Khi Thủ tướng Nhật chỉ đích danh chuyện biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    31/05/2014 07:43 GMT+7
    Khi Thủ tướng Nhật chỉ đích danh chuyện biển Đông

    Theo giới phân tích, lời tuyên bố của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật Bản có thể được coi là “lời tuyên chiến đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”.


    >> Thủ tướng Abe: Nhật ủng hộ VN ở Biển Đông

    Đúng như cam kết với báo chí trước thềm Đối thoại Shangri La (Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, đã công bố Học thuyết Abe (Abe Doctrine) trong đó có những tuyên bố cứng rắn về an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Abe Doctrine được coi là Tuyên ngôn của Nhật Bản đối với vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương mang tính khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của mình đối với khu vực biển Đông – những hành động thậm chí còn đang bị nghi ngờ là nhằm tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực với mục tiêu ám muội.

    Từ ám chỉ “mối đe dọa từ Trung Quốc”….

    Tuy không nêu đích danh, nhưng những gì ông Abe thể hiện trong Học thuyết Abe (Abe Doctrine) và bài phát biểu tại Shangrila cho thấy sự cảnh giác cao độ và mối lo ngại sâu sắc về những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước ASEAN.

    Sau khi nhấn mạnh: “Lặp đi lặp lại những việc đã rồi, dùng sức mạnh để biến đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình là hành vi đáng lên án”, Thủ tướng Abe chính thức tuyên bố: “Nhật Bản không ngần ngại và luôn sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ các nước ASEAN bao gồm Việt Nam và Philipin trong những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.

    Theo giới phân tích, lời tuyên bố này của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật Bản có thể được coi là “lời tuyên chiến đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”.

    Bởi, đây mới là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản tham dự Đối thoại Shangri La và ngay trong lần đầu tiên này đã thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với “chính sách nước lớn”. Ông Abe còn chỉ ra: “Hiện nay, nhiều của cải, vật chất, tiền bạc, trí tuệ tại khu vực châu Á được dùng để mua bán vũ khí, tăng cường quân bị. Mối đe dọa từ vũ khí giết người hàng loạt và việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn đang tồn tại” và lên án: “Chính những hành động này và những nước có hành động này đang gây bất ổn cho khu vực và toàn thế giới”.

    … đến chỉ đích danh trong vấn đề Biển Đông…

    Liên quan đến tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực biển Đông do những hành động sai trái mang tính khiêu khích bạo lực và vô nhân đạo của Trung Quốc, Thủ tướng Abe không ngần ngại chỉ trích: “Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ. Không thể dựa vào bạo lực vào áp bức mà phải dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột”. Ông Abe cũng thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc phải giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế và đề nghị: “ASEAN và Trung Quốc cần soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt”.

    Cũng trong phát biểu này, ông Abe còn đưa ra hai đề nghị được đa số các nước ủng hộ nhưng lại nhận được sự không mấy mặn mà từ phía Trung Quốc.

    Một là, để tránh những sự cố ngoài ý muốn giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai bên cần tiến hành bàn bạc về việc thiết lập một cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không. Hai là, ASEAN, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… cần nâng cao vai trò, quyền hạn của cơ chế Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), hạn chế tăng cường quân bị, công khai ngân sách quân sự. Đối với những đề nghị này, không cần bình luận thêm cũng có thể thấy rõ Trung Quốc là nước đầu tiên bị …”dị ứng”

    … và trọng lượng của ngôn từ

    Ông Abe đã thể hiện rằng mình không chỉ nói suông. Để tăng sức nặng của ngôn từ, ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, không một nước nào có thể đơn độc mà gìn giữ được hòa bình. Nhật Bản cũng không là ngoại lệ”. Đây được coi là sự dẫn giải cho những nỗ lực hiện nay của Nhật Bản trong việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp của nước này theo hướng “cho phép quyền tự vệ tập thể” hay nói cách khác là quyền được tham gia chiến tranh mà bước đầu tiên đã được tiến hành từ tháng 1 năm 2007 khi nước này nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Phòng vệ.

    Nếu việc sửa đổi thành công, Nhật Bản sẽ có quyền được tham gia các hoạt động quân sự quốc tế như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (PKO), hay thậm chí giúp đỡ về sức mạnh quân sự cho các nước đồng minh trong những trường hợp cần thiết. Theo giới phân tích, điều này sẽ thay đổi đáng kể cán cân quân sự trong khu vực và tạo một đối trọng đối với Trung Quốc – nước đang liên tục tăng ngân sách quân sự ở mức hai con số trong nhiều năm qua.

    Chưa biết trong tương lai Thủ tướng Abe và chính phủ của ông sẽ thực hiện những tuyên bố này đến đâu, nhưng ít nhất đến thời điểm hiện tại những tuyên bố này cũng tạo ra những hiệu ứng tích cực nhất định và trở thành một trong những điểm tựa tại Đối thoại Shangrila. Đặc biệt Abe Doctrine còn được đánh giá là “dây cương cho cỗ xe ngựa đang hùng hổ xông tới từ phương bắc”.

    Những nội dung chính của Học thuyết Abe (ABE DOCTRINE)
    Abe Doctrine là Nguyên tắc gồm 5 điểm liên quan tới việc tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đong Nam Á (ASEAN) được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra vào tháng 1 năm 2013 nhân chuyến thăm Indonesia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Abe công bố Abe Doctrine tại một diễn đàn quốc tế lớn. Abe Doctrine bao gồm những điểm chính sau:
    1- Nỗ lực cùng ASEAN bảo vệ, phát huy những giá trị chung như tự do, dân chủ, quyền con người cơ bản...
    2- Nhật Bản cùng các nước ASEAN hợp tác bảo vệ biển và tài nguyên biển, không cho phép sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng mà phải dựa vào luật pháp để quản lý, bảo vệ. Hoan nghênh chính sách “coi trọng châu Á” của Mỹ
    3-Thông qua nhiều kênh hợp tác kinh tế để thúc đẩy hơn đầu tư, thương mại hướng tới sự thịnh vượng chung
    4- Chung sức gìn giữ nền văn hóa truyền thống đa dạng của châu Á
    5- Tăng cường giao lưu thế hệ trẻ, hướng tới tương lai, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc
    Tuấn Nhật




    Posted by vietnamnet.vn on May 31, 2014 at 09:26:09:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]