẫn chưa giải tán và hiện các cán bộ, công an đang có mặt ở hiện trường "để giải quyết tình hình".
"Hậu quả sau vụ việc này nhà nước ta phải đền bù toàn bộ thiệt hại cho các cơ sở doanh nghiệp bị phá thậm chí tệ hơn đầu tư nước ngoài sẽ e ngại khi đầu tư vào Việt Nam"
Long Pham BBC Vietnamese Facebook
Bạn đọc Long Pham trên trang Facebook của BBC Vietnamese bình luận:
"Về sự việc ở KCN Bình Dương đơn vị ghi nhận được thì có thể đây là một cuộc bạo động có kế hoạch trước của phần tử xấu kích động.
"Không chỉ các công ty trung quốc bị đập phá hôi của mà cả các công ty của Sing-Hàn và Nhật cũng chịu cảnh tương tự thậm chí đồ đạc của người Việt cũng bị chung số phận.
"Hậu quả sau vụ việc này nhà nước ta phải đền bù toàn bộ thiệt hại cho các cơ sở doanh nghiệp bị phá thậm chí tệ hơn đầu tư nước ngoài sẽ e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
"Nếu ai có người quen đang tham gia hãy bảo họ ngừng ngay lại,đây không phải hành động yêu nước mà là phá hoại hình ảnh của nước ta trước quốc tế đừng để thể diện quốc gia tụt dốc nữa."
'Không đưa tin'
"Có thể các phóng viên chỉ báo cáo lên trên để lãnh đạo nắm vụ việc chứ không đưa tin"
Một nhà báo tại Bình Dương
Một nhà báo làm việc tại tỉnh Bình Dương nói với BBC Việt ngữ với điều kiện ẩn danh rằng các hành động của công nhân là 'tự phát' và 'mục tiêu là phản đối Trung Quốc'.
"Tự dưng các công nhân nghỉ việc rồi làm thế," ông cho biết và mô tả thái độ của những người biểu tình là 'không ôn hòa'.
Ông cũng nói báo chí trong nước rất cẩn trọng với thông tin này vì lo ngại tinh chất vụ việc sẽ có 'ảnh hưởng xấu về mặt ngoại giao'.
"Có thể các phóng viên chỉ báo cáo lên trên để lãnh đạo nắm vụ việc chứ không đưa tin," ông cho biết.
BBC Việt ngữ cũng đã liên lạc với chính quyền thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi đặt các khu công nghiệp VSIP1 và VSIP2, và chính quyền tỉnh Bình Dương, thì được cho biết tất cả các quan chức của thị xã và tỉnh đều đã xuống hiện trường để giải quyết vụ việc.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình còn tràn vào các công ty dường như không phải của Trung Quốc.
Tuy nhiên BBC không thể kiểm chứng độc lập các hiǹh ảnh này.
Lan đến Sài Gòn?
Một số công nhân được cho là 'có hành động quá khích'
Một nhân chứng có tên là Trần Thế Mỹ, làm việc tại Công ty giày An Lạc thuộc Quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, kể với BBC rằng có một nhóm công nhân khoảng hơn 20 người đã vào một công ty giày da sát bên có tên là Lạc Tỷ của nhà đầu tư Trung Quốc để phản đối.
Theo lời của cô Mỹ thì trong số những người này có những người mặc áo công nhân của Công ty giày da Pou Yuen, một công ty có vốn đầu tư của Đài Loan.
Nhân chứng này cho biết nhóm người này đã vào công ty của cô trước.
"Họ đứng ở đây hò hét một tí rồi chạy sang bên kia (công ty Lạc Tỷ) xô cổng vô bảo vệ chạy vô ngăn không được," cô nói.
"Họ không có băng rôn, biểu ngữ, chỉ có cờ Việt Nam, một số cành cây và thùng để đập," cô nói thêm, "Họ chỉ hô tên Việt Nam thôi."
"Họ vô được một khúc cửa và tập trung ở bên ngoài (công ty Lạc Tỷ) tiếp tục hò hét Việt Nam, Việt Nam. Họ không có đập đồ gì hết."
Cô Mỹ còn cho biết vào sáng ngày 13/5 khi cô đi ngang qua công ty Pou Yuen thì thấ́y công nhân ra về. Cô có hỏi các công nhân thì được biết có một số người đập phá, treo cờ của Việt Nam buộc khối văn phòng phải thông báo cho công nhân đi về.
BBC không thể kiểm chứng những gì nhân chứng này nói tuy nhiên khi đang trao đổi qua điện thoại với cô từ công ty của cô ở Quận Bình Tân, phóng viên BBC đã nghe rõ tiếng người hò hét ồn ào. Cô Mỹ xác nhận là số công nhân biểu tình đang tuần hành ngang qua công ty của cô.
'Công đoàn thực sự'
"Biểu tình chống Trung Quốc gây hấn là một chuyện, đập phá lại là chuyện khác và phải được ngăn chặn"
Nguyễn Quang A
Trong khi đó nhà quan sát Nguyễn Quang A từ Hà Nội cảnh báo về động thái mà ông gọi là "phá phách".
Trong Bấm bài viết đang được đăng lại trên các trang mạng xã hội, ông Quang A viết "Hãy giải thích cho công nhân biết dùng bạo lực để phá phách không phải là giải pháp và chẳng có lợi cho ai cả. Biểu tình chống Trung Quốc gây hấn là một chuyện, đập phá lại là chuyện khác và phải được ngăn chặn.
"Ai đi giải thích? Công đoàn ư? Họ đã mất uy tín, nhưng nếu làm khéo họ vẫn có thể làm được gì đó. Chính quyền ư? Chắc chắn chính quyền phải làm, nhưng đừng theo kiểu cũ, mà phải tìm cách thực sự có tình có lý để thuyết phục công nhân và tìm mọi cách để tránh rơi vào bẫy.
"Những người làm công tác xã hội, các tổ chức xã hội dân sự có thể tham gia. Nhưng cái gốc là phải có các công đoàn thực sự của công nhân, phải có khung khổ pháp lý để cho các công đoàn này được thành lập và hoạt động theo một khung khổ pháp lý minh bạch, phải đào tạo những cán bộ công đoàn mới cho các công đoàn này", nhà quan sát Nguyễn Quang A viết.
Posted by bbc
on May 13, 2014 at 21:01:31:
[Tintuc-hoangsatruongsa]