Khả năng Nhật can dự vào biển Đông Nhật Bản có thể can dự vào xung đột ở biển Đông nếu quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á. Ông Abe phát biểu trước bức tranh minh họa cảnh tàu Mỹ chở công dân Nhật bị tấn công - Ảnh: AFP >> Các nước trong khu vực sẽ liên minh chống Trung Quốc trên biển Đông Đó là nhận định của Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ 2 của Nhật trong tuần qua, ngay sau khi một ban cố vấn an ninh trình báo cáo cho Thủ tướng Shinzo Abe, với đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Theo Asahi Shimbun, một số quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Asahi Shimbun còn chỉ ra với tình trạng Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng áp dụng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á. Nhiều nước trong số đó có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông và theo Asahi Shimbun, việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác này có thể là cách kiềm chế khả năng mở rộng trên biển của Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Abe lập luận rằng Nhật cần có quyền tham gia phòng vệ tập thể để ứng phó các tình huống khẩn cấp ở những tuyến đường biển quan trọng, trong đó có biển Đông, theo tờ Asahi Shimbun. Đến ngày 15.5, sau khi nhận báo cáo trên, trước báo giới, Thủ tướng Abe cũng lưu ý rằng ngay lúc ông phát biểu thì ở biển Đông đang xảy ra “vụ đối đầu nghiêm trọng do hành động đơn phương được hậu thuẫn bởi vũ lực”. Theo tuần báo Defense News, ông Abe muốn ám chỉ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc theo sau vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, một hành động đã bị Mỹ chỉ trích. Ông Abe còn đưa ra một bức tranh minh họa kịch bản lực lượng từ một quốc gia hung hăng không được nêu tên tấn công một tàu Mỹ đang chở trẻ em Nhật và theo diễn giải Hiến pháp hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật không thể tham gia ứng cứu. Do vậy, ông Abe đặt vấn đề: “Chúng tôi, chính phủ Nhật, không thể làm gì để giúp họ. Bạn nghĩ điều đó có thật sự tốt không? Đây là một thực tế. Tôi nghĩ chúng có thể là con cháu của các vị”. Theo Aashi Shimbun, chính sự quan ngại về Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc diễn giải Hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Nhật muốn tăng quyền cho SDF Ngày 18.5, Kyodo News đưa tin hai đảng liên minh cầm quyền LDP và New Komeito đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận cho phép mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong việc ứng phó các sự cố ở “vùng xám” mà hiện nay SDF không có quyền can thiệp nếu không được yêu cầu. Cụ thể, 2 sự cố “vùng xám” mà Nhật muốn xử lý là tàu ngầm nước ngoài xâm nhập lãnh hải Nhật nhưng không chịu rời khỏi sau khi được cảnh báo và nhóm dân sự có vũ trang chiếm một đảo hẻo lánh. Hiện nay, lực lượng tuần duyên và cảnh sát Nhật chịu trách nhiệm chính trong việc ứng phó những sự cố như trên trước khi có nhu cầu huy động SDF. Trong lúc tranh luận về việc diễn giải lại Hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể, các chuyên gia từng nêu viễn cảnh ngư dân Trung Quốc được trang bị vũ khí đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp. Minh Trung Văn Khoa
Posted by thanhnien.com.vn on May 19, 2014 at 02:47:39:
|