Xã hộiThứ Bẩy, 17/05/2014 - 08:30 (Dân trí) - “Thoả thuận DOC giữa Trung Quốc và ASEAN nói rất rõ: Phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp tình hình. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là thay đổi hiện trạng… Anh mang 3 tàu chiến ra đe dọa tôi thì hòa bình sao được”. Chủ tịch nước: "Trong đấu tranh ngoại giao, tim chúng ta nóng nhưng đầu rất lạnh" Do các thông tin về tình hình biển Đông cũng như quan điểm, lập trường, cách giải quyết vấn đề của Đảng và Nhà nước đã được thông tin rộng rãi sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi tiếp xúc và trả lời cử tri quận 1 trong sáng cùng ngày, nên cử tri quận 3 dành nhiều mối quan tâm, góp ý cho các dự án luật sửa đổi mà dự kiến kỳ họp tới Quốc hội thông qua. Đối với Dự án Luật Tòa án nhân dân sửa đổi, cử tri Phan Thanh Minh cho rằng chức danh trợ lý thẩm phán là không cần thiết, không hợp lý nên cần loại bỏ trong dự thảo. “Vai trò của thư ký từ trước đến nay làm gì mà phải bổ sung chức danh mới”, cử tri Minh chất vấn. Cũng theo cử tri này, Điều 13 của dự thảo về thành lập Tổng cục toà án là góp phần cồng kềnh, phình to thêm bộ máy trong khi chủ trương của nhà nước là tinh giảm, gọn nhẹ. Nhiệm kỳ của 1 thẩm phán như hiện nay là 5 năm. Cử tri nhất trí phương án đưa nhiệm kỳ lên 10 năm để tránh việc thay đổi nhanh khiến nhiều thẩm phán phải “mày mò, học việc, sai sót”. Cử tri Phan Thị Ái Bình đề xuất dự thảo luật sửa đổi Luật Hôn nhân Gia đình cần bổ sung lời nói đầu. Cử tri Bình tán đồng dự thảo chủ trương cho điều kiện kết hôn tuổi của nam và nữ bằng nhau, cùng 18 tuổi. Luật mới cũng cần có biện pháp giải quyết hậu quả của người chung sống cùng giới tính. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận các ý kiến đóng góp của bà con. Đối với những ý kiến góp ý về dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Cư trú… Chủ tịch nước đề nghị bà con chuyển các văn bản cho Đoàn Đại biểu Quốc hội để nắm lại một cách chặt chẽ, chính xác hơn. “Mang 3 tàu chiến đe dọa thì hòa bình sao được” Dù các cử tri đã nắm bắt được tinh thần, ý chí và mục tiêu, giải pháp của Việt nam trong việc phản ứng Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, tuy nhiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ rất chi tiết, tỉ mỉ để bà con cử tri quận 3 nắm bắt, yên tâm. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, căn cứ luật pháp quốc tế, công ước về Luật Biển năm 1982 thì rõ ràng hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là vi phạm. Chiếc tàu chiến 2 vạn tấn hiện đại bậc nhất của hải quân Trung Quốc bên cạnh giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: Người lao động) Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, tự do hàng hải quốc tế thì không được ngăn cản. Nhưng đặt giàn khoan xuống là vi phạm luật pháp quốc tế. Lực lượng chức năng Việt Nam vẫn theo dõi và nắm hết mọi tình hình. Khi Trung Quốc đặt giàn khoan, tuân thủ theo DOC, Việt Nam không dùng quân sự mà chỉ có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư làm nhiệm vụ chấp pháp. Trung Quốc lại khác. Họ dùng đến quân sự, dùng vũ lực. “Quan điểm của Việt Nam rất rõ. Lô 143 nơi Trung Quốc đặt giàn khoan này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, Trung Quốc đã vi phạm. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, rút giàn khoan khỏi Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước thông tin, trong những ngày qua, ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi, hoạt động đánh bắt trên các ngư trường truyền thống bình thường và được sự bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Những ngày qua, nhiều nước, chính phủ, nghị viện, tổ chức, cá nhân… trên thế giới ủng hộ cách giải quyết tranh chấp của Việt Nam. Bởi, chúng ta đấu tranh cương quyết nhưng tôn chỉ hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chưa thấy nước nào ủng hộ Trung Quốc. “Chúng ta có chính nghĩa, kiên quyết bình tĩnh, sử dụng những biện pháp phù hợp nên được quốc tế ủng hộ. Tim chúng ta nóng nhưng đầu rất lạnh. Không bị bất ngờ, không bị khiêu khích. Mục tiêu của ta là dĩ bất biến. Đấu tranh ngoại giao thì đấu tranh pháp lý thôi. Đấu tranh pháp lý vẫn nằm trong nội hàm đấu tranh hoà bình”, Chủ tịch nước nói. Về những vụ bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai… Chủ tịch nước căn dặn phải chấn chỉnh, không để tái diễn vì nó sẽ hết sức bất lợi, gây hình ảnh xấu. “Việt Nam được thế giới biết đến là điểm đến an toàn, môi trường đầu tư hấp dẫn. Mình mời người ta vào, đang làm ăn ngon lành lại bị đập phá. Làm như thế, thiệt hại cho lợi ích, suy yếu nền kinh tế. Trong vụ này, tôi thấy tổ chức Đảng và Đoàn yếu kém quá. Phải hết sức chủ động, không chủ quan”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang căn dặn. Công Quang
|