Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ ủng hộ ASEAN Ðó là tuyên bố của ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Châu Á, diễn ra tại Shangri-la, Singapore, nên quen được gọi tắt là Ðối thoại Shangri-la. Loại tàu tuần duyên mà giới quan sát thời sự tin rằng Nhật sẽ sớm cung cấp hàng loạt cho Việt Nam. (Hình: Japan Daily Press) Ðối thoại Shangri-la lần này diễn ra trong ba ngày từ 30 tháng 5 đến 1 tháng 6. Phía Việt Nam cử ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng dẫn đầu một phái đoàn gồm 20 viên chức tham dự Ðối thoại Shangri-la lần này. Ở vị trí một diễn giả chính, ông Abe, thủ tướng Nhật nhấn mạnh, tất cả các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Ðồng thời thẳng thắn cho biết, Nhật có kế hoạch giữ vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để bảo đảm cho Châu Á và thế giới hòa bình hơn. Ông Abe tóm tắt luật pháp quốc tế thành ba nguyên tắc liên quan đến chủ quyền trên biển. Theo đó, các tuyên bố về chủ quyền trên biển phải dựa vào luật lệ quốc tế. Không quốc gia nào có thể dùng vũ lực hay hăm dọa để khẳng định chủ quyền. Và tranh chấp về chủ quyền trên biển phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Ông Abe đề nghị tất cả các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải tuân thủ những nguyên tắc này. Theo ông Abe, trên thực tế Indonesia và Philipppines đã làm đúng như thế khi ký với nhau Hiệp định Phân định Ranh giới Vùng Ðặc quyền Kinh tế. Ông Abe nói đó là “một ví dụ tuyệt vời về việc tôn trọng luật lệ trên biển.” Ông Abe nhấn mạnh, Nhật ủng hộ nỗ lực của Philippines để xác lập một nghị quyết đối với các tranh chấp tại biển Ðông sao cho việc giải quyết những tranh chấp đó tuân thủ ba nguyên tắc vừa kể. Nhật cũng ủng hộ Việt Nam khi nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Thủ tướng Nhật khuyên ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử tại biển Ðông. Tuy không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng ông Abe cho rằng, các hành động nhằm củng cố việc thay đổi hiện trạng, bằng cách tạo ra việc đã rồi cần bị lên án mạnh mẽ, bởi đó là điều đi ngược lại với tinh thần của ba nguyên tắc mà ông Abe xem là nền tảng của luật pháp quốc tế. Ông Abe nhấn mạnh, đây là lúc phải cam kết chắc chắn rằng phải tôn trọng tinh thần và các điều khoản của Tuyên bố các Quy tắc ứng xử trên Biển Ðông năm 2002 (DOC), mà các quốc gia có liên quan trên biển đã thỏa thuận sẽ tuân thủ và không thực hiện các hành động đơn phương làm thay đổi thực trạng một cách lâu dài. Do Ðối thoại Shangri-la lần này chưa kết thúc, phải tiếp chờ xem các tuyên bố của thủ tướng Nhật sẽ tạo hiệu ứng như thế nào. Trước Ðối thoại Shangri-la lần này, báo giới Trung Quốc từng dự đoán rằng ông Abe sẽ “tiếp tục khiêu khích Trung Quốc,” sau khi có tin ông sẽ có bài phát biểu ở Ðối thoại Shangri-La lần này. Quan hệ Nhật-Trung vốn đã căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, trên biển Hoa Ðông, nay thêm căng thẳng khi Nhật công khai bày tỏ sự ủng hộ một số quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, khi những quốc gia này có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Ðông. Nhân Dân Nhật báo xem việc ông Abe đến dự Ðối thoại Shangri-la lần này là “đang ở trên con đường làm loạn cả Châu Á” và chỉ trích ông Abe đang “xúi giục một số quốc gia Ðông Nam Á chống lại Trung Quốc, biến họ thành công cụ để kiểm soát Trung Quốc.” (G.Ð)
|